TẾT Ở 'ĐIỂM NÓNG' COVID-19 TP.HCM
Sắp đến thời khắc giao thừa nhưng các y bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi (TP.HCM) vẫn phải hủy bỏ mọi kế hoạch để tiếp nhận một ca dương tính SARS-CoV-2 vừa được chuyển đến.
- Anh trở thành F1 rồi, do hôm đi ăn ở nhà hàng với Khánh. Người ta gọi lên phường lấy mẫu.
Anh Nguyễn Thanh Long (37 tuổi, ngụ quận Bình Tân) thừ người bên cửa phòng trọ, nhìn dòng người hòa vào nhau đường phố đêm 23 Tết.
Chị Thu bật dậy, bất giác hỏi chồng:
- Vậy mình có được về nhà ăn Tết không anh?
Nhận lại sự im lặng của chồng, chị Thu ngầm hiểu. Chị quay mặt, tay run bần bật.
Gần 0h cùng ngày, gia đình 4 người của anh Long được xe từ Trung tâm Cấp cứu 115 đưa thẳng đến khu cách ly Trường Quân sự TP.HCM (huyện Củ Chi). Đây là nơi cả gia đình sẽ trải qua cả mùa Tết.
'Miễn là cùng nhau, Tết ở đâu cũng được'
Nhận phòng cách ly và chăn màn từ bộ đội, anh Long tranh thủ kéo hai chiếc giường gần sát nhau. Hai chiếc chăn được trải phía dưới thay đệm.
Chị Thu đặt quần áo và những vật dụng khác trên chiếc giường còn lại. “Thằng cu Bin ngủ quậy lắm nên phải kéo giường lại cho rộng, sợ nó lăn xuống sàn”, anh Long nói.
Những bữa cơm tươm tất được đơn vị chuẩn bị 3 bữa/ngày cho người cách ly. |
Chiều 30 Tết, chị Thu lôi bộ áo dài đỏ từ mớ quần áo chật kín trong balo. Cu Bin, con trai chị hớn hở, cười tít mắt vì được mặc quần áo mới. Hành lý mang vào khu cách ly cũng là quần áo chuẩn bị sẵn để gia đình nhỏ về quê ở Cần Thơ đón Tết.
“Bin ngoan lắm, không khóc hay đòi đi chơi gì cả. Chỉ cần cha mẹ với chị hai thì thằng nhỏ đi đâu cũng vui”, chị Thu vừa nói, vừa cài cúc áo cho con trai.
Bin được mẹ mặc cho bộ áo dài để đón giao thừa trong khu cách ly. |
Trước đó, một đồng nghiệp của anh Long tại công ty Thái Bình Dương được xác định dương tính với SARS-CoV-2. Ngay trong đêm, công ty phát thông báo cho toàn thể nhân viên và kêu gọi mọi người đi khai báo y tế.
Anh Long lúc này cũng bần thần, bất giác nhớ lại bữa tiệc tất niên trong một nhà hàng tại quận 10. Anh và hơn 70 người đã có mặt cùng người đồng nghiệp nhiễm SARS-CoV-2.
“Chắc ai đó sẽ nói tôi tại sao không tranh thủ về quê đón Tết mà lại đi khai báo y tế. Điều này quá vô lý vì đó là trách nhiệm chúng tôi phải làm. Nếu không may mình cũng mắc bệnh, lây cho gia đình thì còn khổ hơn nữa”, nam công nhân nói.
Những người cách ly đều bị hạn chế di chuyển, luôn ở trong phòng, nếu muốn ra ngoài phải có sự hỗ trợ của nhân viên y tế. |
"Theo dự tính, chiều 23 Tết, gia đình sẽ về Cần Thơ nhưng không ngờ phải vào đây. Vội quá nên cũng không kịp chuẩn bị gì cho tụi nhỏ. Chúng tôi không đòi hỏi gì, chỉ cần được ở cùng nhau thì đón Tết ở đâu cũng được”, chị Thu nói.
Cận kề giao thừa, cả gia đình anh Long ra ngoài ban công ngồi hóng gió, xem chương trình Táo quân thông qua màn hình chiếu. |
Cái Tết đặc biệt nhất cuộc đời
16h ngày 30 Tết, chiến sĩ Trường Quân sự TP.HCM chuẩn bị hệ thống đèn, kéo dây diện để lắp đặt màn hình chiếu ở khoảng giữa sân.
Nó sẽ giúp người cách ly có thêm những giây phút vui vẻ với chương trình Táo quân, pháo hoa và nghe Tổng bí thư, Chủ tịch nước gửi lời chúc Tết.
Người cách ly từ 3 dãy nhà đổ ra phía hành lang, cùng nhìn màn hình chiếu. Một số người cách ly ở tầng trệt ra ngồi ghế đá trước cửa phòng. |
“Do quy định giãn cách, chúng tôi không thể bố trí chỗ ngồi cho bà con xuống sân. Mong bà con đeo khẩu trang, đứng xem từ xa ngoài hành lang”.
“Chúng ta sẽ cùng nghe chúc Tết và cùng nhau đếm ngược chào đón năm mới”. Một chiến sĩ đứng giữa sân, bắc loa nói lớn khi chương trình Táo quân bắt đầu.
Các chiến sĩ bộ đội hoà chung không khí đón năm mới cùng mọi người, ngồi xem chương trình đêm giao thừa trong trung tâm cách ly. |
“Đây chắc là cái Tết đặc biệt nhất cuộc đời em”, Nguyễn Thanh Tùng, 23 tuổi, quê Hưng Yên, nói. Nam sinh quấn chăn, nhìn ra cửa sổ cười tít mắt.
“Từ khi vào đây nó gầy hơn một chút rồi, trông nó béo thế kia mà”, cha của Tùng ngồi trên lan can trước phòng, nói lớn.
Thanh Tùng là sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên. Được nghỉ Tết, Tùng xin theo chuyến xe chở hàng xuyên Bắc - Nam của cha. Tuy nhiên, khi đến huyện Củ Chi, lực lượng y tế TP.HCM điều tra dịch tễ, xác định chuyến hàng đi qua vùng dịch Hải Dương. Hai cha con phải vào cách ly 21 ngày. Nhiều ngày rong ruổi khắp tỉnh, thành, đến nay, lời hứa sum họp gia đình của cha Tùng đành tạm hoãn.
Nguyễn Thanh Tùng không bỏ lỡ bất kỳ chương trình Táo quân nào. Tùng không nghĩ rằng năm nay mình lại xem Táo quân ở một nơi đặc biệt như vậy. |
Thời khắc giao thừa cũng đã điểm, những người trong khu cách ly theo dõi trọn vẹn 15 phút bắn pháo hoa cùng lời chúc Tết từ Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Màn hình lớn truyền hình trực tiếp lễ bắn pháo hoa và chương trình đón Tết Tân Sửu. |
Phía nhà hành chính, mâm lễ cúng giao thừa được các bác sĩ trong khu cách ly chuẩn bị từ chiều để mọi người thắp nhang, cầu khấn cho năm mới bình an.
Trong giờ phút giao thừa, bác sĩ Phong gửi gắm những lời cầu chúc dịch bệnh sớm được kiểm soát, người dân có thể trở lại cuộc sống bình thường. |
Thời khắc giao thừa đến cũng là lúc những bác sĩ, chiến sĩ bộ đội tranh thủ thời gian gọi điện về cho gia đình. Ngồi một góc ngoài nhà hành chính, bác sĩ trẻ Ngô Tiến Việt gọi về cho mẹ.
Vừa ra trường và làm việc 2 tháng tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, anh được điều phối quản lý y tế tại khu cách ly đúng dịp Tết. Đây là lần đầu anh đón Tết xa nhà.
Quân nhân Nguyễn Đồng gọi điện về cho mẹ khi vừa qua thời khắc giao thừa. Mọi năm, gia đình đã quen khi Đồng đi công tác ngày Tết không về. Năm nay, Đồng nhận nhiệm vụ hỗ trợ khu cách ly F1 nên mẹ anh có thêm phần lo lắng. |
Vợ và 2 con gái nhỏ của bác sĩ Phong đã dành thời gian đến khu cách ly để đón giao thừa cùng những đồng nghiệp tại đây.
Bác sĩ Hồ Thanh Phong quản lý chung về chuyên môn và trực liên tục tại khu cách ly từ khi thành lập đến nay. “Tôi là người phụ trách xuyên suốt, ngoài ra còn 4 y bác sĩ khác sẽ thay phiên tua trực. Khi có đội mới, tôi sẽ hướng dẫn, hỗ trợ các đồng nghiệp làm quen với công việc", anh Phong nói.
Hai cô con gái nhỏ luôn quấn quýt bên bên bác sĩ Phong. |
Đêm giao thừa vội vã ở Bệnh viện dã chiến Củ Chi
Đối diện khu cách ly Trường Quân sự TP.HCM là Bệnh viện dã chiến Củ Chi. Cơ sở này thành lập ngày 10/2/2020 với vai trò cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19 chủ chốt của thành phố.
Hơn 23h30 đêm 30 Tết, các bác sĩ, điều dưỡng tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi quây quần tại sảnh tòa nhà hành chính, bật tivi kết nối qua hệ thống trực tuyến để đón giao thừa cùng Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và 17 đơn vị điều trị bệnh nhân Covid-19.
Cuộc gặp gỡ đặc biệt trong đêm giao thừa giữa Bệnh viện dã chiến Củ Chi và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. |
Ngày thành lập, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng động viên nhân viên y tế cố gắng đến ngày 30/4/2020. Tuy nhiên, mãi đến nay, cơ sở điều trị Covid-19 lớn nhất TP.HCM vẫn “đỏ lửa” với các đợt bùng phát nối tiếp.
Trong cuộc họp trực tuyến, Bộ trưởng Y tế gửi lời chúc đặc biệt đến với 17 đơn vị đang điều trị bệnh nhân Covid-19 trên cả nước. |
Bên ngoài, bác sĩ Triệu tranh thủ bày biện mâm cúng giao thừa. Mâm cúng “dã chiến” đơn giản nhưng đầy đủ hoa cúc, mâm ngũ quả, ít bánh kẹo.
Từ ngày được điều phối từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM sang dã chiến Củ Chi, ngoài làm chuyên môn, bác sĩ Triệu cùng đồng nghiệp quán xuyến nhiều việc trong ngoài, kiêm cả đầu bếp, hậu cần.
“Khi nào không còn bệnh nhân dương tính, cuộc sống dân mình yên bình thì lúc đó, chúng tôi mới yên tâm đón Tết trọn vẹn”, bác sĩ Huỳnh Trung Triệu nói.
Mâm cúng giao thừa được chính tay các bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi chuẩn bị. |
Gần đến giao thừa, 2 nhân viên y tế và cán bộ hậu cần hối hả đạp xe ra cổng bệnh viện. Một trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 mới vừa được thành phố chuyển xuống.
Ca dương tính mới được hai nhân viên của Trung tâm Cấp cứu 115 chuyển xuống. Một bác sĩ đưa bệnh nhân vào phòng bệnh đã được lau dọn sạch sẽ, bố trí sẵn chăn màn.
Chuyến xe cấp cứu chuyển người dương tính với SARS-CoV-2 đến Bệnh viện dã chiến Củ Chi ngay trước thời khắc giao thừa. |
Thời gian này, bác sĩ Bệnh viện dã chiến Củ Chi tiếp nhận hồ sơ bệnh án. Một điều dưỡng đứng xa gọi lớn, nhờ bác sĩ bên trong xin số điện thoại người bệnh.
“Một số trường hợp được chuyển đến chưa được điều tra dịch tễ rõ ràng. Chúng tôi sẽ làm nhiệm vụ này”, nữ điều dưỡng giải thích.
Sau khi bệnh nhân ổn định trong phòng bệnh, một cán bộ hậu cần xịt khử trùng toàn bộ xe cấp cứu và đường đi của ca dương tính.
Ngay trong đêm, một nhân viên y tế xin số điện thoại của bệnh nhân để phục vụ việc điều tra lịch sử dịch tễ. |
Thời gian đã bước sang ngày mùng 1 Tết Tân Sửu, 2 nhân viên Trung tâm Cấp cứu 115 vẫy tay chào đồng nghiệp ra về. Đêm muộn ở Bệnh viện dã chiến Củ Chi lặng như tờ. Ánh đèn đường mờ mờ càng khiến không gian thêm tĩnh mịch.
“Đêm nay sẽ lại có thêm ca dương tính được chuyển về”, một nhân viên y tế khẽ nói.