So sánh
Bên cạnh mẫu SUV quen thuộc là GLC-Class, Mercedes-Benz còn một cái tên khác ở tầm tiền 2 tỷ đồng là GLB với cấu hình 5+2 ít phổ biến hơn. Trong khi đó, Subaru xuất hiện tại Việt Nam cuối năm 2021 là một lựa chọn hiếm được chú ý đến dù mẫu xe gầm cao Nhật Bản có được các nâng cấp đáng chú ý.
Vậy Mercedes-Benz GLB 200 AMG và Subaru Outback 2.5i-T EyeSight có những điểm gì hơn kém nhau khi xét đến nhu cầu mua SUV phục vụ gia đình?
Ngoại hình Mercedes GLB thể thao, Subaru Outback thiết kế già dặn
Khác biệt chính tạo nên 2 tập khách hàng cho Mercedes GLC và Subaru Outback là phong cách thiết kế. Trong đó, mẫu xe Đức hướng đến hình tượng năng động và trẻ trung, còn đại diện của Subaru phù hợp với người dùng thích kiểu xe Nhật trung tính và bền dáng.
Cụ thể, gói trang bị AMG giúp Mercedes-Benz GLB trông hầm hố bằng loạt chi tiết mang chất thể thao như lưới tản nhiệt có logo ngôi sao 3 cánh cỡ lớn, cản trước góc cạnh, la-zăng 5 chấu hợp kim 19 inch, ống xả kép viền mạ crôm…
Kết hợp cùng đó là hệ thống đèn LED tạo hình 3D quen thuộc từ hãng xe Đức, tăng thêm vẻ hiện đại cho mẫu xe 7 chỗ nhỏ nhất của Mercedes.
Trong khi đó, Outback mang thiết kế thô cứng thường thấy ở xe Subaru, kết hợp cùng dáng vẻ thân rộng lạ mắt khiến mẫu SUV này có phần kén khách hơn các dòng xe ở cùng tiền.
Dù vậy, ở đời xe mới hãng xe Nhật Bản đã có một vài thay đổi để Outback trông bắt mắt hơn. Chẳng hạn cụm đèn chiếu sáng gọn gàng, dải đèn hậu LED cách điệu chữ C gãy gọn hay các mảng ốp nhựa tối màu ở hốc bánh xe, bên hông cửa và baga mui.
Một điểm cộng nhỏ về mặt trang bị của Outback so với Mercedes GLB 200 là tính năng rửa đèn pha và sấy gương chiếu hậu, đổi lại mẫu xe Subaru sử dụng mâm 18 inch và phần ống xả được bố trí ẩn dưới gầm xe trông kém nổi bật.
So sánh về kích thước, số đo tổng thể dài x rộng x cao của GLB nhỏ hơn khi đặt cạnh Outback, đổi lại mẫu SUV Mercedes có chiều dài cơ sở nhỉnh hơn để bố trí không gian nội thất theo dạng 3 hàng ghế.
Cabin Mercedes GLB sang trọng, Subaru Outback rộng rãi
Tiếp nối sự trẻ trung ở ngoại hình, nội thất Mercedes GLB 200 được thiết kế theo hướng hiện đại và cao cấp. Điểm nhấn là vật liệu carbon và kim loại ốp trang trí trẻ trung, tay lái D-Cut bọc da Nappa có lẫy chuyển số cỡ lớn màu bạc, trong khi ghế ngồi được phối da lộn mang phong cách thể thao.
Về phía Subaru Outback, khoang lái của mẫu SUV Nhật Bản trông có phần già dặn với cách phối màu nâu-đen của ghế ngồi và bảng tablo. Ở đời xe mới, khu vực điều khiển trung tâm của Outback được nâng cấp mạnh với màn hình cảm ứng 11,6 inch đặt dọc trong khi các nút bấm vật lý được lược giản.
Những tính năng tiện nghi tương đồng giữa 2 mẫu xe có thể kể đến điều hòa tự động 2 vùng, kết nối Apple CarPlay/Android Auto, ghế lái chỉnh điện, phanh tay điện tử, cốp sau đóng/mở điện… Khác biệt nằm ở việc Outback có ghế phụ chỉnh điện và trang bị cửa sổ trời, trong khi GLB 200 có nhớ vị trí ghế lái cùng hệ thống đèn nội thất 64 màu.
Về không gian nội thất, Mercedes GLB 200 chiếm ưu thế ở tính đa dụng khi có thêm hàng ghế thứ 3, đáp ứng được nhu cầu đi đông người khi cần thiết. Tuy nhiên 2 ghế cuối chủ yếu phù hợp với trẻ em hoặc người lớn cao dưới 1,6 m, tư thế ngồi cũng không quá thoải mái để đi đường dài. Cùng với đó, khoang hành lý của GLB khá hạn chế khi đi đủ 7 người, chỉ có thể để vừa vali nhỏ hoặc một vài balo.
Trong khi đó, nhờ kích thước to lớn và cách bố trí cabin thực dụng của Subaru nên Outback có được nội thất rộng rãi cho 5 người lớn. Kết hợp cùng cốp sau có dung tích tiêu chuẩn hơn 560 lít nên mẫu SUV Nhật Bản có thể đáp ứng được hầu hết nhu cầu sử dụng, di chuyển của gia đình.
Subaru Outback nhỉnh hơn về công nghệ
Lướt nhanh qua bảng so sánh thông số, có thể thấy Mercedes GLB 200 AMG và Subaru Outback 2.5i-T EyeSight tại Việt Nam tỏ ra ngang tài ngang sức về sức mạnh.
Điểm cộng của mẫu xe Đức nằm ở hộp số tự động 7 cấp ly hợp kép cho khả năng chuyển số nhanh nhạy, còn Outback sử dụng hộp số vô cấp CVT có 8 cấp số ảo.
Dù vậy, mẫu xe gầm cao Đức có phần bất lợi khi xét đến loạt tính năng vận hành và công nghệ an toàn. Khác biệt đáng kể đầu tiên là Mercedes-Benz GLB 200 có hệ dẫn động cầu trước.
Trong khi đó, Outback được trang bị hệ dẫn động 4 bánh toàn thời gian, đi cùng hệ thống lái X-Mode 2 chức năng hỗ trợ việc đi đường xấu cơ động hơn.
Ngoài ra, bản nâng cấp của Subaru Outback nay được bổ sung hệ thống an toàn chủ động EyeSight 4.0 với các chức năng nổi bật như hỗ trợ phanh và đánh lái khẩn cấp, kiểm soát hành trình thích ứng, cảnh báo lệch làn, đèn pha thích ứng, camera trước/sau và quan sát bên phụ…
Một vài trang bị an toàn của Mercedes GLB 200 AMG tương đồng với “đối thủ” gồm có 7 túi khí, cảm biến đỗ xe, đèn báo phanh khẩn cấp, giữ phanh tự động…
Kết luận
Nhìn chung, Mercedes GLB 200 AMG sẽ là lựa chọn sáng giá cho những khách hàng thích một mẫu xe sang có mức giá dễ tiếp cận, vừa có nội/ngoại thất hiện đại vừa đáp ứng linh hoạt được nhu cầu sử dụng gia đình với 7 chỗ ngồi. Điểm hạn chế của mẫu SUV này là thông số vận hành và tính năng an toàn ở mức đủ dùng.
Với Subaru Outback, chiếc xe gầm cao Nhật Bản có thể thuyết phục được những ai đề cao tính thực dụng, yếu tố rộng rãi cũng như tính an toàn. Ngoài ra, động cơ boxer cùng khả năng vận hành cơ động cũng là điểm cộng để Outback thu hút những người dùng thích cầm lái, bù đắp lại cho thiết kế không quá nổi bật của xe Subaru.