Theo Autonews, Tesla được cho là đang xuống nước và cố gắng mở rộng quan hệ với các cơ quan quản lý ở Trung Quốc.
Thông tin tuyển dụng hồi tháng 4 được đăng tải bởi tài khoản WeChat của Tesla, công ty tìm kiếm vị trí quản lý cập nhật cơ sở dữ liệu chính sách và duy trì mối quan hệ với chính phủ cũng như các hiệp hội ngành.
Các nhân sự này được mô tả sẽ góp phần xây dựng một môi trường đối ngoại hài hòa để hỗ trợ sự phát triển kinh doanh của Tesla tại thị trường khu vực.
Động thái này xảy ra vào thời điểm Trung Quốc đang cố gắng “chấn chỉnh” lại các công ty tư nhân lớn và quyền lực, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ vì lo ngại về sự thống trị thị trường của họ.
Tesla đang thay đổi thái độ trước sự cứng rắng của chính phủ Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Trung Quốc được xem là thị trường quan trọng bậc nhất đối với Tesla, tuy nhiên hãng xe điện Mỹ trước đây không mấy mặn mà với các buổi làm việc hành lang cùng các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh.
Cũng như những quốc gia khác, các nhà quản lý ở Trung Quốc cũng thường xuyên tổ chức các cuộc họp để làm việc với những thương hiệu khác nhau, nhằm củng cố chính sách cũng như đảm bảo các tiêu chuẩn kinh doanh tại thị trường tỷ dân.
Phần lớn nhà sản xuất ôtô như Toyota Motor hay General Motors đều có mặt trong các buổi gặp gỡ như vậy, nhưng Tesla hầu như vắng mặt, theo một nguồn tin nội bộ.
Thay vào đó, các quan chức Tesla thường xuyên phát biểu tại các hội nghị cấp cao trong ngành. Bên ngoài Trung Quốc, CEO Elon Musk của công ty thường xuyên lên Twitter để bình luận hoặc chỉ trích những cơ quan quản lý và các quy tắc quản lý ở Trung Quốc.
Nhưng có vẻ mọi thứ đang dần xoay chuyển khi trong những tuần gần đây, ban điều hành Tesla đã tham dự ít nhất 4 cuộc thảo luận về chính sách, trong đó bao gồm các chủ đều có liên quan đến lưu trữ dữ liệu ôtô, công nghệ giao tiếp từ phương tiện đến cơ sở hạ tầng, tái chế xe hơi và lượng khí thải carbon.
Áp lực đã gia tăng trong vài tháng qua khiến mối quan hệ giữa Tesla và chính phủ Trung Quốc trở nên căng thẳng. Tháng 2/2021, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã triệu tập những người có liên quan tại Tesla do báo cáo của người tiêu dùng về cháy pin, lỗi tăng tốc đột ngột và các vấn đề khi cập nhật phần mềm cho xe.
Tháng 3/2021, Tesla bị đưa vào điện cần được giám sát chặt chẽ khi quân đội cấm ôtô của họ vào khu phức hợp của mình, với lý do lo ngại về an ninh đối với camera trang bị trên xe. Vài ngày sau, Musk xuất hiện trong đoạn video được quay ở một diễn đàn cấp cao, tỷ phú Mỹ nói rằng nếu Tesla sử dụng ôtô để do thám ở Trung Quốc hoặc bất cứ nơi nào, họ sẽ chấp nhận đóng cửa công ty.
Khách hàng gây náo loạn ở gian hàng Tesla tại Triển lãm Ôtô Thượng Hải 2021. Ảnh: Global Times. |
Mới tháng trước, một khách hàng của Tesla gặp vấn đề với hệ thống phanh xe, và đỉnh điểm của vụ việc khi người này đến Triển lãm Ôtô Thượng Hải 2021 để trèo lên nóc một chiếc xe Tesla nhằm phản đối. Tesla đã bị truyền thông nhà nước và các cơ quan quản lý nhắm tới sau sự cố này.
Trước các vấn đề kể trên, Tesla cho biết họ sẽ thành lập một trung tâm dữ liệu ở Trung Quốc, triển khai hoạt động tự kiểm tra để cải thiện dịch vụ và làm việc với các cơ quan quản lý chặt chẽ hơn trong tương lai.
Chiếm khoảng 30% doanh số toàn cầu của Tesla, Trung Quốc là thị trường lớn thứ 2 của nhà sản xuất ôtô này sau Mỹ, giúp họ đạt kỷ lục về lượng xe giao hàng trong quý đầu tiên của năm nay.