CUV cỡ nhỏ, xe gầm cao đô thị, Urban SUV hay miniSUV là những cách gọi khác nhau của các mẫu crossover hạng B. Các mẫu xe thuộc phân khúc này tạo điểm nhấn với thiết kế gầm cao, tầm quan sát tốt, di chuyển linh hoạt trong phố và tiết kiệm. Đây là những sản phẩm nhắm đến nhóm khách hàng sống ở các đô thị đông đúc.
Dù có những ưu điểm phù hợp với điều kiện đường phố Việt Nam nhưng vì nhiều lý do mà SUV đô thị vẫn chưa thực sự bùng nổ như kỳ vọng. Đến hiện tại, chỉ đang có 3 hãng xe chia nhau miếng bánh SUV đô thị béo bở là Ford, Hyundai và Honda.
Phân khúc kén người chơi
Khai phá phân khúc xe gầm cao đô thị đầu tiên tại Việt Nam là Daihatsu Terios. Thế hệ đầu tiên của Terios từng được bán tại Việt Nam trong giai đoạn 2002-2005 trước khi dừng sản xuất. Thế hệ thứ 2 sau đó chỉ được nhập khẩu về với số lượng khiêm tốn và cũng không còn được ưa chuộng như đời xe trước.
Đến nay, Daihatsu đã phát triển Terios thế hệ thứ 3 thành dòng xe 7 chỗ. Và hãng mẹ Toyota sử dụng khung gầm, thiết kế của Terios xây dựng thành Rush đang bán tại các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Gần một thập kỷ sau khi Terios rút lui, Ford EcoSport chính thức xuất hiện vào năm 2014. Chiếc SUV cỡ nhỏ có giá bán hợp lý, thiết kế khác lạ với bánh xe treo phía sau nhanh chóng độc chiếm thị phần xe gầm cao tầm 600 triệu.
Anh Hoàng Sơn, một người dùng EcoSport đời đầu tại TP.HCM chia sẻ lý do chọn mua mẫu SUV cỡ nhỏ của Ford là vì xe nhỏ gọn, dễ xoay trở trong thành phố, dễ leo lề hay quay đầu trong đường hẹp, nhất là không ngại đường ngập nước như các dòng xe gầm thấp.
Điểm cộng khác là băng ghế sau có thể gập lại được để chở đồ có kích thước lớn, không bị hạn chế như sedan. Tuy nhiên, anh chưa ưng ý lắm về động cơ và chất lượng chung của mẫu xe Mỹ.
Ford EcoSport thế hệ đầu tiên nhanh chóng thành công tại Việt Nam khi không có đối thủ cạnh tranh. Ảnh: Ford. |
Với thành công của Ford Việt Nam, ngay lập tức Hyundai và Suzuki nhảy vào phân khúc này trong năm 2015. Hãng xe Hàn Quốc lần lượt ra mắt i20 Active và Creta, còn thương hiệu Nhật Bản trình làng Vitara.
Tuy vậy, cả 3 đối thủ này đều không đủ sức cạnh tranh với Ford EcoSport. Nếu Hyundai i20 Active có thiết kế không thực sự bắt mắt, kém đa dụng hơn mẫu miniSUV Mỹ thì Creta và Vitara lại có giá bán cao trên 800 triệu nên không được khách hàng mặn mà.
Đến năm 2017, xuất hiện thêm Chevrolet Trax và SsangYong Tivoli với hy vọng có được thị phần trong phân khúc. Khi mà Trax đang trên đà chiếm được lòng tin của người tiêu dùng thì nhà nhập khẩu của Chevrolet tại Việt Nam quyết định dừng kinh doanh dòng xe này. Trong khi đó giá trị thương hiệu SsangYong tại Việt Nam chưa thực sự tốt khiến cho Tivoli không thu hút được quá nhiều sự quan tâm của khách hàng.
Lần lượt Creta, i20 Active, Tivoli, Trax và Vitara ngừng bán ở Việt Nam khi không thể duy trì được doanh số như kỳ vọng của nhà sản xuất. Trong khi đó, Ford EcoSport giữ phong độ ổn định suốt hơn 3 năm với doanh số cộng dồn từ giữa 2014 đến hết 2017 đạt gần 15.000 xe.
Nhiều mẫu xe thất bại trong việc cạnh tranh với EcoSport ở giai đoạn 2015-2017. Ảnh: TC Motor. |
Hyundai Kona xuất hiện
Sau khi đả bại hàng loạt đối thủ, đầu năm 2018 hãng xe Mỹ quyết định nâng cấp cho EcoSport với ngoại hình mới, thêm trang bị và bổ sung tùy chọn động cơ EcoBoost. Những tưởng một giai đoạn thống trị mới sẽ mở ra cho mẫu xe SUV đô thị của Ford, tuy nhiên phân khúc đã có sự dịch chuyển rõ nét.
Tháng 8/2018, Hyundai Kona lắp ráp trong nước xuất hiện với phong cách trẻ trung ngay lập tức nhận được phản hồi tích cực từ thị trường. Giá bán cạnh tranh (615-725 triệu đồng tại thời điểm ra mắt) cùng một vài điểm nổi trội về mặt tính năng cũng như thiết kế bắt mắt giúp doanh số Kona tăng đều đặn qua từng tháng và phả hơi nóng vào gáy EcoSport.
Một tháng sau khi Kona được bán ra trên thị trường, đến lượt Honda lần đầu tiên tham gia vào phân khúc SUV đô thị với HR-V tại Việt Nam. Được nhập khẩu từ Thái Lan, Honda HR-V có giá bán cao hơn 2 đối thủ lắp ráp trong nước, thậm chí là tiệm cận với phân khúc SUV cỡ trung (786-871 triệu đồng).
Dù vậy, nhờ thiết kế bắt mắt, không gian rộng rãi cộng với yếu tố thương hiệu nên HR-V đến nay vẫn có được nhóm khách hàng ổn định.
Kết thúc năm 2018, Ford bán được tổng cộng 4.844 chiếc EcoSport. Trong khi đó, chỉ mất 4 tháng doanh số của Hyundai Kona đã đạt 2.717 xe, bằng 56% kết quả bán hàng của EcoSport. Về phần Honda, hãng xe Nhật bán được gần 1.500 chiếc HR-V trong quý cuối cùng của năm.
Bước sang năm 2019, Hyundai Kona duy trì đà thăng tiến để chính thức soán ngôi EcoSport, vươn lên vị trí đầu bảng xếp hạng xe gầm cao cỡ nhỏ nhờ doanh số 7.103 xe.
Về phần EcoSport, cựu vương suy giảm doanh số khi cả năm 2019 chỉ bán được hơn 4.000 xe dù nắm giữ lợi thế về giá bán (545-689 triệu đồng) và có nhiều tùy chọn nhất với 5 phiên bản. Trong khi đó, mẫu miniSUV của Honda kết sổ năm 2019 với 2.700 xe.
Doanh số của Kona, EcoSport cùng HR-V trong năm 2018 và 2019 theo số liệu của VAMA và TC Motor. |
Ngóng chờ tân binh
Với doanh số cả năm 2019 tăng trưởng hơn 50% so với 2018, có thể thấy phân khúc SUV đô thị vẫn còn nhiều "đất" để phát triển. Đồng thời, người dùng cũng cần thêm những mẫu xe mới đủ sức hấp dẫn để cân nhắc lựa chọn bên cạnh các loại ôtô khác.
Ông Dương Đăng Quang - Chuyên gia ôtô xe máy chia sẻ: “Phân khúc miniSUV tại thị trường Việt Nam được đánh giá là khá tiềm năng. Những mẫu xe thuộc phân khúc này là dòng xe đa dụng như SUV nhưng lại có thiết kế nhỏ gọn và tiết kiệm nhiên liệu."
Đầu năm nay, hình ảnh một chiếc EcoSport không có bánh dự phòng phía sau chạy thử tại Việt Nam xuất hiện trên mạng xã hội. Điều này làm dấy lên dự đoán rằng Ford chuẩn bị ra mắt các phiên bản mới cho EcoSport để lấy lại vị thế đã mất vào tay Kona. Tuy vậy, trải qua hơn 4 tháng nhưng vẫn chưa có thêm thông tin gì về EcoSport nâng cấp 2020.
Bên cạnh đó, theo thông tin có được, rất có thể Thaco đang chuẩn bị tham chiến ở phân khúc Urban SUV bằng 2 mẫu xe hoàn toàn mới.
Cái tên đầu tiên là Mazda CX-30, phiên bản gầm cao của Mazda3. Với CX-30, Mazda hoàn toàn có thể tự tin trong việc cạnh tranh với Hyundai, Ford và Honda khi mẫu xe này có đầy đủ những ưu điểm của Mazda3. Điều quan trọng là Thaco sẽ định giá CX-30 như thế nào để vừa hấp dẫn khách hàng, vừa không ảnh hưởng đến doanh số của Mazda3.
Cùng với Mazda CX-30, Kia Seltos là mẫu xe đang được người dùng Việt Nam chờ đợi. Thực tế, Seltos được xây dựng trên cùng nền tảng khung gầm và động cơ chia sẻ từ Kona do tập toàn mẹ Hyundai phát triển. Điểm khác biệt nằm ở thiết kế và các tính năng trang bị theo xe.
Mazda CX-30 và Kia Seltos nhiều khả năng sẽ được bán ở Việt Nam trong thời gian tới. |
Tuy nhóm xe miniSUV hứa hẹn trở nên sôi động trong thời gian tới nhưng ông Quang cho rằng các hãng xe chưa thực sự mặn mà với các sản phẩm ở phân khúc này. Lý do là vì tỷ suất lợi nhuận của những dòng xe này thấp do giá bán không cao hơn nhiều so với dòng sedan nhưng chi phí sản xuất lớn hơn (phải sản xuất dây chuyền riêng).
"Thêm vào đó, tại thị trường Việt Nam đối tượng được nhắm đến cho dòng xe này là người trẻ. Thường thì nhóm khách hàng này sẽ lựa chọn những chiếc MPV để sử dụng hàng ngày và kinh doanh. Hoặc những người có kinh tế tốt hơn sẽ lựa chọn những dòng xe sedan có thiết kế hiện đại trẻ trung để thể hiện cá tính. Do đó miniSUV vẫn chưa thực sự thu hút được khách hàng tại thị trường Việt.” - ông Quang nhận định.