Ung thư không phải là chết là cuốn sách được viết bởi bác sĩ Nguyễn Lê đang gây tranh cãi trên mạng xã hội. Bác sĩ này từng được biết đến trên truyền thông là người mắc bệnh ung thư gan nhưng vẫn sống khỏe 11 năm.
Trước khi chính thức được phát hành, 3 trang thuộc cuốn sách vấp phải nhiều ý kiến tranh luận. Đáng chú ý, các nhà khoa học, bác sĩ thuộc tổ chức Ruy Băng Tím cho rằng thông tin trong cuốn sách có nhiều điểm chưa đúng, có khả năng hướng người đọc nhìn nhận lệch lạc khi lựa chọn thuốc hay phương pháp để điều trị ung thư.
Trước vấn đề này, Zing.vn đã có cuộc trao đổi với đại tá, bác sĩ Nguyễn Lê - tác giả của cuốn sách này. Bác sĩ này từng công tác tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội) và mới về hưu sớm hồi tháng 6.
3 trang sách gây tranh cãi trên mạng xã hội. Ảnh: Ruybangtim. |
"Tôi rất bức xúc vì sự nhìn nhận phiến diện"
- Cuốn sách “Ung thư không phải là chết” đang gây tranh cãi trên mạng xã hội dù chưa chính thức phát hành. Bản thân là tác giả, ông có bất ngờ về điều này?
- Đây là cuốn sách đầu tiên của tôi và dự kiến sang tuần mới chính thức phát hành. Hiện tại, chỉ có tôi và nhà xuất bản có trong tay cuốn sách này. Nhưng những tranh cãi, ý kiến trái chiều về nó đã có trong 1-2 tuần gần đây. Tôi không bất ngờ. Từ đầu, tôi đã hình dung được việc sẽ có nhiều ý kiến trái chiều và hiểu được sự tranh cãi là có thể xảy ra. Thực tế, quan điểm của các bác sĩ vẫn có sự khác nhau giữa người này, người kia, thậm chí, cùng một khoa, cùng một bệnh viện nhưng quan điểm điều trị cũng khác nhau. Bên cạnh đó, trong điều trị hiện nhiều hướng, trường phái, đâu là đúng vẫn chưa rõ ràng. Ngay bác sĩ điều trị cũng không thể khẳng định biện pháp đưa ra có hiệu quả với bệnh nhân của mình hay không, tùy thuộc đáp ứng và nhiều vấn đề khác.
Cuốn sách này tôi viết về trải nghiệm, kiến thức của bản thân, mục tiêu muốn truyền tải nghị lực, quyết tâm sống cho bệnh nhân, người nhà họ và giúp mọi người có thêm kiến thức về ung thư, bệnh diễn biến như thế nào, xử lý nó ra sao. Tôi muốn truyền tải thông điệp như nhan đề cuốn sách rằng ung thư không đáng sợ, không hẳn sẽ chết. Bởi mắc một trong những bệnh ác tính nhất là ung thư gan mà tôi vẫn sống tốt thì những bệnh nhân khác sẽ còn nhiều cơ hội hơn. Quan trọng là đối diện, xử lý căn bệnh như thế nào.
Câu chuyện cá nhân của tôi cũng không đại diện cho tất cả. Bệnh nhân mỗi người mỗi cá thể, thể bệnh riêng, phải điều trị khác nhau, không phải tôi như thế thì họ phải theo. Tôi đã nói rõ trong sách như thế.
Bác sĩ Nguyễn Lê. Ảnh: FBNV. |
- Phương pháp điều trị ông áp dụng cho mình là gì?
- Để sống tốt suốt 11 năm qua, điều cơ bản nhất là tôi đã điều trị đa mô thức, kết hợp nhiều biện pháp bổ trợ hỗ trợ để đạt hiệu quả cộng hưởng. Đó là cái quan trọng nhất.
Thứ 2, khi bị bệnh tôi đã xác định tinh thần rất vững. Xác định mục tiêu, động lực sống và dinh dưỡng đầy đủ để cơ thể có thể chống lại bệnh.
Bên cạnh đó, may mắn là cả hai lần phẫu thuật (lần phẫu thuật phát hiện đầu tiên và lần phẫu thuật do tái phát), thể bệnh và việc xử lý của tôi sớm nên đem lại hiệu quả điều trị cao. Nhiều bệnh nhân có tinh thần, điều kiện kinh tế nhưng đến viện muộn quá, ác tính nên không cứu được.
- Nhóm Ruy băng tím đã lên tiếng phản bác, cho rằng một số quan điểm của ông trong cuốn sách là phản khoa học, ông nghĩ sao về điều này?
- Bản thân tôi ý thức được việc vừa là bệnh nhân vừa là bác sĩ nên viết rất cẩn thận và cân nhắc. Hiện, một số người cho rằng tôi truyền bá tư tưởng không khoa học. Tôi rất bức xúc vì sự nhìn nhận phiến diện như vậy. Họ chỉ đọc 3 trang để đánh giá cả cuốn sách dài 172 trang. Như vậy liệu có khoa học và toàn diện hay không? Tôi nghĩ họ phản bác tôi vì nghĩ rằng tôi sử dụng thực phẩm chức năng để thay thế cho những phương pháp chính thống. Nhưng tôi không làm như vậy, tôi chỉ dùng chúng để hỗ trợ thêm. Thực tế tôi dùng như vậy thì kể lại như vậy, chẳng nhẽ tôi nói sai sự thật rằng không dùng gì mà vẫn sống được tới bây giờ.
Một số bác sĩ nói rằng không đồng ý, đấy là quan điểm của họ. Còn thực tế, tôi đang sống, tồn tại đây. Nếu làm đúng như họ nói, chắc gì tôi đã sống được như bây giờ. Nếu họ dám chắc chắn tôi không cần dùng thứ gì mà vẫn sống tốt thì tôi sẵn sàng bỏ tất cả để đi theo họ. Nhưng có bác sĩ nào dám chắc chắn hay không? Chính vì không chắc chắn như vậy nên mình phải đi tìm những sản phẩm bổ trợ để giúp đỡ mình trong việc chống chọi với căn bệnh. Mặc dù những sản phẩm hỗ trợ đó hiệu quả còn thấp, tôi vẫn phải áp dụng, quan trọng là không độc hại và an toàn cho mình.
Chớp cơ hội dù sản phẩm chưa được kiểm định chất lượng
- Một trong những sản phẩm bổ trợ được ông nhắc tới là lá đu đủ phải không? Thực tế, nhiều người bệnh ung thư đã sắc loại lá này uống dẫn tới các tác dụng không mong muốn?
- Tôi may mắn được người bạn Singapore bị ung thư vòm họng giới thiệu về sản phẩm từ lá đu đủ. Tôi đã bay sang tận nhà máy sản xuất ở Mỹ để tìm hiểu. Thực chất chỉ lá đu đủ của Mỹ có hoạt chất Acetogenin có tác dụng ức chế và tiêu diệt các tế bào bất thường trong cơ thể. Nó được nghiên cứu nhiều năm bởi một giáo sư người Mỹ. Đó là niềm hy vọng của tôi, cơ hội tôi phải chớp lấy.
Việc người dân tự lấy lá đu đủ sắc uống trị bệnh là sai. Trong lá còn có nhiều chất độc, gây hại cho gan, thận. Bản thân tôi tin tưởng và lựa chọn thực phẩm chức năng kia và dùng cho tới tận bây giờ. Để đánh giá hiệu quả của nó không phải dễ nhưng chắc chắn tôi sống được tới bây giờ là có một phần đóng góp của nó.
- Nhóm phản bác đã đưa ra lập luận rằng lá đu đủ chưa được kiểm định rõ ràng về tác dụng, chính vì vậy việc ông nói về sản phẩm này sẽ gây nguy hiểm cho người bệnh?
- Mặc dù chưa được minh chứng rõ ràng, nó vẫn là tiềm năng và cơ hội cho những bệnh nhân như tôi. Tôi phải tận dụng chứ. Y học hiện có nhiều thứ ở dạng tiềm năng, hỗ trợ. Bệnh nhân chúng tôi đâu có nhiều thời gian để chờ đợi khi được kiểm nghiệm, công bố rõ ràng. Đợi tới lúc đó, có khi bệnh nhân đã chết lâu rồi. Nhưng phải hiểu rằng sản phẩm này chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng thể các phương pháp tôi đã áp dụng cho mình.
- Nói như vậy, bệnh nhân ung thư sử dụng thực phẩm chức năng thì cơ hội sống sẽ cao hơn?
- Không hẳn. Bản thân mỗi người là thực thể khác nhau, người có sức đề kháng tốt không dùng sản phẩm hỗ trợ họ vẫn sống được. Điều này không khẳng định và so sánh rõ ràng được.
- Việc ông nhắc tới các thực phẩm chức năng (TPCN) khiến người ta cho rằng bác sĩ đang thu lợi nhuận từ đây. Ông nghĩ sao về điều này?
- Trước đây, khi truyền hình quay tôi có hình ảnh một số TPCN tôi dùng, tôi yêu cầu làm mờ để tránh hiểu nhầm thì bị khán giả cho rằng tôi mập mờ. Ngược lại, quay rõ nhãn mác lại cho rằng tôi quảng cáo cho sản phẩm. Tôi khẳng định tôi không được một đồng nào từ việc quảng cáo cho những sản phẩm này, chúng ở tận bên Mỹ, bản thân tôi vẫn bỏ tiền ra để mua. Tôi cũng không bán, PR hay quảng cáo cho bất kỳ sản phẩm nào. Tôi dùng cái gì, tôi nói cái đó thôi.
- Ông chia sẻ rằng "Ung thư điều trị bằng Đông Tây y kết hợp… thầy cúng". Phải chăng đây chỉ là một cách nói vui?
Đó là một cách nói vui, vốn là một câu nói đùa của các bác sĩ. Khi tôi bị bệnh thật, tôi thấy điều đó không đùa chút nào. Kết hợp đông tây y là cần thiết nhất là với 1 bệnh nan y. Cúng bái là tâm linh, đôi khi giúp người ta ổn định về tinh thần, giúp vững tin vào cuộc sống, chỉ là không nên mê tín mù quáng. Niềm tin có giá trị nhất định. Các nhà khoa học chắc chắn phản bác điều này. Nhưng nếu bị bệnh, biết đâu họ sẽ nghĩ khác. Bản thân tôi đã học được sự buông bỏ, sự bình an từ kinh Phật. Điều đó có. Tôi là một bác sĩ nhưng cũng là một bệnh nhân, có những lựa chọn, có thể đúng, cũng có thể sai, quan trọng là phù hợp và minh chứng là bây giờ là vẫn sống tốt.
Trên nhiều trang bán hàng trực tuyến Ung thư không phải là chết (NXB Dân trí) được giới thiệu là: "Tự truyện của một bác sĩ mắc căn bệnh ung thư gan nguyên phát. Nhờ vào sự hiểu biết, kiến thức y khoa cùng ý chí kiên cường, tinh thần lạc quan, bác sĩ Nguyễn Lê đã trải qua 2 lần phẫu thuật, dùng các biện pháp y học hỗ trợ, rèn luyện cơ thể và một chế độ dinh dưỡng hợp lý đã sống 10 năm sau khi phát hiện bệnh. Cuốn sách không chỉ kể lại quá trình đấu tranh với bệnh tật, mà còn cung cấp trải nghiệm, kinh nghiệm, kiến thức, hiểu biết giúp những người bệnh ung thư khác có thêm tin tưởng, lạc quan để chiến đấu và chiến thắng bệnh".