Tham gia triển lãm VMS 2024, Subaru mang đến mẫu SUV cỡ B Subaru Crosstrek, gồm 2 phiên bản nhập khẩu từ Nhật Bản trong đó bản thuần xăng có giá 1,098 tỷ đồng.
Subaru cũng lần đầu giới thiệu phiên bản hybrid của động cơ Boxer, trang bị cho Subaru Crosstrek cùng giá bán 1,268 tỷ đồng.
Như vậy tại Việt Nam, Subaru Crosstrek đã trở thành mẫu xe đắt đỏ hàng đầu phân khúc SUV cỡ B/B+, tương đồng khoảng giá 1,099-1,299 tỷ đồng của Volkswagen T-Cross và trội hơn khá nhiều đối thủ.
To hàng đầu phân khúc
Các kích thước dài x rộng x cao của Subaru Crosstrek lần lượt 4.480 x 1.800 x 1.580 mm, chiều dài cơ sở 2.670 mm và khoảng sáng gầm đạt 200 mm.
So với các đối thủ SUV cỡ B/B+, Subaru Crosstrek là mẫu xe to hàng đầu phân khúc. Chiều dài tổng thể của Crosstrek tương đồng BYD Atto 3 (4.455 x 1.875 x 1.615 mm) và Toyota Corolla Cross (4.460 x 1.825 x 1.620 mm) đồng thời chỉ thua kém "tân binh" GAC Aion Y Plus (4.535 x 1.870 x 1.650 mm).
Mẫu SUV đô thị của Subaru cũng nhỉnh hơn Mitsubishi Xforce (4.390 x 1.810 x 1.660 mm), Toyota Yaris Cross (4.310 x 1.770 x 1.615 mm) hay Hyundai Creta (4.315 x 1.790 x 1.660 mm) và Kia Seltos (4.365 x 1.800 x 1.645 mm).
Ngoại thất của Subaru Crosstrek khiến mẫu xe này được đánh giá là "bản sao" của đàn anh Subaru Outback, với lưới tản nhiệt họa tiết tổ ong, dải crom cắt ngang liên kết 2 cụm đèn chiếu sáng chính. Đèn xe dạng LED, có tính năng mở rộng góc chiếu khi vào cua.
Ốp cản trước Subaru Crosstrek có kích thước lớn, tạo hình giống răng nanh, kết hợp cùng đèn sương mù. Phần đuôi xe cũng khá hầm hố với cặp đèn hậu đặt nổi, ốp cản sau to bản.
Ngoại trang khá ấn tượng nhưng nội thất Subaru Crosstrek có thể khiến không ít khách hàng khó tính cảm thấy chưa thật sự hài lòng.
Khi nhiều mẫu xe có mặt tại VMS 2024 được trang bị cần số điện tử, đặt sau vô lăng hoặc ở bệ trung tâm thì Subaru Crosstrek vẫn dùng cần số dạng thẳng hàng.
Vô lăng bọc da, tích hợp nhiều nút chức năng nhưng vẫn là dạng tròn 3 chấu khá truyền thống. Xe được trang bị màn hình trung tâm kích thước 11,6 inch đặt dọc, có kết nối Apple CarPlay và Android Auto không dây.
Subaru Crosstrek có 2 phiên bản, trong đó một phiên bản dùng động cơ Boxer 2.0L truyền thống, phiên bản hybrid có kết hợp thêm motor điện. Cả hai đều được trang bị công nghệ EyeSight 4.0 cải tiến, kết hợp hệ dẫn động 4 bánh toàn thời gian đối xứng (S-AWD), hộp số Lineartronic CVT với 7 hoặc 8 cấp số ảo.
Nhìn chung, Subaru Crosstrek gây chú ý với tùy chọn động cơ hybrid là sự kết hợp giữa động cơ Boxer với motor điện, bên cạnh gói công nghệ an toàn EyeSight đã khá nổi tiếng của hãng xe Nhật Bản.
Tuy nhiên với giá bán cao hàng đầu phân khúc, Subaru Crosstrek dễ rơi vào tình cảnh khó khăn như "đàn anh" Subaru Forester từng đối diện tại Việt Nam.
Không dễ cho tân binh
Phân khúc SUV đô thị đang là một trong những điểm nóng của thị trường xe Việt. Loạt tân binh cả xăng lẫn điện dồn dập đổ bộ phân khúc này là minh chứng rõ nhất, một vài cái tên gần đây gồm BYD Atto 3, GAC Aion Y Plus, MG4 EV hay nổi bật nhất là Mitsubishi Xforce, Toyota Yaris Cross.
Nói Mitsubishi Xforce cùng với Toyota Yaris Cross nổi bật nhất bởi 2 mẫu xe này đang là những cái tên bán chạy nhất phân khúc SUV/crossover cỡ B/B+. Toyota Yaris Cross trình làng khách Việt cuối năm ngoái, còn Mitsubishi Xforce chỉ mới bán ra từ tháng 3.
Trường hợp của Xforce, Yaris Cross là khá hiếm và không phải tân binh nào cũng có thể ngay lập tức đạt được thành công tương tự. Riêng với Subaru Crosstrek, giá bán cao còn là trở ngại không nhỏ.
Subaru Crosstrek (1,098-1,268 tỷ đồng) có giá bán cao hơn hẳn các đối thủ cùng phân khúc như Mitsubishi Xforce (599-705 triệu đồng), Toyota Yaris Cross (650-765 triệu đồng), Kia Seltos (599-799 triệu đồng), Hyundai Creta (599-699 triệu đồng) hay Honda HR-V (699-871 triệu đồng).
Di chuyển lên nhóm SUV cỡ B+, Crosstrek cũng không hấp dẫn hơn khi đặt cạnh Toyota Corolla Cross (820-905 triệu đồng), Mazda CX-30 (699-749 triệu đồng) hay Peugeot 2008 (719-769 triệu đồng).
Nếu xét riêng địa hạt hybrid, những Toyota Yaris Cross HEV (765 triệu đồng) hay Toyota Corolla Cross 1.8HEV (905 triệu đồng) đều là lựa chọn rẻ hơn so với Subaru Crosstrek 2.0 i-S EyeSight e-Boxer Hybrid vốn có giá 1,268 tỷ đồng.
Sau khi ra mắt tại VMS 2024, Subaru thông báo triển khai chương trình ưu đãi 99 triệu đồng dành cho cả 2 phiên bản của Crosstrek. Nhờ đó, phiên bản 2.0 i-S EyeSight có giá 999 triệu đồng, còn Crosstrek 2.0 i-S EyeSight e-Boxer Hybrid có giá 1,169 triệu đồng, chỉ áp dụng cho 99 khách đầu tiên.
Chiến lược khuyến mại này khá quen thuộc với khách Việt quan tâm ôtô thương hiệu Subaru, do hãng xe Nhật Bản thường xuyên áp dụng ưu đãi lên đến hàng trăm triệu đồng cho Subaru Forester.
Dẫu biết giá bán là yếu tố ảnh hưởng khá lớn đến thành công của từng mẫu xe, thật khó để đòi hỏi Subaru làm tốt hơn trong việc định giá Crosstrek bởi mẫu SUV cỡ B+ này được nhập khẩu từ Nhật Bản.
Trong tương lai, Subaru Forester cũng sẽ chuyển sang nhập khẩu Nhật Bản, nhiều khả năng đẩy giá mẫu SUV cỡ C lên cao hơn thời điểm hiện tại. Khi ấy, có lẽ Subaru Việt Nam cần tiếp tục triển khai các chương trình ưu đãi tương tự để giúp giá xe trở nên "hấp dẫn" hơn với khách hàng.
Tạm thời, Subaru Crosstrek vẫn là một lựa chọn khá thú vị nhờ động cơ e-Boxer Hybrid hay loạt công nghệ an toàn cũng như nhập khẩu từ Nhật Bản. Tuy nhiên giá bán trên 1 tỷ đồng cho bản xăng và gần 1,3 tỷ đồng ở bản hybrid sẽ khiến khách hàng Việt có lý do để chần chừ trước khi quyết định xuống tiền.
Sách hay đọc trên xe
Chuyên mục Xe gửi tới độc giả những tựa sách hay với nhiều chủ đề hấp dẫn. Trên những chặng hành trình với những chiếc xe, không hiếm khi chúng ta có những khoảnh khắc nghỉ ngơi, thư giãn, và những trang sách là người bạn đồng hành lý thú.