Rạng sáng 4/1, sau khi yên vị trên taxi công nghệ, Nadja Bester (sinh năm 1986), một nhà văn người Nam Phi, bàng hoàng phát hiện ra mình để quên ba lô trên chiếc xe khách từ Yên Bái về Hà Nội.
Chiếc ba lô chứa nhiều vật dụng giá trị, gồm laptop và nhiều tiền mặt, trị giá khoảng 60 triệu đồng, cùng với thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng. Cô không có số điện thoại của nhà xe để hỏi lại.
Nadja Bester và con trai trên chuyến xe khách từ Yên Bái về Hà Nội. |
Chứng kiến tình cảnh của hai mẹ con, anh Nguyễn Thái Sơn, người tài xế taxi, đã đề nghị giúp đỡ Bester tìm lại món đồ thất lạc.
Nhờ sự hỗ trợ của anh Sơn, vào 12h trưa cùng ngày, chiếc ba lô được trao trả lại cho hai mẹ con người Nam Phi nguyên vẹn, không thiếu một món đồ nào.
“Xin cảm ơn người dân Việt Nam trung thực và đáng tin cậy. Dường như mỗi ngày, tôi tìm thêm được một lý do mới để cảm thấy biết ơn khi được sinh sống ở đây”, cô nói.
Chia sẻ với Zing, nữ nhà văn người Nam Phi cho biết do xuống xe trong tình trạng mơ màng vừa ngủ dậy, hai mẹ con cô bất cẩn để quên đồ đạc.
Ngay khi nhận thức được sự việc, Bester lập tức nhờ anh Sơn gọi điện vào hotline nhà xe để tìm lại chiếc ba lô nhưng phát hiện ra chiếc ôtô khách chở họ đã rời bến.
Trích đoạn hội thoại giữa Bester và anh Sơn. |
“Tôi định quay trở lại bến xe để tìm cách lấy lại ba lô. Tuy nhiên, tôi nhận ra mình chẳng còn chút tiền mặt nào trong người để trả phí taxi. Do vậy, tôi đành ngậm ngùi quay xe lại và trở về nhà”, cô kể lại.
Bester chia sẻ thêm: “Bất ngờ, anh Sơn tấp ôtô vào lề đường và nói rằng anh ấy sẽ giúp đỡ mẹ con tôi. Anh gọi điện cho nhà xe liên tục để xin số tài xế xe khách đã chở chúng tôi. Cuối cùng, anh Sơn cũng liên lạc được và nhờ họ chuyển ba lô của tôi sang một chuyến xe khác về Hà Nội trong ngày 4/1"..
Người mẹ đơn thân cho biết anh Sơn rất cẩn thận, không quên nhắn cho cô số điện thoại của người lái xe đó và ngược lại. Trưa cùng ngày, anh thậm chí còn nhắn tin hỏi Bester xem chiếc ba lô đã về tận tay cô chưa và có mất gì không.
“Anh Sơn rất nhiệt tình giúp đỡ mẹ con tôi, bất chấp rào cản ngôn ngữ. Hầu hết cuộc hội thoại của chúng tôi diễn ra thông qua ứng dụng dịch thuật Google Translate”, Bester nói với Zing.
Hai mẹ con đã ở Việt Nam được khoảng 1 năm. |
Điều khiến nữ nhà văn cảm động hơn cả là việc người tài xế taxi chỉ lấy đúng số tiền hiển thị trên ứng dụng, mặc dù quãng đường di chuyển dài gấp đôi so với ban đầu do phải lộn lại bến xe, chưa kể phí chờ quá giờ.
"Thực sự tôi quá may mắn khi nhận được sự giúp đỡ của anh Sơn và mọi người. Tôi cũng rất ngạc nhiên khi chiếc ba lô được hoàn trả nguyên vẹn, không mất một thứ gì", cô nói.
Chia sẻ với Zing, Nadja Bester cho biết trong 4 năm qua, cô và con trai di chuyển qua nhiều quốc gia. Hai mẹ con đến Việt Nam vào đầu năm 2020 và bị mắc kẹt tại đây do đại dịch Covid-19.
"Cảm ơn trời đất rằng chúng tôi 'kẹt lại' ở đây bởi Việt Nam là đất nước tuyệt vời nhất năm 2020 và có thể cả năm 2021 nữa", cô nói.