Ôtô có một thông số được gọi là góc tới, hoặc có cách gọi khác là góc tiếp cận. Hiểu đơn giản, thông số này chỉ độ dốc lớn nhất xe có thể vượt qua mà không bị cạ gầm. Góc tiếp cận cùng với góc thoát sa và góc vượt đỉnh dốc, các thông số thiết kế đóng vai trò lớn trong khả năng đi đường xấu của xe gầm cao.
Tuy vậy, không phải lúc nào một chiếc SUV hay crossover cũng được thiết kế góc tiếp cận lớn để phục vụ cho việc đi offroad.
Các thông số thiết kế ảnh hưởng đến khả năng đi địa hình của xe gầm cao. Ảnh: Aasisuzumadurai. |
Vào thập niên 1960, chính phủ Mỹ bắt đầu đưa ra các tiêu chuẩn khí thải để giảm thiểu ô nhiễm. Các phương tiện lớn bắt đầu được gắn thiết bị kiểm soát khí thải, nhưng điều này cản trở khả năng chuyên chở hàng hóa hay hành khách của các mẫu xe thương mại so với xe du lịch.
Cùng với điều chỉnh này, chính phủ Mỹ đưa ra danh sách yêu cầu đối với dòng xe không chở người (non-passenger automobile), hay cụ thể hơn ở đây là xe địa hình (off-road vehicles). Để được phân loại là xe địa hình, có nhiều tiêu chí về thiết kế kỹ thuật cần xét duyệt.
Đầu tiên, xe có hệ dẫn động 4 bánh hoặc có tổng khối lượng lớn hơn 2,7 tấn. Tiếp theo, xe phải đảm bảo ít nhất 4 trên 5 đặc điểm sau: góc tiếp cận không nhỏ hơn 28 độ, góc vượt đỉnh dốc không nhỏ hơn 14 độ, góc thoát phía sau không dưới 20 độ, khoảng sáng gầm xe không thấp hơn 20 cm và khoảng cách tối thiểu giữa trục bánh xe với mặt đường là 18 cm.
Mercedes-Benz G-Class có góc tiếp cận trước là 28 độ. Ảnh: Hoàng Huy. |
Với việc nằm trong danh mục xe không chở người, những phương tiện này phải tuân theo các quy chuẩn an toàn ít nghiêm ngặt hơn. Đồng thời, các loại xe này cũng được phép phát thải nhiều hơn và có được mức tiêu thụ nhiên liệu cao hơn so với ôtô chở người.
Vào năm 2017, tiêu chuẩn Corporate Average Fuel Economy (CAFE), tạm dịch Tiết kiệm nhiên liệu trung bình, công bố bởi Cục Quản lý An toàn Giao thông đường bộ Mỹ (NHTSA) quy định xe tải hạng nhẹ trong nhóm xe không chở người cần đạt mức tiêu thụ nhiên liệu tối đa là 29,4 mpg, tương đương 8 lít/100 km. Con số tương ứng với ôtô du lịch là 39,1 mpg, khoảng 6,01 lít/100 km. Mức chênh lệch giữa 2 loại xe là gần 25%. Đến nay, NHTSA chưa công bố chuẩn CAFE mới.
Subaru XV (tại Mỹ là Subaru Crosstrek) hiện được xếp loại là phương tiện không chở người nhờ đáp ứng các quy chuẩn thiết kế của xe địa hình. Ảnh: Subaru. |
Góc tiếp cận từ 28 độ trở lên cùng các thông số kỹ thuật khác dần trở thành chuẩn chung thường gặp trên các dòng xe gầm cao cho đến ngày nay.
Hiểu đơn giản, một số mẫu SUV sinh ra để chở người nhưng lại có những thông số giống với nhóm xe địa hình. Mục đích của các nhà sản xuất là để sản phẩm của họ được chính phủ Mỹ xếp vào nhóm xe địa hình, hay rộng hơn là loại phương tiện không chở người.
Như vậy, bằng một vài thông số thiết kế thì các hãng xe vừa tránh được loạt quy định khắt khe của chính phủ Mỹ đối các mẫu xe gầm cao, vừa có thể tiết kiệm được nhiều chi phí nghiên cứu sản phẩm mới.
Các model được xem là xe địa hình tại Mỹ có thể được trang bị động cơ lớn hơn mà không cần lo ngại về các tiêu chuẩn nhiên liệu khó khăn như xe du lịch.