Bạn từng có những giấc mơ lặp lại, rằng bản thân đã đi làm nhiều năm nhưng vẫn chưa tốt nghiệp cấp ba? Bạn buộc phải quay lại trường trung học ở độ tuổi thật ngoài đời, học lại chương trình phổ thông, đối mặt với kỳ thi tốt nghiệp trong khi đã quên sạch các công thức Toán, Lý, Hóa?
Nếu từng có những giấc mơ như vậy, bạn không hề cô đơn. Nhiều người thường gặp những cơn ác mộng về thời đi học và gây ra cảm giác lo lắng, căng thẳng.
Những cơn ác mộng về thời đi học vẫn ám ảnh người trưởng thành. Ảnh: Stylist. |
Những giấc mơ thường gặp
Theo trang Psychology Today, giấc mơ về trường học phổ biến ở mọi lứa tuổi, ngay cả với những người đã tốt nghiệp nhiều thập kỷ. Tiến sĩ Peter Gray đã thực hiện một cuộc khảo sát, gần như tất cả người tham gia đều có những giấc mơ tồi tệ về thời đi học. Một số người cho biết họ thường cảm thấy lo lắng, thậm chí hoảng sợ.
Kiểu giấc mơ về trường học phổ biến nhất là vắng mặt trong suốt học kỳ, có khả năng thi trượt và không thể tìm thấy lớp học.
Bản thân tiến sĩ Peter Gray cũng thường xuyên gặp những giấc mơ như vậy. Ông thường mơ thấy mình quên tham dự một lớp học nào đó đã đăng ký từ trước. Vào ngày thi cuối kỳ, ông đi khắp các hành lang để tìm phòng, cuối cùng đến muộn và không thể hiểu đề. Peter từng nghĩ đây là giấc mơ kỳ quặc của riêng mình nhưng sau cuộc khảo sát, ông nhận ra bản thân không hề đơn độc.
Dù chỉ là mơ nhưng nhiều người vẫn thấy lo lắng, căng thẳng. Ảnh: Pixabay. |
Có 54% người tham gia khảo sát trả lời họ thường xuyên mơ thấy mình bị trượt môn ở trường trung học hoặc đại học. Giấc mơ này thường đi kèm với cảm giác xấu hổ vì đã bỏ lỡ khóa học, lo lắng và sợ hãi phải học lại.
Kiểu giấc mơ phổ biến thứ hai là bị lạc ở trường (chiếm 43%), kèm theo đó là cảm giác bối rối, xấu hổ hoặc lo lắng vì đi học muộn.
Có 27% người tham gia khảo sát cho biết họ thường xuyên gặp cả hai kiểu giấc mơ trên.
Kiểu giấc mơ phổ biến thứ ba là việc phải trở lại trường học khi trưởng thành (chiếm 17%). Peter Gray đã đưa ra một số ví dụ, trong đó có người đã tốt nghiệp trung học 35 năm, đang làm bác sĩ nhưng vẫn mơ mình chưa tốt nghiệp cấp ba, phải quay về trường để học lại.
Dừng tạo áp lực cho trẻ em
Trang Mamamia đã trao đổi với Amanda Gordon, Nhà tâm lý học, nhà trị liệu giấc mơ từ The Dream Garden để tìm hiểu lý do.
Với hơn 30 năm kinh nghiệm, Amanda cho biết đã là bà ngoại nhưng vẫn bị ám ảnh bởi những giấc mơ thời trung học như không thể tìm thấy phòng thi hay không thể đọc đề thi. Lý giải điều này, theo bà có hai nguyên nhân chính.
Thứ nhất, người lớn thường đặt lên vai những đứa trẻ trong các kỳ thi. Nhiều học sinh tìm cách chứng tỏ bản thân bằng cách vượt qua và coi đây là điều quan trọng nhất trong cuộc đời.
Thứ hai, những kỳ thi này thường diễn ra ở tuổi vị thành niên, là một trong những thời điểm dễ bị tổn thương nhất. Ở giai đoạn này, não rất nhạy cảm và có thể hình thành những ký ức sâu sắc, những chấn thương đồng thời cũng được khắc sâu.
Với sự kết hợp của cả hai yếu tố, bộ não của chúng ta sẽ phát lại nhiều lần những ký ức này mỗi khi chúng ta căng thẳng.
Mỗi người chúng ta căng thẳng, những ký ức tồi tệ lại xuất hiện. Ảnh: Pixabay. |
Martina giải thích quá trình này là “tiềm thức hay giấc mơ về quá khứ nhằm cung cấp những điểm tương đồng để giúp chúng ta hiểu hơn về những trải nghiệm hiện tại”. Theo đó, nằm mơ thấy thi trượt có nghĩa là chúng ta đang cảm thấy chưa sẵn sàng với một tình huống khó khăn trong cuộc sống. Mục đích của những giấc mơ là giúp chúng ta nhận thức, gợi ý giải pháp cho những thử thách.
Tiến sĩ Peter Gray chia sẻ trên The Psychology Today rằng thật đáng buồn khi giáo dục trẻ em và tuổi vị thành niên gây ra những cơn ác mộng tồi tệ ám ảnh suốt cuộc đời.
Nhiều người thực hiện khảo sát cho biết họ từng là những học sinh ngoan, đi học đúng giờ và không bao giờ thi trượt nhưng vẫn gặp những cơn ác mộng về trường học. Ông tự hỏi liệu có cách nào để con cái chúng ta sau này có được những giấc mơ đẹp hay không?
Học sinh xứng đáng có môi trường giáo dục ít áp lực hơn. Ảnh: Pixabay. |
Sự thật là hầu hết trẻ em đều trải qua áp lực, căng thẳng, lo lắng, sợ hãi ở trường. Chúng thường được yêu cầu phải nghe lời và thực hiện theo các quy định, nếu chúng không tuân thủ thì sẽ bị phạt. Đã đến lúc người lớn nên nghĩ về thế hệ sau nhiều hơn, trẻ em xứng đáng có một tuổi thơ được bao bọc bởi tình yêu, sự quan tâm và tôn trọng thay vì nỗi sợ hãi, xấu hổ và bị phán xét.