Sức khỏe bệnh nhi ổn định sau khi được cấp cứu kịp thời. Ảnh: CDC Đồng Nai. |
Mới đây, Trung tâm Y tế huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) tiếp nhận một bệnh nhân từ phòng khám nha khoa tư nhân đưa đến trong tình trạng khó thở, kích động, nói nhảm và run giật cơ. Bệnh nhân được xác định ngộ độc thuốc tê và xử trí theo phác đồ điều trị, được cứu sống kịp thời.
Bác sĩ chuyên khoa II Tạ Quang Trí, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán (Đồng Nai), cho biết một bệnh nhi khác là bé gái N.M.H., 5 tuổi, nhập viện trong tình trạng lơ mơ, gồng cứng tứ chi, co giật cơ, hàm cắn chặt, chi mát.
Mẹ của bé cho biết lúc 10h ngày 24/11, bé đi nhổ răng tại phòng khám nha khoa tư nhân, có sử dụng thuốc tê Lidocain xịt tại chỗ. Lúc về nhà khoảng 13h30 phút, trẻ xuất hiện triệu chứng tím tái, co giật, lơ mơ, nôn ói và được đưa vào trạm y tế xã La Ngà, sau đó chuyển đến bệnh viện.
Bác sĩ nhận định đây là trường hợp ngộ độc thuốc tê mức độ nặng. Bệnh nhi nhanh chóng được ê-kíp cấp cứu theo phác đồ ngộ độc thuốc tê. Sau 30 phút, bệnh nhi cải thiện tri giác, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, chi ấm.
Bệnh nhi được làm các cận lâm sàng bổ sung, chụp CT Scan sọ não trong giới hạn bình thường. Hiện bệnh nhi tỉnh táo táo, ăn uống được, không co giật, sinh hiệu ổn định.
Bác sĩ Nguyễn Đình Mỹ, khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, cho biết ngộ độc thuốc tê nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như rối loạn thần kinh, rối loạn nhip tim, suy đa cơ quan, thậm chí tử vong nhanh chóng. Trường hợp của bệnh nhi này mặc dù phát hiện trễ, may mắn được đưa đến bệnh viện nhanh chóng và xử trí kịp thời nên tiên lượng tốt.
Bác sĩ chuyên khoa I Phùng Văn Phú, Trưởng khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực và Chống độc, Trung tâm Y tế huyện Xuân Lộc, cho hay ngộ độc thuốc tê là tình trạng độc tính thuốc tê ảnh hưởng lên toàn thân, nổi trội ở hệ thần kinh trung ương và hệ tuần hoàn. Khi đưa thuốc tê vào cơ thể, thuốc sẽ được hấp thu vào mạch máu. Tính độc của thuốc tê sẽ ảnh hưởng các cơ quan trong cơ thể, ít hay nhiều tùy thuộc vào nồng độ thuốc tê trong máu, cũng như phụ thuộc vào cơ địa của người bệnh.
Thuốc tê, đặc biệt là các thuốc tê nhóm amid (như Lidocaine, Bupivacaine, Levobupivacaine, Ropivacaine), được sử dụng phổ biến tại các bệnh viện, các chuyên khoa như răng hàm mặt, sản khoa… cũng như các phòng khám tư nhân.
Những triệu chứng ngộ độc ở hệ thần kinh trung ương bao gồm các biểu hiện kích thích từ nhẹ đến nặng như bứt rứt, khó chịu, thay đổi vị giác, nói nhảm, co giật nhóm cơ ở vùng đầu mặt cổ, co giật toàn thân; hoặc ức chế (lơ mơ, giảm đáp ứng, ngủ gà, thậm chí hôn mê).
Đối với hệ tuần hoàn, sẽ gặp các triệu chứng bao gồm biểu hiện kích thích trong giai đoạn đầu như huyết áp tăng, tim đập nhanh, vã mồ hôi.
Biểu hiện ức chế trong giai đoạn muộn như nhịp tim chậm, rối loạn dẫn truyền thần kinh tim, huyết áp tụt và nặng nhất là ngưng tuần hoàn, dẫn đến tử vong.
“Ngộ độc thuốc tê là một biến chứng hiếm gặp và cực kỳ nguy hiểm, tuy hiếm gặp nhưng xảy ra là rất nặng. Nếu bác sĩ không nhận diện ra, không chẩn đoán đúng, xử trí kịp thời, bệnh nhân sẽ diễn biến nặng và không qua khỏi”, bác sĩ Phùng nói.
Qua trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo khi bệnh nhân có các biểu hiện ngộ độc thuốc tê, nhân viên y tế cần ngưng việc tiêm thuốc tê và xử trí theo biện pháp ưu tiên hàng đầu là truyền và xử lý theo phác đồ điều trị.
Cuốn sách xem xét quan niệm của loài người về bộ não qua nhiều thời đại, mô tả chi tiết cấu trúc và hoạt động của bộ não, phân tích cách mà hệ thống tri giác và não bộ giúp ta lý giải những cảm giác của mình về thế giới xung quanh. Ngoài ra, sách còn thảo luận về khái niệm ý thức và vai trò của cảm xúc. Đặc biệt, một chủ đề nóng hổi cũng được nhắc tới: trí tuệ nhân tạo liệu có thể sánh với trí tuệ con người?