Thất bại của SGK hiện hành
Trong bàn tròn về chương trình và SGK tại trang Hocthenao.vn, theo ông Bùi Trần Hiếu, các năng lực tư duy và học tập của thế kỷ 21 được một số nơi xác định gồm: Critical thinking (tư duy phản biện), creativity and innovation (sáng tạo và đổi mới), cooperation and communication (hợp tác và giao tiếp).
“Theo những gì tôi đã trải nghiệm qua 12 năm học phổ thông tại Việt Nam, thì chương trình giáo dục phổ thông Việt Nam và bộ SGK đã thất bại lớn trong việc giúp người học hình thành các năng lực và kỹ năng nêu trên. Thực tế cho thấy về kiến thức có thể học sinh Việt Nam không thua kém nhiều so với các bạn học sinh ở các nền giáo dục phát triển, đặc biệt về toán và tự nhiên, nhưng năng lực của một người học hiệu quả thì thua kém rất nhiều” – ông Hiếu khẳng định.
Sách giáo khoa tại Việt Nam. |
Đồng tình với ý kiến này, TS kinh tế Lương Hoài Nam cho rằng đó là những vấn đề chúng ta cần phải giải quyết với phạm trù “Triết lý giáo dục”, “Phương pháp giáo dục”.
"Trước tiên cần khẳng định rõ ràng chúng ta có theo đuổi những mục tiêu giáo dục như thế không đã. Nhảy bụp ngay vào SGK không thể giải quyết được các bất cập của nền giáo dục hiện nay".
Theo GS Ngô Bảo Châu, học và thực hành nhân văn một cách tích cực là cách duy nhất để rèn luyện những năng lực này. Những vấn đề trong triết học không có câu trả lời duy nhất, cũng như không có một cách nhìn duy nhất về những sự kiện lịch sử. Để có ý kiến riêng của mình, học sinh phải tìm hiểu, nghiên cứu, suy xét và phản biện. Để bảo vệ ý kiến của mình, học sinh sẽ phải học được cách trình bày khúc chiết, lập luận kín kẽ. Ngoài ra học sinh còn học được cách tôn trọng, lắng nghe những ý kiến khác với ý kiến của mình mà nhiều khi phải chấp nhận lật lại toàn bộ những gì mà mình đã nghĩ.
Một người tham gia bàn tròn với nickname Cherry Vu cho rằng để làm được thì việc đầu tiên phải thoát khỏi vòng luẩn quẩn trong định hướng phát triển giáo dục hiện nay.
Một ý kiến trên diễn đàn thì nhận định: “Tôi cũng muốn nói thêm là đứng về mặt kỹ năng, để dạy sinh viên biết phản biện thì thực ra không khó. Sinh viên Việt Nam thực ra cũng được học khi họ học triết ở chương trình đại cương – về logic, về tam đoạn luận, về các khái niệm giả thiết, kết luận, kết luận thay thế... Có điều là sinh viên Việt Nam ít có thực hành thôi. Để dạy các kỹ năng tư duy phản biện cơ bản theo kiểu cầm tay dạy học sinh tập viết thì không hề khó, nhưng mà dạy xong, học sinh không viết nhiều thì chữ vẫn xấu, có khi lại tái mù”.
Kinh nghiệm từ nước Mỹ
Một giảng viên đang giảng dạy ở một trường ĐH công lớn bên Mỹ chia sẻ một số kinh nghiệm ở khía cạnh giáo dục đại học.
Giảng viên này cho biết, trong thiết kế môn học và nội dung học tại nhà trường nơi giảng viên này đang làm việc, mọi thứ đều hướng trực tiếp vào đào tạo để làm việc, mọi sự đo lường việc học tập của sinh viên đều hướng tới kiến thức và các hành vi làm việc thực sự – cho nên lúc nào giáo viên và sinh viên cũng hỏi “Làm thế có thực sự hiệu quả không, có ra sản phẩm bán được không, có thực sự giúp được thân chủ không, có cải thiện được cộng đồng đó không, có tiết kiệm được chi phí không, người ta có bỏ tiền đầu tư vào ý tưởng này không?”.
Thứ hai, với bất kỳ một nội dung kiến thức nào, sinh viên bao giờ cũng được giới thiệu tất cả các luồng tư tưởng khác nhau về cùng vấn đề đó, chứ không phải chỉ có một luồng tư tưởng chính thống.
Thứ ba, trong lớp, giáo viên nói rất ít, sinh viên nói là chính. “Mỗi ngày lên lớp, tôi và các đồng nghiệp giảng vô cùng ít, thường chỉ bắt đầu bằng một số câu hỏi, sau đó là thảo luận, tranh luận. Tôi lấy ví dụ như với môn mà đại cương mà tôi nói ở trên, sinh viên phải đọc Tuyên ngôn cộng sản của Mác (sinh viên bên này đọc Mác rất kỹ), một bài khác của Max Weber, rồi một số tác giả khác để trả lời câu hỏi “Vì sao xã hội của chúng ta lại có cấu trúc như hiện tại?”. Sau đó trên lớp, có khi sinh viên tranh luận hàng giờ liền chỉ về một từ trong một bài đọc”.
“Thực ra, giáo viên bên này coi SGK chỉ là một cái sườn để bám vào, nhiều môn học hoàn toàn không dùng SGK. Sinh viên thường được khuyến khích đọc trực tiếp các bài viết gốc của các tác giả, và tranh luận trực tiếp về các khái niệm, ý tưởng gốc, chưa qua phiên dịch của người khác. Trong lớp, sinh viên nào cũng phải phát biểu”.
Theo vị giảng viên này, điều này dạy cho sinh viên biết phản biện. Có phản biện thì đi đến sáng tạo không xa lắm; vì sáng tạo xuất phát từ câu hỏi “có người đã làm thế, nhưng có nhất thiết phải làm thế không, còn có thể làm gì khác, làm tốt hơn?”.