Huỳnh Hiểu Minh công khai hẹn hò với bạn gái kém 15 tuổi đang là chủ đề bàn luận sôi nổi khắp mạng xã hội Trung Quốc. Trong một sự kiện giải trí cách đây ít ngày, nam tài tử đã đưa Diệp Kha đi cùng để giới thiệu cô với giới nghệ sĩ.
Kể từ khi tin tức về cặp đôi bùng nổ vào giữa tháng 9, sau khoảng hai năm hẹn hò kín tiếng, ngoại hình của Diệp Kha cũng được người hâm mộ đặc biệt quan tâm.
Nhiều người nhận xét Diệp Kha có khuôn mặt "khó nhớ" vì tương đối đại trà, hao hao giống rất nhiều hot girl trên mạng khác. Trong các bức hình, nét mặt cô dường như lại có sự khác nhau, được cho là thay đổi do phẫu thuật thẩm mỹ nhiều lần. Một số bình luận gọi Diệp Kha là người đẹp "nhiều mặt".
Trong một buổi livestream gần đây, khi dân mạng hỏi cô có phẫu thuật trên gương mặt không, Diệp Kha thừa nhận cô đã phẫu thuật khoảng 40% và coi đó "chỉ là một chút".
Bên cạnh những lời khen về khuôn mặt xinh xắn của Diệp Kha, nhiều bình luận cho rằng cô chính là đại diện của những người đẹp được tạo ra từ nền công nghiệp "thẩm mỹ theo khuôn" đang bùng nổ tại Trung Quốc - nơi nhiều cô gái đổ xô phẫu thuật để có được nét đẹp chuẩn mực như mắt to, mũi cao, cằm V-line...
Dân mạng nhận xét Diệp Kha có khuôn mặt đại trà, khó nhớ vì giống nhiều hot girl khác trên mạng. Ảnh: Sina. |
Hàng trăm cô gái có chung một khuôn mặt
Ngày nay, nhiều người trẻ xứ tỷ dân coi có khuôn mặt hấp dẫn là lợi thế quan trọng trong cuộc sống và nơi làm việc, giúp họ đạt được nhiều lợi ích về tình cảm lẫn kinh tế.
Sự bùng nổ của nền kinh tế người có sức ảnh hưởng càng củng cố niềm tin này. Thuật ngữ "Internet celebrity face" (khuôn mặt người nổi tiếng trên mạng) trở thành cụm từ thông dụng hàng đầu, ám chỉ "khuôn mặt chuẩn" mà người ta phải có để đạt được thành công và danh tiếng. Các nét đẹp chuẩn mực này bao gồm đôi mắt to, hai mí; sống mũi cao; cằm nhọn và làn da trắng.
Cuối tháng 8, câu chuyện hơn 500 cô gái phẫu thuật để có cùng khuôn mặt baby như Wang Jing (30 tuổi) - một KOL đình đám trong lĩnh vực thẩm mỹ đến từ Chiết Giang - gây xôn xao trên mạng xã hội xứ Trung, SCMP đưa tin.
Các nguồn tin trực tuyến tiết lộ rằng nữ KOL này đang điều hành phòng khám thẩm mỹ của riêng mình. Khách hàng được tư vấn để sử dụng chính khuôn mặt của Wang làm khuôn mẫu cho các quy trình thẩm mỹ.
Tại phòng khám của Wang, giá cho 3 lần tiêm axit hyaluronic (HA) vào mặt để làm đầy là 38.888 nhân dân tệ (5.500 USD). Để có được dáng bờ vai giống như của Wang, được cho là sẽ khiến việc mặc trang phục trông đẹp hơn, khách hàng sẽ phải trả 25.888 nhân dân tệ.
Thống kê các trường hợp khách hàng được Wang chia sẻ trên Douyin cho thấy đã có 517 người có khuôn mặt baby giống cô.
Phụ nữ Trung Quốc đổ xô thẩm mỹ để có được nét đẹp chuẩn mực như sao mạng. Ảnh: SCMP. |
Trào lưu "sao chép" nét mặt theo khuôn đã gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội Trung Quốc với các ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng điều này "làm mất đi cá tính, mọi người đều trông giống nhau, thật đáng sợ và rùng rợn".
Tuy nhiên, những người khác coi xu hướng này là chuyện bình thường vì phẫu thuật thẩm mỹ hướng tới làm hài lòng bản thân, đó là tiền của họ và họ được quyền làm điều mình thích.
Ngành thẩm mỹ bùng nổ chưa từng thấy
Theo Statista, ngành thẩm mỹ đang phát triển mạnh chưa từng thấy tại Trung Quốc. Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường MobTech, ước tính 23,5 triệu người đã phẫu thuật thẩm mỹ vào năm 2023.
Nhu cầu tăng cao đã biến thẩm mỹ y khoa thành ngành kinh doanh trị giá 200 tỷ nhân dân tệ vào năm 2021, và sẽ thu về thêm 200 tỷ nhân dân tệ nữa vào năm 2025. Tuy nhiên, thị trường béo bở này đã mang lại những vấn đề xã hội khác: nghiện thẩm mỹ, sự gia tăng của các thủ thuật bất hợp pháp và nguy hiểm hơn là độ tuổi khách hàng ngày càng trẻ hóa.
Cách đây 20 năm, ngành công nghiệp thẩm mỹ gần như không tồn tại ở Trung Quốc. Sự bùng nổ của văn hóa Hàn Quốc đã khiến thái độ của người dân nước này đối với ngoại hình thay đổi. Từ năm 2010, ngày càng nhiều người Trung Quốc du lịch sang Hàn Quốc để thực hiện các thủ thuật dao kéo.
Đến năm 2016, ngành thẩm mỹ ở Trung Quốc phát triển nhanh chóng và bùng nổ. Ngoài ra, kinh tế phát triển đã khiến người tiêu dùng xứ tỷ dân hào phóng hơn trong việc nuông chiều bản thân, thúc đẩy sự phổ biến của thẩm mỹ y khoa.
Ở Trung Quốc, khuôn mặt đẹp được coi là lợi thế lớn. Ảnh: China New Service. |
Không có gì ngạc nhiên khi nhiều người Trung Quốc lựa chọn các thủ thuật thẩm mỹ trên mặt, vì khuôn mặt rất quan trọng trong xã hội này.
"Đập mặt đi xây lại" dần trở thành lựa chọn của số đông Gen Z (sinh năm 1997 đến 2012) khi họ muốn cả cơ hội việc làm lẫn chuyện tình yêu thêm khởi sắc, theo SCMP. Nhiều nữ sinh sau kỳ thi tốt nghiệp phổ thông sẽ chọn thực hiện một thủ thuật nào đó trên gương mặt để tự tin và gặp may mắn hơn.
Tuy nhiên, việc cố gắng thay đổi những nét bị coi là "khiếm khuyết" theo tiêu chuẩn xã hội có thể biến thành nỗi ám ảnh cá nhân không thể thoát ra. Những vị khách cảm thấy tự tin hơn sau khi đụng dao kéo thường không cưỡng lại được sự cám dỗ muốn sửa nhiều hơn nữa.
Ngành phẫu thuật thẩm mỹ chưa được quản lý chặt chẽ tại Trung Quốc cũng gây ra nhiều mối lo. Vấn nạn phòng khám giả mạo, bác sĩ không có giấy hành nghề và vật liệu y tế lậu tràn lan.
Bên cạnh đó, những người chỉ trích đã chỉ ra mối lo rằng phía sau "vỏ bọc" mong muốn ngày càng đẹp hơn, phẫu thuật thẩm mỹ đang khiến chủ nghĩa phân biệt giới tính và bất bình đẳng ăn sâu vào giới trẻ nước này.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.