“Ngoại trừ việc nhiều người nhìn vào thấy mình 'lông bông' vì ở nhà suốt, mình hoàn toàn thấy ổn với việc làm freelancer. Đến giờ, mình đã rời xa môi trường công sở được gần 2 năm rồi và cũng chưa có ý định quay trở lại làm cố định”, Nguyễn Hà (24 tuổi, từ Hà Nội) chia sẻ với Zing.
Hà quyết định nghỉ việc văn phòng và làm freelancer, cô có nhiều thời gian hơn dành cho bản thân và gia đình, thoải mái tham gia các hoạt động xã hội. Ảnh: NVCC. |
Chán nản công việc văn phòng
Thời điểm mới ra trường, Nguyễn Hà vào làm việc tại một công ty truyền thông. Ngày ngày, dậy sớm chuẩn bị đi làm, cô luôn trong trạng thái chán nản khi nghĩ đến cảnh vượt cả chục cây số, trải qua kẹt xe, khói bụi để đến công ty.
Chưa kể, là người làm truyền thông, ưa thích sự sáng tạo, đổi mới, Hà cảm thấy gò bó với việc dành 9-10 tiếng mỗi ngày để giải quyết những công việc lặp đi lặp lại, mức lương cũng chỉ loanh quanh 6-7 triệu đồng.
“Mình không phải là người đủ khéo léo để điều tiết các mối quan hệ phức tạp trong công ty. Thời gian dịch bùng phát, cơ chế chính sách của công ty không còn đáp ứng được nhu cầu của mình”, Nguyễn Hà chia sẻ.
Cũng chung tình trạng giống Hà, Nguyễn Mai (23 tuổi, nhân viên marketing cho một nhãn hàng thời trang ở Hà Nội) cảm thấy không hòa nhập được hoàn toàn với môi trường công sở dù đã đi làm chính thức gần một năm.
Công ty vào làm lúc 7h30. Mỗi ngày, Mai vội vã rời khỏi giường từ 6h để kịp chuẩn bị đồ ăn cho bữa sáng và đồ ăn trưa mang theo đến chỗ làm. Nếu đêm hôm trước, cô phải mang việc về nhà để kịp deadline, nghiễm nhiên, trưa hôm sau, cô phải ăn cơm ngoài vì sáng dậy muộn, không kịp nấu.
Mặc dù tự đánh giá bản thân là người chịu được áp lực, Mai vẫn nhận thấy 4 tháng nay, cô thường xuyên rơi vào trạng thái stress, bí bách và chán nản khi nghĩ đến việc đi làm. Bên cạnh đó, tân cử nhân còn đau đầu vì những bất đồng với sếp, đồng nghiệp.
“Mình đã quá chán nản với việc mỗi ngày phải nhìn sắc mặt của người khác để làm việc rồi”, Mai khẳng định.
Nếu chỉ vì chán nản, bỏ công việc văn phòng để làm freelancer hoàn toàn, Mai không chắc mình có thể làm tốt. Ảnh: NVCC. |
Lựa chọn phù hợp
Bí bách với môi trường công sở, cả Nguyễn Hà và Nguyễn Mai lựa chọn hướng đi khác. Hà cho biết cô làm freelancer trong lĩnh vực truyền thông từ hồi còn học năm 3 đại học. Cô nhận thấy công việc không gò bó như làm văn phòng mà thu nhập có thể cao hơn. Vì vậy, cô quyết định nghỉ việc sau 3 tháng.
Hà hiểu công việc văn phòng có nhiều mặt lợi nhưng cô nhận thấy mình phù hợp với công việc freelance hơn. Cô khẳng định làm freelancer cũng giống như cô được làm chủ bản thân mình. Đương nhiên, cô vẫn phải đáp ứng những yêu cầu của khách hàng song được thoải mái về mặt giờ giấc, chủ động trong sắp xếp công việc.
Nếu như trước đây, cô phải dậy từ 6h đi làm, hiện tại, cô có thể thức dậy vào lúc 8h. Bù lại, nhiều hôm, cô làm việc tới 3-4h sáng bởi cô gái trẻ nhận thấy bản thân làm việc hiệu quả hơn vào ban đêm. Đây là cũng là lý do cô cảm thấy không hợp làm việc ban ngày tại công ty.
Chưa kể, cô được tùy chọn địa điểm làm việc, ở nhà hay quán cà phê bất cứ khi nào cô thích. Nguyễn Hà cũng có nhiều thời gian hơn dành cho bản thân và gia đình, thoải mái tham gia các hoạt động xã hội bên ngoài.
Hà xác định khi làm freelancer, nguồn thu nhập sẽ không ổn định bằng làm việc văn phòng. Cô cũng có thể gặp trường hợp khách hàng "bùng tiền". Nhưng nếu xét trung bình, mỗi tháng, thu nhập của cô cao hơn nhiều so với mức lương ở công ty.
“Mình nghỉ việc văn phòng và quay lại làm freelancer từ cuối năm 2020 tới nay, thu nhập đều đều 15-20 triệu đồng/tháng. Nếu làm hết công suất, mình có thể kiếm đến hơn 25 triệu đồng”, Hà chia sẻ.
Hiện tại, sau hơn một năm rưỡi nghỉ việc, Hà chưa có ý định quay trở lại làm việc cố định. Các mặt về phúc lợi như bảo hiểm xã hội không quá quan trọng bởi với thu nhập hiện tại, cô có thể tự chi trả cho các khoản đó. Còn để phát triển bản thân hay thăng tiến, cô đã có định hướng riêng cho mình.
Freelance là “việc nhẹ lương cao”?
Tuy nhiên, để có thể chủ động trong công việc freelance, Hà nhận định bản thân cô cũng phải cố gắng rất nhiều, không có chuyện “việc nhẹ lương cao”.
“Việc nhẹ, lương sẽ không cao mà lương cao, việc sẽ không nhẹ. Làm freelancer, mình có thể chủ động nguồn thu nhập tùy làm ít hay nhiều nhưng cũng rất khó khăn để có thể kiếm được tiền”, Hà khẳng định.
Hà cho biết nếu kiến thức và các kỹ năng đều giỏi, người trong nghề có thể kiếm vài chục hoặc vài trăm triệu đồng. Nhưng bên cạnh đó, không ít freelancer không có khách thuê, không có thu nhập. Đặc biệt, một số sinh viên mới ra trường, suy nghĩ đơn giản, chưa đủ kinh nghiệm hay xuất sắc để cạnh tranh.
Theo Hà, để làm được công việc này, ngoài chuyên môn, freelancer phải giỏi việc giữ được nguồn khách hàng để có thu nhập ổn định.
“Nhưng rõ ràng, việc này không dễ vì mọi thứ từ gặp khách hàng, thuyết phục khách, làm hợp đồng đến làm sản phẩm, trả sản phẩm và đôi khi là đòi tiền hợp đồng đều do bạn làm. Trong khi đó, nếu làm ở công ty, rất nhiều vị trí làm hộ bạn những công việc không tên đó”, Hà nhận định.
Bên cạnh đó, mặc dù không bị ràng buộc bởi các nghĩa vụ, chế độ và quy định của công ty, tổ chức, mỗi freelancer đều phải tuân thủ những quy tắc ngầm được đặt ra từ chính bản thân cũng như đối tác, khách hàng.
Hà chia sẻ mỗi công việc nhận về, cô chịu áp lực từ khách hàng, công ty đối tác. Và vì cô làm một mình, việc chạy deadline có khi còn căng thẳng hơn làm ở công ty. Nếu không tự quản lý tốt, chắc chắn, cô sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.
Trong khi đó, dù chán nản công việc văn phòng, Nguyễn Mai vẫn phân vân lựa chọn có nên nghỉ việc để làm freelancer hoàn toàn hay không. Hiện tại, cô nhận công việc freelance song song với đi làm ở công ty.
Thu nhập từ những công việc này cũng không hề thua kém mức lương làm việc tại văn phòng. Tuy nhiên, nếu chỉ vì chán nản, bỏ công việc văn phòng để làm freelancer hoàn toàn, cô không chắc mình có thể làm tốt.
“Nếu không quản lý bản thân tốt, tự do quá dễ khiến bản thân mình không quy củ. Chưa kể, công việc văn phòng cũng có những mặt lợi nhất định. Thời gian tới, nếu công việc hiện tại không tốt lên, có lẽ, mình sẽ đổi công ty khác thay vì làm freelancer hoàn toàn”, Mai chia sẻ.
Theo Mai, nếu làm freelancer, cô có thể tiến nhanh trong thời gian đầu. Nhưng để thăng tiến và phát triển hơn nữa trong sự nghiệp, cô không chắc. Chưa kể làm văn phòng, thu nhập cô sẽ ổn định hàng tháng, được công ty chăm lo phúc lợi, nhìn đồng nghiệp xung quanh cũng có động lực để cạnh tranh và phấn đấu nhiều hơn.