Những ngày gần đây, dự thảo Luật Giao thông đường bộ có quy định yêu cầu bật đèn chiếu sáng xe máy ngay cả khi di chuyển vào ban ngày gây không ít tranh cãi trong dư luận. Chi tiết của quy định này như sau:
- Trong suốt cả ngày, xe môtô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau (Khoản 3, Điều 27).
Dự thảo luật này vẫn đang trong thời gian lấy ý kiến nhân dân cho đến 21/6, vì thế vẫn chưa chắc chắn được yêu cầu bật đèn xe máy vào ban ngày có được thực thi hay không?
Đèn chiếu sáng ban ngày đã có từ hàng chục năm trước
Đèn chiếu sáng ban ngày DRL (Daytime Running Light) là loại đèn nhằm tăng khả năng nhận biết các phương tiện khi tham gia lưu thông trên đường.
Quy định trang bị đèn DRL xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 2/2011 tại các nước châu Âu. Tới nay, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng bật đèn ban ngày khi vận hành xe.
Về cơ bản, đèn DRL trên xe máy có thể được chia thành 2 loại: Đèn DRL riêng biệt tương tự ôtô, còn được gọi là đèn đề-mi (Yamaha Exciter 150, Piaggio Medley...) và đèn chiếu gần (đèn cốt) làm nhiệm vụ của đèn DRL (Honda Winner X, BMW R1250...).
Yamaha Exciter 150 có đèn DRL tách riêng, trong khi Honda Winner X có đèn DRL đèn chiếu gần. |
Đèn chiếu sáng ban ngày đã xuất hiện tại Việt Nam từ rất lâu, chẳng hạn như trên những chiếc Honda Dream hơn 20 năm trước. Đèn DRL trên Dream có thể tắt/mở thông qua công tắc, kiểu thiết kế này vẫn vẫn có thể gặp trên các mẫu xe của Vespa ở hiện tại.
Đối với các mẫu xe sau này như Yamaha Janus, Exciter 150... công tắc đèn DRL đã bị loại bỏ, đèn sẽ tự động bật sáng khi người lái mở khóa xe. Đây cũng là một bước tiến giúp tăng cường khả năng an toàn cho người điều khiển xe.
Ở Việt Nam, tầm quan trọng của đèn DRL vẫn chưa được nhiều người quan tâm. Nhiều người mua xe về liền mang đi độ đèn DRL thành các màu xanh, đỏ, vàng... nhằm giúp xe nổi bật hơn.
Đáng chú ý, việc sử dụng đèn chiếu gần hay đèn DRL không chỉ bắt buộc ở các nước lạnh, sương mù hay mưa tuyết. Những nước có khí hậu nóng và sử dụng nhiều xe máy giống Việt Nam như Thái Lan, Indonesia cũng bắt buộc xe máy phải bật đèn chiếu gần mỗi khi vận hành. Đó là lý do các mẫu xe máy nhập khẩu từ Thái Lan hay Indonesia về Việt Nam đều không có công tắc đèn.
Hiện tại ở châu Á chỉ còn Việt Nam, Campuchia và Myanmar là chưa quy định bắt buộc trang bị đèn DRL cho xe máy.
Tiện ích và bất lợi của việc bắt buộc đèn xe luôn sáng
Về cơ bản khi vận hành xe máy hay ôtô vào ban ngày, đèn DRL hay cả đèn chiếu sáng gần, đèn pha đều không có tác dụng chiếu sáng. Việc bật đèn này nhắm mục đích chính là tăng khả năng nhận diện của xe bởi các phương tiện giao thông khác, qua đó giảm tai nạn giao thông.
Đèn chiếu gần trên xe phân khối lớn kiêm luôn chức năng của đèn DRL. |
Một nghiên cứu của Cục Giao thông bang Minnesota, Mỹ chỉ ra rằng số vụ tai nạn vào ban ngày được giảm khoảng 32% khi xe máy được trang bị đèn DRL. Các chiến dịch khuyến khích sử dụng đèn DRL của bang này cũng giúp giảm 5-10% tỉ lệ tai nạn. Nghiên cứu cũng cho biết tỉ lệ tai nạn của các phương tiện không trang bị đèn DRL cao hơn 1,73 lần những phương tiện được gắn sẵn đèn DRL.
Một nghiên cứu tại châu Âu được đăng tải trên trang Motorcyclelegalfoundation cho biết 37% các vụ tai nạn liên quan đến xe máy và phương tiện khác xuất phát từ nguyên nhân người điều khiển phương tiện khác không phát hiện ra xe máy.
Có khá nhiều nguyên nhân khiến cho người dân không đồng tình với dự thảo luật mới liên quan đến yêu cầu đèn xe máy luôn bật sáng.
Một trong những lý do được đưa ra là ở Việt Nam các xe thường chỉ di chuyển với tốc độ tương đối chậm và nối đuôi nhau, không cần thiết phải sử dụng đèn chiếu gần như một công cụ để nhận biết từ xa. Sự nhầm lẫn khi sử dụng đèn chiếu gần và đèn chiếu xa (đèn pha) cũng khiến nhiều người lo ngại sẽ bị chói mắt vào ban ngày.
Khí hậu nóng và việc bật đèn có thể làm tăng nhiệt độ cũng là một lý do được nhiều người nhắc tới. Ngoài ra, không ít người lo ngại độ bền của ắc-quy hay đèn xe sẽ giảm đáng kể khi phải bật đèn liên tục mỗi khi sử dụng.
Thói quen nhắc người khác tắt đèn xe vào ban ngày hay dễ xảy ra mâu thuẫn khi di chuyển vào các con hẻm, quán nhậu... cũng là lý do khiến nhiều người không đồng tình với đề xuất.
Hầu hết xe máy ngày nay đều được trang bị đèn DRL giúp tăng mức độ nhận diện khi lưu thông trên đường. |
Tài khoản Facebook mang tên Nguyễn Ngọc Phương cho rằng "Việt Nam chứ đâu phải nước nào có sương mù đâu mà cần bật đèn ban ngày". Trong khi đó một tài khoản khác mang tên Nguyễn Hoàng Minh Đăng lại yêu cầu luật cần ghi rõ là đề xuất bật đèn chiếu gần, nếu không sẽ có những người bật đèn chiếu xa làm đèn DRL.
Anh Gia Cát Việt Tuấn, một người chơi xe phân khối lớn lâu năm tại Việt Nam, tán thành tuyệt đối việc bắt buộc đèn xe máy luôn sáng. Anh Tuấn cho rằng mặc dù đèn xe máy luôn sáng gây ra không ít phiền phức khi nhiều người kêu tắt đèn vì tưởng mình quên. Ngược lại, độ an toàn sẽ tăng cao hơn khi mọi người lưu thông xung quanh điều dễ dàng nhận ra mình.
Dự luật này liệu có khả thi?
Chia sẻ với Zing, anh Nghĩa, chủ một cửa hàng nâng cấp hệ thống đèn xe tại TP.HCM, cho biết đèn luôn sáng là để người khác nhận thấy mình dễ dàng hơn.
Nếu dự thảo luật Giao thông đường bộ mới được thông qua thì chủ xe máy cần phải tuân theo, tuy nhiên do đặc thù văn hóa giao thông ở Việt Nam, chủ xe có thể cân nhắc đến việc trang bị công tắc bật/tắt đèn để có thể chủ động tắt khi chạy vào những nơi nhạy cảm nếu xe không có đèn đề-mi.
Việc để đèn xe luôn sáng góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, tuy nhiên cần tránh nhầm lẫn đèn chiếu gần và đèn chiếu xa khi sử dụng. |
Hầu hết xe máy ngày nay được trang bị đèn chiếu sáng chính sử dụng công nghệ LED, vì thế việc bật đèn xe vào ban ngày không ảnh hưởng quá nhiều đến mức tiêu thụ điện của xe cũng như tăng nhiệt độ cho môi trường. Độ bền của đèn xe cũng không phải là một vấn đề lớn. Trên thực tế, những chiếc xe nhập khẩu về Việt Nam không có công tắc đèn, và đèn xe luôn bật sáng mỗi khi vận hành, nhưng tuổi thọ của đèn cũng không chênh lệch đáng kể so với việc chỉ bật đèn khi chạy xe vào ban đêm.
Tóm lại, để đèn xe máy luôn sáng góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, đổi lại bằng những bất tiện với người sử dụng xe máy hàng ngày. Văn hóa tham gia giao thông cũng như văn hóa sử dụng đèn xe là thứ quan trọng mà người sử dụng xe cần trang bị, dù quy định bắt buộc xe máy phải bật đèn ban ngày có được áp dụng hay không. Người điều khiển phương tiện cần kiểm soát được việc bật đèn DRL, chiếu gần và đèn chiếu xa để tránh gây chói mắt người đối diện, cũng như vi phạm luật giao thông.