Hỗ trợ về chính sách visa cho khách quốc tế là cách Việt Nam nắm lợi thế nhiều hơn so với các nước trong khu vực. Ảnh: Thanh Đức. |
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel, du khách quốc tế thường dựa vào thương hiệu du lịch của quốc gia, sản phẩm du lịch, chi phí và cách tiếp cận để lựa chọn điểm đến.
Trên thực tế, Việt Nam có thể đáp ứng được 2 tiêu chí là thương hiệu du lịch và chi phí. Để có thể thu hút thêm nhiều du khách quốc tế trở lại sau dịch Covid-19, nhiều chuyên gia nhận định vấn đề visa và các sản phẩm du lịch cần được thay đổi.
Không phải câu chuyện mới
Mặc dù mở cửa du lịch trở lại từ khá sớm, kết quả chung cho thấy Việt Nam vẫn chỉ đang "đi trước về sau". Đặt lên bàn cân so sánh với Thái Lan, nước ta vẫn tiếp tục xếp sau dù có tiềm năng, lợi thế du lịch rất lớn.
Minh chứng cụ thể trước đại dịch, Việt Nam đón khách du lịch quốc tế chỉ bằng 1/5 của Thái Lan. Trong năm 2022, con số này tiếp tục giảm xuống, chỉ còn bằng 1/3 so với xứ sở chùa Vàng. Một số chuyên gia dự đoán nếu không có sự thay đổi, lượng khách năm nay có nguy cơ sụt giảm sâu hơn.
Không riêng Việt Nam, năm nay Campuchia cũng đặt mục tiêu đón 8 triệu du khách quốc tế. Những năm trước đây, quốc gia này chưa từng đặt mục tiêu ngang hàng với du lịch Việt Nam.
Tại hội thảo "Mở visa để phục hồi du lịch" do Báo Thanh niên tổ chức sáng 10/3, TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, khẳng định hai vấn đề trên không phải là mới, đặc biệt là chính sách visa.
Theo ông, nếu Việt Nam không khắc phục được điểm nghẽn này, ngành du lịch sẽ tiếp tục thiếu khách quốc tế trong thời gian dài.
Việt Nam vẫn còn nhiều loại hình du lịch chưa khai thác. Ảnh: Đ.Phát. |
Bà Trần Nguyện, Phó tổng giám đốc Khối Sun World (Tập đoàn Sun Group) bày tỏ ngoài visa, để thu hút khách quốc tế còn cần phát triển sản phẩm du lịch. Làm được điều này, du khách không chỉ chi tiêu mà còn giúp làm truyền thông cho du lịch trong nước.
Các chuyên gia cũng nhận xét sau một thời gian dài, hệ thống sản phẩm du lịch của Việt Nam hầu như không thay đổi, chưa có nhiều sản phẩm mang tính khác biệt.
Thực tế, Việt Nam đã và đang phát triển phổ biến 2 loại hình du lịch nghỉ dưỡng và du lịch trải nghiệm, chủ yếu nhờ vào tính sẵn có, ưu đãi về điều kiện tự nhiên và đa dạng văn hóa.
Đối với 2 loại hình là xu hướng mới là du lịch sức khỏe và du lịch mua sắm - giải trí, nước ta còn rất hạn chế. Trong khi đó, tiềm năng 2 loại hình du lịch trên là rất lớn.
Thái Lan có nét tương đồng về điều kiện thiên nhiên với Việt Nam, tuy nhiên khoảng cách ngành du lịch 2 nước còn rất lớn. Một trong những lý do là xứ chùa Vàng tập trung cải thiện về các loại hình dịch vụ, sản phẩm, nâng cao các trải nghiệm cho du khách, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), nhận định.
Vị doanh nhân này đánh giá du lịch mua sắm của Thái Lan có đầy đủ các mô hình từ trung tâm thương mại trung cấp, cao cấp tại các trung tâm thành phố, trung tâm thương mại, factory outlet bán hàng hiệu qua mùa, tới cửa hàng miễn thuế dưới phố, mô hình ẩm thực đường phố cùng nhiều hoạt động bán lẻ đặc biệt khác như chợ vải, chợ thời trang…
Để tăng sức cạnh tranh, theo ông, Việt Nam cần các chính sách để phát triển mô hình du lịch sức khỏe và phát triển các tổ hợp mua sắm, vui chơi, giải trí.
Đẩy mạnh visa điện tử
Tổng hợp nhiều yếu tố khiến ngành du lịch Việt Nam vẫn còn xếp sau trên đường đua quốc tế, TS Phạm Trung Lương khẳng định visa là yếu tố quan trọng và cần được giải quyết đầu tiên.
Hiện Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho 24 quốc gia theo hình thức đơn phương và song phương. Thị thực điện tử cấp cho 80 quốc gia nhưng bị giới hạn số cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh. Thời gian lưu trú thông thường khoảng 15 ngày và nhập cảnh một lần.
Đây đều là những con số khá khiêm tốn so với các điểm đến khác trong khu vực.
Việt Nam cần sớm giải quyết vấn đề về visa cho khách quốc tế. Ảnh: Điền Quang. |
Malaysia và Singapore đều miễn thị thực cho 162 quốc gia, Phillipines cho 157 quốc gia, Nhật Bản cho 68 quốc gia, Hàn Quốc cho 66 quốc gia và Thái Lan cho 64 quốc gia…
Các quốc gia trên hầu hết cấp và cho phép nhập cảnh bằng thị thực điện tử với thời gian lưu trú đến 6 tháng, cho phép nhập cảnh nhiều lần.
"Khi mở cửa trở lại, chính sách visa của các nước trong khu vực châu Á đã thay đổi một cách nhanh chóng nhằm thu hút khách quốc tế", bà Trần Nguyện chia sẻ.
Bà cho rằng Việt Nam cũng cần có sự thay đổi để phù hợp hơn với nhu cầu hiện tại của du khách. Thời gian miễn thị thực của nước ta quá ngắn, buộc nhóm khách có nhu cầu du lịch dài ngày này phải di chuyển giữa Việt Nam và các điểm đến hoặc họ sẽ không chọn nước ta.
Ngoài đề xuất nâng thời gian miễn thị thực, cải thiện chính sách e-visa cũng là một giải pháp được nhiều chuyên gia đề xuất.
Không chỉ mở rộng các nước được cấp e-visa, Chính phủ còn phải nâng cấp hệ thống e-visa về tính năng, giao diện của trang web và luôn điều chỉnh thay đổi chính sách để cạnh tranh với các nước. Ngoài ra, việc đẩy nhanh thời gian, đơn giản hóa thủ tục, đa dạng hình thức cấp visa nhằm hỗ trợ tối đa cho du khách quốc tế cũng là một giải pháp.
Với khách từ thị trường Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ (những thị trường du lịch lớn có đường bay thẳng với Việt Nam), nên sớm có thỏa thuận chính sách visa dài hạn song phương với thời hạn 5-10 năm, tương tự visa dài hạn mà một số quốc gia đã và đang cấp cho công dân Việt Nam.
Ngoài ra, nên có chính sách miễn visa cho các đoàn khách nước ngoài vào Việt Nam tham gia các sự kiện MICE, du lịch đánh golf (dựa trên danh sách của các đơn vị tổ chức sự kiện MICE, golf); du khách và phi hành đoàn đến Việt Nam bằng máy bay riêng vì mục đích kinh doanh hoặc du lịch. Cần tạo điều kiện đối tượng siêu giàu vào để tăng doanh thu sân bay, khách sạn hạng sang…
63 tỉnh thành trong nước chứa đựng vô số điểm đến đa dạng về văn hóa, độc đáo về lịch sử. Zing giới thiệu tới bạn đọc những trang sách về hành trình khám phá Việt Nam.