Tôi là Đặng Hoàng Trung Nhật (28 tuổi), một họa sĩ minh họa đang làm việc ở TP.HCM và là "tấm chiếu mới" của làng chạy.
Tôi tìm đến môn chạy bộ vào năm 2022, một năm đầy biến động đối với tôi. Thời điểm đó, không chỉ gặp trở ngại trong công việc, tôi còn phải đối mặt với những khó khăn, biến cố từ phía gia đình và chuyện tình cảm. Tôi cũng là người quen sống trong vùng an toàn, tự bao bọc mình bằng những giới hạn và không để ai phá vỡ nó.
Nhưng chuyến chạy bộ lần đầu tiên ở Huế đã thay đổi tôi.
Ban đầu, tôi không nghĩ mình sẽ hoàn thành được cự ly 5 km, nhưng thực tế cho thấy điều ngược lại. Chiến thắng đã giúp tôi tìm lại sự tự tin. Niềm vui sướng và hạnh phúc đó cũng thúc đẩy tôi tiếp tục thử thách mình ở bộ môn này.
Dần dần, quãng đường tăng lên 10 km và 15 km. Chỉ sau 2 giải chạy đầu tiên, tôi chinh phục cự ly 21 km.
Tôi nhớ mãi lần đầu tiên chạm mốc 21 km trong vòng 3 tiếng. Tôi vốn không chuẩn bị nhiều, chỉ nỗ lực chạy về đích với niềm tin rằng mình sẽ làm được. Thế nhưng, thành tích lại được đánh giá khá tốt đối với một người mới chinh phục half-marathon lần đầu.
Tôi rất tự hào về chính mình. Đó cũng là khi tôi nhận ra mình có thể làm được nhiều hơn thế và tự xóa bỏ những ranh giới, rào cản mà bản thân tự đặt ra trước đó.
Sau 6 lần tham gia cự ly 21 km, hiện thành tích của tôi còn 2 tiếng 30 phút. Tôi đang nỗ lực tập luyện bài bản hơn để rút ngắn thời gian chạy xuống 2 tiếng. "Chinh phục cự ly 42 km vào cuối năm 2024" cũng nằm trong danh sách mục tiêu cho năm mới Giáp Thìn.
Bên cạnh đó, tôi muốn tham gia chạy bộ gây quỹ từ thiện nhiều hơn. Đây là một trong những ước mơ lớn nhất của tôi, có lẽ bắt nguồn từ giải chạy "Hồng" do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức.
Trên chặng đường đó, tôi gặp được rất nhiều bệnh nhân đang chiến đấu với ung thư và thậm chí cả những người đã chiến thắng căn bệnh quái ác này. Các cự ly, bao gồm 3 km, 6 km và 10 km, phù hợp với thể trạng của nhiều người.
Sau giải chạy đầy ý nghĩa này, cũng như nhiều cung đường khác, tôi hy vọng rằng mình có thể góp mặt trong nhiều giải chạy thiện nguyện hơn, đặc biệt vì trẻ em. Theo tôi, trẻ em là một trong những đối tượng nên được quan tâm và chú ý hàng đầu.
Hiện tôi là thành viên của nhóm Sân Chơi Cầu Vồng, do những cựu sinh viên trường Đại học Kiến Trúc TP.HCM thành lập, với mong muốn đem đến một sân chơi an toàn, lành mạnh cho những trẻ em vùng sâu, vùng xa.
Chúng tôi đã thực hiện xây dựng nhiều sân chơi ở Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Sơn La. Việc có một sân chơi riêng sẽ giúp các em tránh nô đùa tại các khu vực nguy hiểm như sông, hồ.
Tôi cũng tham gia bảo trợ Làng trẻ em SOS ở Huế, và đồng hành với quỹ Em's của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam.
Cùng với đó, tôi hy vọng rằng các đơn vị tổ chức giải chạy nói chung, giải thiện nguyện nói riêng sẽ cải thiện về cả quy mô lẫn độ chuyên nghiệp.
Theo tôi quan sát, tại một số giải chạy, công tác hậu cần chưa chu đáo, gây khó khăn cho những người tham gia. Các cung đường chưa được thiết kế hợp lý. Một số đơn vị làm tốt khâu tổ chức nhưng lại còn yếu kém về mặt truyền thông, nên nhiều runner không biết đến chương trình.
Tôi tin rằng những giải chạy vì cộng đồng không chỉ khiến nâng cao tinh thần thể thao, mà còn xây dựng một cộng đồng tốt đẹp, văn minh, nhân ái.
The Championz là series khai thác câu chuyện hấp dẫn về lối sống, góc nhìn và tư duy vận động hiện đại của giới đam mê thể thao, từ người chơi nghiệp dư tới VĐV chuyên nghiệp.