Chuyện giáo viên đánh học sinh, học sinh đánh nhau không còn là bất thường trong ngành giáo dục. Tuy nhiên, thầy giáo và nữ sinh đánh nhau trong lớp học thì không phải lúc nào cũng thấy. Nó làm nhiều người suy nghĩ về quan hệ thầy - trò thời nay.
Hành xử không đúng mực
Theo thầy Nguyễn Văn Tỉnh, Hiệu trưởng trường Tầm Vu, vụ việc xuất phát từ nữ sinh nói chuyện, gây mất trật tự trong giờ học. Sau khi bị thầy giáo nhắc nhở, em này phản ứng và có những hành động cùng lời lẽ không hay dẫn đến thầy - trò cầm sách đánh nhau.
Nhiều người nhận định hành vi đánh tay đôi với học sinh của nam giáo viên là sai hoàn toàn. “Tôi không bênh nữ sinh đó nhưng em ấy sai 5 thì thầy giáo sai 10”, Quốc Hưng, giáo viên ở Hà Nam, nhận xét.
Thầy Hưng cho rằng trong bất cứ trường hợp nào, giáo viên cũng cần giữ bình tĩnh và hành xử đúng chuẩn mực nhà giáo.
Trên thực tế, những vụ việc gần đây cho thấy không ít thầy cô có biểu hiện xuống cấp về đạo đức, vô cảm, thiếu trách nhiệm với học sinh. Thanh Hằng, phụ huynh ở Nghệ An, lo ngại hành vi bạo lực của giáo viên sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý trẻ, hình thành tư tưởng dùng nắm đấm giải quyết mâu thuẫn.
Cô đặt câu hỏi: “Cứ cho là học sinh ra tay đánh trước, em ấy sai. Nhưng, giáo viên lao vào đánh trả trước sự chứng kiến của cả lớp như thế thì có đủ tư cách làm thầy không? Trước khi hành động, thầy giáo đã xác định rõ vị trí của mình chưa?”.
Một số nhà giáo vẫn còn áp dụng phương pháp “thương cho roi vọt” một cách máy móc vào quá trình giáo dục trẻ hoặc viện cớ này để thanh minh cho hành vi phản giáo dục của mình.
“Học sinh sai, thầy cô uốn nắn, chứ cứ bảo học trò không nghe rồi thẳng tay đánh như vậy thì không ổn”, chị Minh Tuyết, phụ huynh ở Hà Tĩnh, nêu quan điểm.
Clip thầy giáo và nữ sinh đánh nhau ở Hậu Giang khiến nhiều người suy nghĩ về giáo dục thời hiện đại. Ảnh cắt từ clip. |
Cô Hoàng Linh ở Lâm Đồng cũng cho rằng cách dạy học trò bằng roi vọt không còn phù hợp. Ngày trước, thầy cô đánh học sinh không phải chuyện lạ nhưng nó xuất phát từ tình thương, từ cái tâm của nhà giáo, mong các em nên người. Ngày nay, nhiều người không thể kiềm chế cơn tức, lấy học sinh làm nơi trút giận thay vì giáo dục.
Hơn nữa, giáo dục bây giờ khác trước. Nghề sư phạm không chỉ đòi hỏi người thầy tâm huyết với sự nghiệp trồng người mà còn phải có kỹ năng, không thể dùng bạo lực để ép các em vào khuôn khổ.
Trao đổi với Zing.vn, PGS Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng trường Lương Thế Vinh, Hà Nội - cho rằng trong trường hợp này, cả thầy và trò đều sai. Lẽ ra, thầy giáo nên bình tĩnh hơn, báo cáo vụ việc với hiệu trưởng để giải quyết sau, thay vì đánh tay đôi với nữ sinh.
Nhiều giáo viên khác cũng góp ý cách làm tương tự. Song không ít người bày tỏ sự thông cảm, thấu hiểu cho thầy giáo trong clip vì học sinh ngày nay cũng “không phải dạng vừa đâu”.
Nhiều học trò như 'ông hoàng bà chúa'
Trước vụ việc này, tình trạng trò đánh, chửi thầy không phải chưa xảy ra. Tháng 9/2015, một nam sinh trường THPT Trần Quang Khải (TP.HCM) xúc phạm, đánh giáo viên trên bục giảng vì bị cho điểm 0 và nhắc nhở về thái độ học tập kém.
Trước đó, tháng 1/2015, nữ sinh trường THPT Đồng Hới (Quảng Bình) túm tóc, đánh giáo viên khi bị ghi vào sổ đầu bài do không chịu đọc bài theo yêu cầu của giáo viên.
Rõ ràng, nhiều học sinh ngày nay như "ông hoàng bà chúa", hành xử ngược với đạo lý tôn sư trọng đạo.
Về điểm này, thầy Trần Huy (Hà Nội) cho rằng xã hội nên có cái nhìn công bằng hơn với nhà giáo vì trường học không thể đảm nhận hoàn toàn vai trò uốn nắn hành vi, suy nghĩ của học sinh. Các em còn chịu ảnh hưởng lớn từ gia đình, môi trường sống xung quanh, đặc biệt là mạng xã hội.
Đồng tình với quan điểm này, bạn Công Đại, sinh viên ĐH Công nghiệp Hà Nội, nhận xét: “Không ít bạn trẻ ngày nay dám chửi cả người thân thì sao biết tôn trọng giáo viên nữa. Ở nhà, các em được chiều chuộng như 'ông hoàng bà chúa', đến trường vẫn giữ thái độ vênh váo đó thì thầy cô nào chịu nổi”.
Thầy giáo Thành Long ở Hà Tĩnh khẳng định cách làm của thầy giáo trường Tầm Vu không đúng nhưng nữ sinh trong clip cũng cần chịu trách nhiệm cho hành vi sai trái của mình.
Sau hơn 10 năm gắn bó với nghề, thầy Long hiểu rõ những bức xúc của đồng nghiệp trong tình huống trên.
“Giáo viên cũng là người. Vì chuẩn mực đạo đức nhà giáo, họ phải kiềm chế cơn giận nhưng nhiều khi không tránh khỏi tình trạng mất tự chủ, nhất là lúc đối mặt học trò hỗn xược quá mức”, thầy Long chia sẻ.
Ngoài ra, vị giáo viên này cũng đề nghị các bậc phụ huynh đặt mình vào vị trí của thầy giáo trước khi chỉ trích, trách móc nặng nề. Anh tin rằng hiếm cha mẹ nào giữ được bình tĩnh khi con cái đánh họ.
“Học sinh hư, xã hội đổ hết trách nhiệm cho nhà giáo. Giáo viên lỡ mắng học sinh là ngay lập tức bao người lên tiếng bênh vực các em dù không hiểu thực hư câu chuyện. Thế nên, nhiều đồng nghiệp của tôi bỏ hẳn phần dạy đạo đức, chỉ mong truyền thụ hết kiến thức cho xong việc”, cô Thu Phương - giáo viên ở Hà Tĩnh - tâm sự.