Thầy Nguyễn Hữu Chí, Phó hiệu trưởng trường THPT Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ, tâm sự trước đây trường thuộc hệ bán công, năm 2009 chuyển sang hệ công lập.
Mặc dù vậy, trường vẫn giữ chế độ xét tuyển đầu vào lớp 10. Học sinh thi tuyển vào lớp 10 ở các trường công lập khác rớt mới vào học trường này. Chấp nhận những học sinh “cùng sào” như vậy khiến tỷ lệ tốt nghiệp của trường năm nào cũng thấp.
Cô Trần Thúy Kiên trò chuyện với học sinh Trường THPT Thuận Hưng. |
Vực dậy tinh thần học tập
100% học sinh đỗ tốt nghiệp
Năm 2010, tỷ lệ đậu tốt nghiệp của Trường THPT Thuận Hưng đạt 64,03%; năm 2011 vọt lên 98%; năm 2012, trường làm chấn động cả TP Cần Thơ khi đậu tốt nghiệp 100%. Kỷ lục này tiếp tục được giữ vững năm 2013. Số học sinh của trường đậu vào các trường ĐH cũng tăng dần theo từng năm. Nếu năm 2009 chỉ có hai thí sinh đậu vào ĐH thì năm 2010 số học sinh đậu vào ĐH tăng gấp chín lần; tới năm 2013 là 52 em, trong đó có những em là thủ khoa, á khoa của các trường ĐH danh tiếng.
Tất cả bắt đầu thay đổi vào năm 2008 khi cô Trần Thúy Kiên về làm hiệu trưởng. Thầy Chí kể: “Bằng các biện pháp đổi mới trong quản lý cùng với những sáng kiến, cô Kiên đã đoàn kết giáo viên lại với nhau hợp lực thay đổi diện mạo của trường. Nhờ vậy mà ngôi trường vùng quê nằm ở gần đáy về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đã vươn lên đạt chuẩn quốc gia vào cuối năm 2013”.
Việc đầu tiên cô Kiên thực hiện là yêu cầu giáo viên phải thay đổi thái độ giảng dạy, quan tâm đến học sinh nhiều hơn. Song song đó, cô vực dậy tinh thần học tập của học sinh bằng cách tổ chức phong trào đố vui học tập hàng tuần, hàng tháng. Việc này cô giao cho đoàn trường đảm nhận.
Cô Nguyễn Thị Tuyết Lan - Phó hiệu trưởng, lúc bấy giờ là bí thư đoàn trường - nhớ lại: “Toàn bộ tiết chào cờ dành để đọc những gương danh nhân hoặc biểu dương các em có tiến bộ trong học tập dù đó là những tiến bộ rất nhỏ, hay khen ngợi những học sinh làm tốt các phong trào, hoạt động của trường lớp.
Còn trong các cuộc thi, những câu hỏi, đố vui đưa ra vừa tầm với các em. Đáp án đúng sẽ được thưởng những tặng phẩm nho nhỏ. Trường chỉ biểu dương khen thưởng, hạn chế tối đa chuyện quở phạt, kỷ luật các em. Nắm bắt tâm lý thích vui chơi thể thao, trường đưa ra quy định phải hạnh kiểm tốt, học lực trung bình trở lên mới được vào đội thi đấu giao lưu với các trường khác”.
Cách làm nhẹ nhàng nhưng cương quyết của các thầy cô đã giúp các em dần thay đổi thái độ học tập theo chiều hướng ngày càng tích cực hơn.
Dạy thêm miễn phí
Cô Kiên còn nhờ những giáo viên lớn tuổi có tài, có tâm đi đầu gây dựng phong trào dạy thêm miễn phí. Người cô tìm đến đầu tiên là thầy Phùng Thành Nghiệp, giáo viên môn Toán. Ngoài giờ giảng chính khóa, hầu như thầy có mặt xuyên suốt ở lớp dạy thêm. Tùy trình độ học sinh mà thầy có giáo án dạy riêng phù hợp.
Sự tận tâm của thầy đã giúp các em nắm vững kiến thức, khiến kỳ thi tốt nghiệp năm 2009 đa số học sinh đạt điểm khá trở lên. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của trường từ dưới đáy vọt lên 51,35%, riêng lớp thầy Nghiệp là 76%.
Niềm hân hoan được nhân lên khi lớp của thầy gây “cơn địa chấn” lần đầu tiên có hai học sinh đỗ đại học. Đây cũng chính là điểm khởi đầu để học sinh các khóa sau bước chân vào giảng đường ngày càng nhiều.
Noi gương thầy Nghiệp, các thầy cô khác tình nguyện đăng ký dạy thêm miễn phí. Có những thầy cô nhà xa trường 20km như thầy Lê Thanh Hải sẵn sàng ở nhà công vụ buổi chiều để dành hết thời gian phụ đạo.
Nhiều người bận bịu con nhỏ như cô Võ Thị Kim Cương nhưng vẫn cố gắng sắp xếp dành trọn thời gian cho học trò của mình. Không chỉ vậy, các giáo viên khác như thầy Trần Thanh Tuấn, cô Nguyễn Ngọc Diễm Chi... còn đứng ra dạy luyện thi đại học miễn phí cho các em.
Mỗi giáo viên đỡ đầu một học sinh
Điều mọi người ấn tượng ở cô Kiên là lúc nào cũng tìm mọi biện pháp để nâng cao chất lượng. Cô tổ chức kiểm tra chung toàn khối bởi điểm số mà học sinh đạt được qua kỳ thi chung phản ánh đúng sức học của các em, tránh tình trạng giáo viên bộ môn tự cho đề dễ, chấm dễ để báo cáo thành tích ở lớp mình dạy.
Sau khi xem điểm số từng lớp, với những học sinh nào có môn học dưới điểm trung bình cô đưa ra chiến thuật “mỗi giáo viên đỡ đầu một học sinh” hay “nhiều người vì một người”. Và chiến thuật cô đưa ra đã đem lại kết quả mỹ mãn.
Điển hình là trường hợp toàn trường cùng nhau giúp đỡ Thái Văn Thể - một trong những học sinh học kém và quậy phá. Việc đỡ đầu học sinh cá biệt này được giao cho cô Nguyễn Thị Tuyết Lan đảm nhận. Biết Thể thích bóng đá, cô Lan tiếp cận học trò bằng những câu chuyện thể thao. Khi cô trò đã thân thiện, Thể mới thật tình thú nhận học không hiểu, thầy cô hỏi bài không biết đường trả lời nên phản ứng lại bằng cách quậy phá.
Lúc đó cô Lan và các giáo viên khác mới lên kế hoạch dạy kèm giúp Thể lấy lại kiến thức cơ bản. Bất cứ khi nào cậu học trò đặc biệt này có thái độ tích cực đều được mọi người khen thưởng, khích lệ tinh thần. Sự đồng tâm hợp lực đó đã giúp nam sinh này từ học lực yếu kém vọt lên mức trung bình khá và đỗ tốt nghiệp trong sự vui mừng của toàn trường. Giờ cậu học sinh cá biệt ngày nào đang thực hiện ước mơ trở thành giáo viên dạy thể dục.
Tấm gương sáng
"Cô Trần Thúy Kiên là một tấm gương sáng của ngành. Cô nhận được nhiều bằng khen, huy chương vì sự nghiệp giáo dục, danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Năm 2013, cô là người duy nhất của thành phố Cần Thơ ra Hà Nội nhận danh hiệu Nhà giáo tiêu biểu giai đoạn 2008-2013.
Với tinh thần trách nhiệm cao và tận tụy, cô đã tập hợp được sức mạnh tập thể, vận động các nguồn lực xã hội, nhận được sự ủng hộ cao của lãnh đạo và chính quyền các cấp, tạo được các yếu tố cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục học sinh, góp phần quan trọng trong việc xây dựng trường THPT Thuận Hưng đạt chuẩn quốc gia", ông Võ Minh Lợi (Phó giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Cần Thơ) cho biết.