Chiều 16/12, TAND quận Phú Nhuận, TP.HCM đưa ra phán quyết với bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong (32 tuổi, ở quận Gò Vấp) về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Căn cứ vào quá trình điều tra và kết quả xét hỏi công khai tại tòa, HĐXX nhận định vụ án tai nạn giao thông này xảy ra hoàn toàn do lỗi của bị cáo nên tuyên mức án 7 năm 6 tháng tù. Bị cáo có thể kháng cáo trong vòng 15 ngày tính từ ngày tuyên án.
Bị hại Nguyễn Thị Bích Hường (tiếp viên hàng không). Ảnh: Phạm Ngôn. |
Ngoài tội Vi pham quy định về tham gia giao thông đường bộ, HĐXX áp dụng thêm tình tiết định khung với các hành vi: Gây tai nạn rồi tự ý rời khỏi hiện trường; bỏ trốn tại các tỉnh, thành khác; vứt SIM điện thoại để tránh bị cơ quan điều tra định vị; nhắn Hà Tuấn Sang (người có tên trên giấy phép lái xe và chứng minh nhân dân giả của Phong) khai rằng không quen bị cáo; nhắn D. (người Phong nhờ gặp Sang để chuyển lời) xóa lịch sử cuộc gọi khi liên hệ với Phong.
Với các hành vi này, HĐXX nhận định cần áp dụng thêm tình tiết định khung theo điểm c, khoản 2, điều 260, Bộ luật Hình sự (gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn).
Về việc bị cáo dương tính với chất ma túy, HĐXX nhận định Phong khai sử dụng ma túy trước ngày 30/1/2020 (ngày xảy ra tai nạn) và không sử dụng thêm cho đến ngày đầu thú, do đó, có cơ sở xác định khi điều khiển xe gây tai nạn, trong cơ thể bị cáo có chất ma túy. Vậy nên, HĐXX nhận định đủ cơ sở định khung việc bị cáo tham gia giao thông đường bộ trong tình trạng có sử dụng chất ma túy mà không cần thiết phải trưng cầu giám định pháp y về thời điểm sử dụng.
Đối với hành vi sử dụng giấy phép lái xe và chứng minh nhân dân giả, HĐXX kiến nghị công an điều tra củng cố chứng cứ, xem xét trách nhiệm của bị cáo nếu có.
Về tình tiết giảm nhẹ, HĐXX nhận thấy bị cáo phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo nên không áp dụng hình phạt bổ sung. Đối với trách nhiệm dân sự, HĐXX yêu cầu bị cáo bồi thường số tiền như đã thỏa thuận với hai gia đình bị nạn. Cụ thể, bồi thường 1,4 tỷ đồng cho chị Nguyễn Thị Bích Hường và 477 triệu đồng cho gia đình ông Lê Mạnh Thường.
Riêng với trách nhiệm của công ty cho bị cáo thuê xe Mercedes, HĐXX nhận định việc công ty cho bị cáo thuê xe là giao dịch tự nguyện giữa 2 bên, không có quan hệ nhân quả giữa việc cho thuê xe và gây tai nạn nên không xem xét trách nhiệm liên đới của đơn vị này.
Bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong tại phiên tòa. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Trước đó, VKSND đề nghị tòa sơ thẩm tuyên Phong mức án 6-7 năm tù và không có hình phạt bổ sung. Ngoài ra, bị cáo có trách nhiệm bồi thường 477 triệu đồng cho gia đình tài xế GrabBike Lê Mạnh Thường và 1,4 tỷ đồng cho bị hại Nguyễn Thị Bích Hường.
VKS nhận định không có đủ căn cứ mở rộng điều tra hành vi làm giả con dấu, giấy tờ của bị cáo và không đủ căn cứ xem xét việc bị cáo sử dụng ma túy trong khi tham gia giao thông.
Vụ tai nạn gây hậu quả là một người chết, một người bị thương tật 79%, và thiệt hại tài sản là 1,1 tỷ đồng. Với những tình tiết này, VKS nhận định bị cáo Phong phạm tội nghiêm trọng với mức án lên đến 10 năm tù. Tuy nhiên, bị cáo đã thành khẩn khai báo và đầu thú nên VKS đề nghị HĐXX áp dụng hình thức giảm nhẹ với bị cáo.
Tuy nhiên, luật sư phía bị hại không đồng ý với mức án đề nghị của VKS. Luật sư đề nghị VKS cần truy cứu trách nhiệm bị cáo theo điểm c và điểm e, khoản 2, điều 260 Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, luật sư yêu cầu phải làm rõ việc bị cáo Phong sử dụng ma túy và bằng lái giả khi tham gia giao thông. Cuối phiên tranh tụng, luật sư phía bị hại đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Theo cáo buộc, rạng sáng 30/1, Phong lái chiếc Mercedes nhưng không làm chủ tốc độ và lao ôtô sang làn đường ngược chiều, tông vào xe máy của ông Lê Mạnh Thường chở chị Nguyễn Thị Bích Hường.
Vụ tai nạn làm ông Thường tử vong, chị Hường bị thương tật 79%. Sau khi xảy ra tai nạn, Phong rời đi rồi đến cơ quan công an đầu thú vào ngày 1/2. Cơ quan điều tra xác định Phong không có giấy phép lái xe, lưu thông tốc độ 84 km/h (vượt quá tốc độ cho phép 50 km/h).