Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tại sao nhiều người thích bị hù dọa đến hoảng sợ

Chi tiền vào nhà ma để trải nghiệm cảm giác sợ hãi với vô số nhân vật kinh dị cố gắng hù dọa mình là điều được nhiều người thích thú.

Sau thời gian dài bị gián đoạn do đại dịch, nhiều người háo hức mong chờ ngày Halloween để được hòa trong không khí kì dị đặc trưng của dịp lễ này, theo Channel News Asia.

Tuy vậy vẫn có không ít người cảm thấy khó hiểu với sở thích du ngoạn trên một con thuyền được trang trí chủ đề ma ám hay bị truy đuổi bởi thây ma với tạo hình đáng sợ trong nhà ma.

Rõ ràng sự sợ hãi là cảm giác tiêu cực không hề dễ chịu mà đa số đều muốn tránh. Vậy nhưng tại sao vẫn có người sẵn sàng bỏ tiền ra để “được” hù dọa?

tra tien de bi doa anh 1

Những ngôi nhà ma vẫn luôn là sự lựa chọn giải trí của nhiều người. Ảnh: New York Times.

Yêu thích cảm giác sợ

Mặc dù nghe có vẻ khó tin, việc thích thú với những trải nghiệm rùng rợn hoàn toàn có cơ sở. Nguyên do chủ yếu xuất phát từ hormone và hoạt động của não bộ.

Tự mình tham gia hay thậm chí cảm giác mong đợi một màn dọa dẫm bất ngờ hay những con quái vật gớm ghiếc cũng đã đủ để kích thích cả cơ thể và tâm trí một người. Nỗi sợ hãi khiến cơ thể sản sinh ra adrenaline, loại chất cũng xuất hiện khi hạnh phúc, và lập tức tạo ra một nguồn năng lượng dồi dào trong cơ thể.

Theo Zhang Kuangjie, Phó Giáo sư Marketing tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng con người có thể đồng thời cảm thấy khiếp sợ và vui sướng khi xem phim kinh dị. Và những ngôi nhà ma cũng đem lại điều tương tự.

tra tien de bi doa anh 2

Những hoạt động có yếu tố kinh dị cũng có thể mang lại nhiều cảm xúc thú vị cho người chơi. Ảnh: Attractions Magazine.

Khi vào nhà ma, khách hàng được tham gia vào thế giới của những điều kỳ dị khác với cuộc sống thường ngày. Giống với việc nhiều người thích đọc sách hay xem phim có yếu tố lạ thường và viễn tưởng, việc đối mặt với quái thú, ma quỷ cũng là điều thú vị.

Không chỉ vậy, đây cũng là địa điểm lý tưởng để gắn kết tình cảm. Con người luôn có bản năng sống cộng đồng, do vậy, những mối quan hệ sẽ trở nên bền chặt khi cùng trải qua nỗi sợ hãi, hỗ trợ và cùng nhau vượt qua một sự kiện đáng sợ.

Dưới khía cạnh khoa học, trong những tình huống nguy cấp, cơ thể sẽ tự động tiết ra oxytocin, một loại hormone thúc đẩy mong muốn được gần gũi và tương tác xã hội.

Thêm vào đó, cảm giác nhẹ nhõm khi kết thúc hành trình sẽ tạo ra endorphin- “hormone hạnh phúc”. Vì vậy, việc tham gia và thoát được khỏi những ngôi nhà ma còn có thể mang tới sự thỏa mãn cũng như tăng độ tự tin trong mỗi người.

Đồ giả nhưng cảm xúc thật

Vậy tại sao dù đã biết trước những sinh vật ghê rợn mà mình gặp chỉ là đồ giả vẫn có thể gây hoảng sợ?

Giáo sư Zhang chia sẻ: “Lý trí của chúng ta vẫn hiểu được điều đó nhưng phần cảm xúc trong não bộ sẽ chiếm ưu thế và lấn át khi ở trong một môi trường được xây dựng theo chủ đề kinh dị. Khi đó, ranh giới giữa thực tế với nhận thức của mỗi người bị lu mờ và bộ não bị đánh lừa”.

Khi hoạt động trong không gian tối tăm với những hiệu ứng ma quái, một cú hù dọa bất ngờ sẽ kích hoạt phản ứng sinh lý. Lúc này con người sẽ lựa chọn chiến đấu hoặc bỏ chạy một cách hoàn toàn bản năng.

tra tien de bi doa anh 3

Những nhân vật kì quái dù được biết là giả vẫn mang lại cảm giác chân thật. Ảnh: CNA.

Trên thực tế, chính việc biết mình đang bị dọa bởi các diễn viên cũng là nguyên nhân người tham gia thấy được sự thích thú trong nỗi sợ. Nghiên cứu cho thấy con người cần sự bảo vệ về mặt tinh thần để có thể tận hưởng cảm giác này như một thú vui.

“Chúng ta cần biết mình đang an toàn và ý thức về việc có thể kiểm soát những mối nguy hiểm sắp gặp phải. Chúng ta có thể giật mình, la hét và hoảng loạn khi bị một con quái thú đuổi theo nhưng vẫn biết được rằng mình sẽ không thực sự gặp rắc rối”, Zhang nói.

Ông cũng cho biết thêm sở thích đối với những trải nghiệm kinh dị có thể giảm đi nếu thiếu sự an tâm.

Căn bệnh nguy hiểm nhưng bị kỳ thị ở Hàn Quốc

Lo lắng sẽ không vào được đại học, không có việc làm hay bị gắn mác “người điên” trở thành rào cản khiến nhiều người Hàn Quốc phải giấu giếm và không dám điều trị tâm lý.

Bình Nhi

Bạn có thể quan tâm