Các phiên thảo luận với chủ đề đa dạng được tổ chức trực tiếp và phát sóng trực tuyến giữa các doanh nghiệp trong nước và các tập đoàn, doanh nghiệp quốc phòng, cơ khí, điện tử, công nghệ cao của Hàn Quốc, Israel, Nhật Bản, Singapore… Trong hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế sẽ dành thời gian chia sẻ về nhiều giải pháp sản xuất thông minh, chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Lễ khai mạc VIDEX 2021 diễn ra vào ngày 14/12. |
Với chủ đề "Kinh tế quốc phòng trong kỷ nguyên công nghệ số", tọa đàm - hội thảo có sự tham gia của TS Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội khóa XV; TS Trần Lê Hồng - Phó cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng nhiều chuyên gia, lãnh đạo đến từ các công ty, tập đoàn hàng đầu trong nước và quốc tế.
Đại diện ban tổ chức cho biết sự kiện nhằm quảng bá sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp trong và ngoài quân đội, từ đó hỗ trợ kết nối hiệu quả các doanh nghiệp tới các cơ quan, đơn vị, tổ chức xúc tiến thương mại cũng như các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Tại phiên toạ đàm trực tiếp, TS Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội khóa XV - sẽ chia sẻ về giải pháp công nghệ số phục vụ quản trị doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19. Song song đó, TS Trần Lê Hồng - Phó cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ - có bài tham luận về quyền sở hữu trí tuệ trong ứng dụng chuyển đổi số tại các doanh nghiệp hiện nay.
Ngoài ra, bà Mary Tarnowka - Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) - sẽ chia sẻ về vai trò của môi trường và chính sách đối với nền kinh tế số.
Chương trình tọa đàm - hội thảo giao thương và kết nối cung cầu công nghệ gồm 5 phiên thảo luận trong 4 ngày 14/12-17/12. |
Về phía doanh nghiệp, đại diện Tập đoàn Viettel, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cũng chia sẻ kinh nghiệm về kết quả và thách thức trong ứng dụng chuyển đổi số và chiến lược lãnh đạo, văn hóa doanh nghiệp.
Cụm cảng nước sâu Tân Cảng - Cái Mép (TCIT - TITT) của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn. Ảnh: Bộ Quốc phòng. |
Phiên hội thảo chuyên đề dự kiến diễn ra trong 5 phiên. Trong phiên thứ nhất, các chuyên gia sẽ trao đổi về nội dung "Ứng dụng công nghệ quốc phòng vào hoạt động dân sinh". Trong đó, các diễn giả sẽ giới thiệu về ứng dụng công nghệ an ninh quốc phòng trong cuộc sống người dân Israel; giải pháp ứng dụng công nghệ máy bay không người lái (UAV) vào hoạt động sản xuất nông nghiệp, hay giải pháp công nghệ khử khuẩn Covid-19 trong thang máy.
Phiên chuyên đề hai có chủ đề "Hợp tác chuyển giao công nghệ phụ trợ ngành ôtô điện", gồm các nội dung chính như thực trạng thị trường ngành công nghiệp phụ trợ ôtô điện ở Việt Nam; chính sách thúc đẩy phát triển ôtô điện; ngành công nghiệp phụ trợ ôtô của Việt Nam...
Với phiên "Chuyển đổi số để thích ứng chuỗi cung ứng toàn cầu mới", TS Quy Võ - Đồng sáng lập kiêm Giám đốc dHealth Foundation (Thụy Sỹ) - sẽ chia sẻ về blockchain cùng tương lai của ngành quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Hoàng Ngọc Thạch - Giám đốc cao cấp Quản lý Thương mại của Bamboo Airways - sẽ bàn về khả năng ứng phó khủng hoảng cho tương lai. Ông Hoàng Long - Quản lý cấp cao của Amazon Global Selling (Việt Nam) - sẽ chia sẻ về chủ đề thích ứng và nắm bắt các cơ hội toàn cầu mới với Amazon.
Chương trình hội thảo với nhiều phiên trao đổi xoay quanh các chủ đề thiết thực. |
Trong ngày 16/12, diễn giả từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Hexagon MI, Bosch và Dell sẽ bàn về chủ đề “Xu thế chuyển đổi số trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.
Phiên cuối hội thảo trực tuyến trong ngày 17/12 có chủ đề “Sản xuất thông minh, đổi mới chuỗi cung ứng” sẽ đưa ra phương hướng và giải pháp cụ thể cho các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số. Hội thảo sẽ phần nào nâng cao năng lực sản xuất và gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu mới cho các doanh nghiệp trong nước.
Với những chủ đề thiết thực, hội thảo còn thể hiện vai trò đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin và các nền tảng công nghệ nhằm thực hiện chức năng xúc tiến thương mại trong điều kiện Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Sự kiện góp phần đổi mới, đa dạng hóa phương thức tổ chức, thực hiện công tác xúc tiến thương mại theo hướng hiện đại, hòa chung vào xu hướng TMĐT không biên giới trên toàn cầu.
Song song đó, Triển lãm và hội chợ Bộ Quốc phòng 2021 khai mạc vào 19h30-21h ngày 14/12 trên nền tảng Videx.vn, đồng thời kết nối các điểm cầu trong và ngoài nước qua ứng dụng Zoom. Các gian trưng bày triển lãm và hoạt động hội chợ thương mại được tiếp tục duy trì trên nền tảng trực tuyến trong 30 ngày (tối đa 6 tháng theo nhu cầu đăng ký của đơn vị, doanh nghiệp).
Triển lãm thành tựu tiêu biểu trong thực hiện kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế và Hội chợ thương mại năm 2021 trực tuyến là hoạt động kinh tế - chính trị được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp trong và ngoài quân đội quảng bá sản phẩm và dịch vụ, mở rộng giao thương, kết nối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức xúc tiến thương mại cũng như các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Độc giả đăng ký tham gia các hội thảo tại đây.
Bình luận