"Sốc" vì nhạc chế của teen
Những giai điệu quen thuộc nhưng lời ca “sáng tạo” đầy tính dung tục, bạo hành, nản đời… lan truyền chóng mặt trong thế giới teen khiến người lớn cũng chóng mặt vì…. sốc.
Ảnh minh họa. |
Quá dễ dàng để các teen nghiền nhạc chế cập nhật và tải các bản nhạc chế “càng sốc càng độc” cho bộ sưu tập của mình. “Chỉ cần lên mạng, vài cú nhấp chuột. Chịu khó hơn thì săn lùng ở các cửa hàng băng đĩa, có đầy”- một bạn nhỏ học sinh cấp II vừa nói vừa nhấp chuột chỉ dẫn một vài đường link vào các trang web tải nhạc chế.
Bạo lực, nản đời, sex…
Lần đầu tiên xâm nhập vào thế giới nhạc chế không ai khỏi… rùng mình, khó chịu khi nhìn vào tựa đề và những lời bài hát các các teen vẫn đang chuyền tay nhau nghe và lắc lư. Hằng hà sa số giai điệu quen thuộc “bị” cải biên ca từ mà tên người chế tác lẫn người hát hoặc để trống hoặc có cũng gây sốc không kém “tít” (tựa đề bài hát) và ca từ. Theo Q.T, cô bé chỉ dẫn chúng tôi vào các web nhạc chế có hàng chục trang web để vào nghe và tải nhạc chế. Hầu như các trang web “hot” nhất được teen thường xuyên truy cập đều có mục nhạc chế. Những tựa đề dung tục, bẩn thỉu, bạo lực như Công chúa hôi nách, Anh đưa em vô phòng, Mẹ chim đa đa, Yêu không yêu thì đếch cần… nhan nhãn trên các web nhạc chế.
Ca từ cải biên còn gây sốc ở cấp độ cao và cả giật mình vì một thế giới tinh thần bệnh hoạn đang lan tràn trong đời sống âm nhạc của teen. Những lời cải biên lại bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” như “Hết tiền tiêu người yêu anh cũng bán. Bán năm trăm để lấy tiền tiêu tiền tiêu xong lại nhớ đến người yêu. Ở đợ ba năm về chuộc người tình...” đã bị liệt vào hàng “mua vui xoàng xĩnh”, “xưa rồi diễm”. Lời cải biên muốn độc phải sốc kiểu như “Anh bay song phi lên đạp vào mặt em. Em đập vào lan can” rất bạo lực hoặc nhạc Rap chán nản sầu đời như “Ê, trời mưa đi đâu đó mày?- Đi nhảy cầu- đời này làm gì còn chỗ cho ta nữa”… Kinh khủng hơn là những lời ca miêu tả tỉ mỉ chuyện phòng the hết sức dung tục mà người viết không tiện nêu ra đây. Không còn là cảm thấy buồn cuời mà choáng váng về thế giới nhạc chế mà mỗi bài hát có đến hàng ngàn lượt truy cập và download.
Nghe quen tai rồi thích
Nhiều teen như Q.T thừa nhận “ban đầu cũng thấy mấy bài hát này quá nhảm nhí, nhưng rồi tò mò và cứ chuyền tai nhau nghe. Nghe quen tai rồi thấy rồi thích, cũng không biết vì sao thích, lại đi sưu tầm bản mới chuyền nhau nghe theo phong trào vậy thôi”. Đáng nói hơn, không chỉ teen săn lùng nhạc chế và lắc lư mà ngay cả sinh viên trong các xóm trọ cũng nghe và hát suốt ngày các bản nhạc chế. Phương Lan, sinh viên năm 3, ĐH Duy Tân, trọ học một nhà ngay gần trường ở đường Phan Thanh vẫn thường xuyên bị các nam sinh cùng xóm trọ tra tấn, thậm chí có hôm các bạn còn tụ tập nhau lại đàn hát: “Sáng thi rồi, đêm nay uống cho say cho quên đi đời ngang trái. Nếu mà thi không qua thì thi tiếp có chi đâu mà ngại ngùng. Tiền mới gửi, ba ơi gửi thêm nhiều không con đây cầm chiếc xe...”.
Rồi có không ít người phải giật bắn mình mỗi khi chiếc điện thoại của ai đó trong xóm trọ vang lên “Bà già bắn máy bay. Hôm nay đứt lưng quần...”. Không ít người sau lúc khó chịu lại “ham vui” tải các bài nhạc chế đó về cài làm nhạc chuông điện thoại như cách các teen chuyền nhau tải về các máy nghe nhạc cầm tay MP3.
Theo Thạc sĩ Bùi Văn Vân, trưởng khoa Tâm lý đại học Sư Phạm Đà Nẵng: Cái tai hại là các bài nhạc này được chế tác trên nền nhạc các ca khúc nổi tiếng nên dễ thuộc. Giải thích vì sao giới trẻ lại “kết” vì tuổi này ưa tò mò, khám phá, ưa lạ. Những lời nhạc như vậy, đặc biệt với các em học sinh, chưa có cái nhìn đúng đắn dễ dẫn đến nhận thức lệch lạc. Việc kiểm soát các em, cấm không cho tải, nghe nhạc chế là việc không xuể vì có đủ ngõ ngách để tìm đến các phương tiện thông tin, vào web.
Nên chăng, nhà trường và gia đình càng đề cao sự trong sáng của Tiếng Việt trong bài học và có cả những bài học giới tính định hướng nhận thức đúng đắn để khi tiếp xúc với những lời nhạc dung tục, bạo lực... nhạc chế nói riêng và các loại văn hoá phẩm nói chung các em sẽ đủ bản lĩnh để tránh nhận thức lêch lạc, sa ngã, tích cực hơn là tự động nói không với những loại như nhạc chế.
Theo Dân Trí