Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

Tại sao 'căng da bụng' lại 'chùng da mắt'?

Food coma dùng để chỉ cảm giác buồn ngủ hoặc mất năng lượng sau khi ăn no. Tình trạng này diễn ra khá phổ biến, vậy nguyên nhân của nó là gì?

food coma,  cam giac buon ngu sau bua an,  cang da bung chung da mat,  khac phuc tinh trang cang da bung chung da mat anh 1

Food coma dùng để chỉ cảm giác buồn ngủ hoặc mất năng lượng sau khi ăn no. Tình trạng này diễn ra khá phổ biến, vậy nguyên nhân của nó là gì?

food coma,  cam giac buon ngu sau bua an,  cang da bung chung da mat,  khac phuc tinh trang cang da bung chung da mat anh 2food coma,  cam giac buon ngu sau bua an,  cang da bung chung da mat,  khac phuc tinh trang cang da bung chung da mat anh 3

Nội dung chính:

  • Tình trạng này có thể là phản ứng tự nhiên của cơ thể hoặc do một vài tác nhân khác gây ra trạng thái buồn ngủ.
  • Mức độ buồn ngủ sau bữa ăn phụ thuộc vào các chất dinh dưỡng bạn nạp vào cơ thể.
  • Nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên, bạn cần cân nhắc lại chế độ ăn uống của bản thân.

Sau khi dùng bữa, cơ thể bạn trở nên mệt mỏi và thiếu tỉnh táo, đó chính là biểu hiện của tình trạng food coma. Đặc biệt, khi kết thúc giờ nghỉ trưa tại văn phòng, nếu không thể kiểm soát, tình trạng này có thể làm giảm năng suất làm việc của bạn.


Food coma là gì?

Trạng thái mệt mỏi, uể oải thậm chí là buồn ngủ sau khi ăn no được gọi là food coma hoặc postprandial somnolence. Vào các dịp lễ tết hay các buổi tiệc tùng cuối năm, tình trạng này diễn ra ngày càng phổ biến.

CNN Health chỉ ra một số biểu hiện của tình trạng này như sau:

  • Đầy hơi, tức bụng
  • Cơ thể cảm thấy lười biếng và nặng nề
  • Thiếu tập trung và khó quay lại trạng thái trước khi ăn


Vì sao chúng ta lại cảm thấy buồn ngủ sau bữa ăn?

Có nhiều giả thuyết khác nhau được đưa ra để giải thích cho tình trạng này nhưng vẫn chưa có kết luận cụ thể. Dưới đây là những lý do được VeryWell đề ra:

Lưu lượng máu thay đổi

Theo David Levitsky, giáo sư về dinh dưỡng và tâm lý học tại Đại học Cornell, cách giải thích phổ biến nhất cho tình trạng food coma là liên quan đến sự thay đổi trong việc tuần hoàn máu.

Khi thức ăn đi vào cơ thể và kích hoạt đường tiêu hóa, máu sẽ chuyển từ não xuống dạ dày, lượng máu giảm xuống này là nguyên nhân khiến chúng ta cảm thấy buồn chán và mệt mỏi sau khi dùng bữa.

Thực phẩm trong bữa ăn

GS. Levitsky cho biết thêm, các bữa phụ không gây ra cảm giác buồn ngủ hay mệt mỏi sau khi thưởng thức chúng. Chính những khẩu phần ăn lớn hay các bữa chính trong ngày, đặc biệt là bữa ăn chứa nhiều chất béo và ít carbohydrate mới tạo ra tình trạng food coma.

Tiến sĩ William Orr, giáo sư y khoa tại Đại học Oklahoma cũng giải thích thêm về điều này: “Với một bữa ăn lớn, tình trạng chướng bụng và kích thích nội tiết tố sẽ nhiều hơn khiến bạn buồn ngủ hơn so với khi bạn ăn một bát súp”.

Ngoài ra, một bữa ăn nhẹ, nhiều chất lỏng sẽ đỡ mệt mỏi hơn một bữa ăn lớn, nhiều protein, điều này cũng được chỉ ra trong một nghiên cứu của GS. Orr.

Thời gian dùng bữa

Sau khi dùng bữa trưa, chúng ta thường dễ buồn ngủ hơn. Nguyên nhân dẫn đến điều này được CDC (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh) của Mỹ giải thích như sau, đó có thể là do nỗ lực tiêu hóa thực phẩm của cơ thể và việc giảm năng lượng tự nhiên của cơ thể.

Từ 14h đến 17h là thời điểm cơ thể sụt giảm năng lượng, đây cũng là khoảng thời gian bạn làm việc vào buổi chiều tại công ty. Điều này kết hợp cùng năng lượng bạn tiêu tốn cho bữa ăn sẽ gây ra tình trạng mệt mỏi và buồn ngủ cho cơ thể.


Cách khắc phục tình trạng "căng da bụng, chùng da mắt"

Tuy food coma không quá nghiêm trọng nhưng nếu khắc phục được nó khi làm việc tại văn phòng sẽ mang đến một số lợi ích, theo Health:

  • Đảm bảo được chất lượng và năng suất trong công việc
  • Tránh tình trạng ngủ gật vào buổi chiều
  • Tiết kiệm chi phí cho các khoản chi như: cà phê, trà, nước tăng lực,... để cơ thể tỉnh táo

Để hạn chế tình trạng "căng da bụng, chùng da mắt" sau giờ nghỉ trưa tại văn phòng, bạn có thể thực hiện theo những gợi ý dưới đây của VeryWell.

Bổ sung thêm các bữa phụ

Theo GS. Levitsky, bữa ăn càng lớn, khả năng bạn buồn ngủ càng cao. Ông gợi ý: “Để giảm bớt tình trạng buồn ngủ sau giờ nghỉ trưa, tôi thường ăn ít hơn vào bữa trưa và bổ sung thêm các bữa phụ”.

Các bữa phụ trong ngày sẽ giúp bạn duy trì được mức năng lượng ổn định, tránh tình trạng quá đói dẫn đến ăn nhiều hơn trong bữa chính. Bạn có thể bổ sung thêm trái cây hoặc sinh tố cho bữa phụ của mình.

Cân bằng khẩu phần ăn

Các bữa ăn nhiều chất béo khiến bạn buồn ngủ hơn sau bữa ăn. Nếu cân bằng được lượng protein và carbohydrate với một lượng nhỏ chất béo tốt, bạn sẽ giảm được tình trạng food coma.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể ghi chép lại những món ăn khiến mình mệt mỏi, buồn ngủ sau khi thưởng thức và hạn chế đưa chúng vào trong khẩu phần ăn của mình.

Hoạt động nhẹ sau bữa ăn

Sau khi dùng bữa tại văn phòng, bạn có thể kích thích cơ bắp và tăng cường lưu thông cho cơ thể mình bằng cách đi bộ nhẹ nhàng.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể đi dạo và hít thở không khí bên ngoài để cảm thấy thoải mái hơn, sẵn sàng quay lại công việc và quên đi trạng thái buồn ngủ.

Vân Khanh

Đồ họa: Mỷ Thi

Bạn có thể quan tâm