Thầy hiệu trưởng 'lắm chiêu' của trường THPT Việt Đức
Không chỉ hẹn với học sinh toàn trường lên mạng trò chuyện vào chủ nhật hàng tuần, thầy Nguyễn Quốc Bình còn sẵn sàng nhảy với teen 12 khi mùa chia tay đến.
>> Teen lớp 12 chia tay xúc động ngày ra trường
>> Thầy giáo cậu bé bỏ học: 'Giáo dục nhà trường với Kiệt là vô ích'
Những đêm trò chuyện với học sinh qua mạng
- Nhớ lại thời điểm thầy chuyển công tác từ vị trí quản lý của THPT Nhân Chính về THPT Việt Đức, cảm nhận về môi trường mới của thầy như thế nào?
- Những ngày đầu, thú thật tôi mất ngủ nhiều. Tôi nhận được rất nhiều thư. Một bác học sinh cũ băn khoăn: "Thầy đang công tác ở một ngôi trường nhỏ bé như Nhân Chính, liệu khi về Việt Đức, thầy có đem những quy định ở vùng nông thôn áp dụng vào đây không? Và liệu có thúc đẩy được sự phát triển của nhà trường, hay làm cản trở".
Khung cảnh sân trường Việt Đức qua ống kính học sinh |
Với học sinh, tôi cũng nhận được nhiều ý kiến trên mạng: "Không biết thầy hiệu trưởng này ở Hà Nội 2 hay Hà Nội 3?" hoặc nghi vấn rằng "thầy sẽ nông thôn hóa Việt Đức"…
Nhận được những luồng ý kiến đó, trong giờ sinh hoạt dưới cờ tiếp theo, tôi đã hẹn với toàn trường là tối chủ nhật hàng tuần, tôi sẽ lên mạng nói chuyện trực tiếp với các em để giải tỏa những thông tin không chính xác.
Và những cuộc nói chuyện thú vị đó cũng thay đổi nhận thức của tôi rất nhiều. Tôi trách các em sao để sân trường và lớp học nhiều rác thế, các em chất vấn: "Vậy xin thầy hãy trả lời, thùng rác ở đâu". Bên cạnh đó, sân trường và vỉa hè lớp học nhiều chỗ lồi lõm khiến các em bị vấp ngã. Ngay sau đó, tôi đã nhận lỗi với toàn trường trong giờ sinh hoạt chung, và lập tức tiến hành mua thêm thùng rác, lát lại sân trường, vỉa hè…
- 4 năm cầm lái con tàu Việt Đức, chắc chắn để có ngày hôm nay, thầy gặp không ít khó khăn. Mỗi khi kiệt sức, hoặc gặp phải một khó khăn nào đó, thầy thường làm gì?
- Tôi ngồi một mình, thở điều hòa và tập trung suy nghĩ. Tôi cũng rất thích đọc sách, nhất là những cuốn sách về tâm lý sư phạm, cách ứng xử với con người. Rất may mắn, tôi có một gia đình hạnh phúc.
Vợ tôi trước là bộ đội, nay cô đã xin nghỉ sớm để quán xuyến việc nhà và làm thêm đảm bảo kinh tế, giúp tôi yên tâm công tác. Các con tôi học được và cũng có nhiều góp ý cho công việc của bố.
Khi thầy hiệu trưởng "lắm chiêu"
- Cuối năm học vừa rồi, trường Việt Đức rất nổi tiếng với màn nhảy flashmob đồng đội ấn tượng và đêm tiệc chia tay dưới mưa. Có lẽ không nhiều thầy hiệu trưởng "dám" để các em tham gia nhiều hoạt động như vậy khi kỳ thi gần kề?
- Tôi thấy nhảy flashmob rất ấn tượng, tôi cũng tham gia tập với các em. Cả điệu nhảy đó và đêm chia tay khối 12 năm nay của trường tôi đều diễn ra dưới cơn mưa nặng hạt.
Tối hôm đó, tôi được các em mời vào nhảy cùng, thầy trò đều ướt đầm đìa, và tôi đã nói: "Những cuộc chia tay dưới mưa để lại rất nhiều kỷ niệm, nhưng hầu hết là cuộc chia tay giữa hai người. Cuộc chia tay lớn của thầy trò mình hôm nay rất hiếm có, sẽ lãng mạn hơn, đáng nhớ hơn, giúp chúng ta gắn kết với nhau hơn".
Thầy Nguyễn Quốc Bình |
- Vậy một người thầy nghiêm khắc, sẵn sàng ra rút dây loa để giải tán những đám đông có phần quá trớn, và một người thầy thăng hoa sẵn sàng nhảy cùng các em, hai con người đó khác nhau như thế nào?
- Là người quản lý phải có tính quyết đoán. Những việc nghiêm trọng như đánh nhau thì phải quyết định kịp thời để ngăn chặn ngay. Nếu trong những hoạt động vui vẻ thì phải sống, ứng xử đúng là người thầy, người bạn của học trò.
Hai mặt đó tồn tại trong từng con người, nhưng ta đưa vào trường hợp nào cho phù hợp. Đơn giản như chuyện các em đang chơi bóng rổ giữa trưa, tôi cũng ra búng với các em vài quả, rồi nói: "Trời nắng thế này, nóng quá, thầy sợ ảnh hưởng đến sức khỏe". Các em luyến tiếc chơi thêm vài quả nữa rồi giải tán. Ứng xử như vậy các em thấy rất thoải mái. Các bác bảo vệ thì nhiều lúc tuýt còi đuổi mãi các em không về.
- Vậy thầy có lý giải được tại sao học trò Việt Đức lại cứ xì xào về thầy hiệu trưởng của mình "lắm chiêu"?
- Là thế này, khi trường Việt Đức tham gia thí điểm cấm xe máy, một số em vẫn cố tình đi nhưng gửi giấu ở các ngõ xa trường. Tôi đi ngang qua đúng lúc, thế là nhớ số xe và mặt của học sinh. Tôi chờ các em ở trường để nhắc nhở, mà học sinh không lý giải được tại sao thầy biết.
Tôi có thói quen nhìn lướt tổng thể, có điểm nào cần chú ý thì nhìn kỹ hơn. Em nào cúi đầu, không nghe giảng thì biết ngay. Cách của tôi là phải nắm rõ sự vật, hiện tượng rồi mới xử lý thì các em mới tâm phục khẩu phục.
Tuy nhiên, trong tôi vẫn có nhiều suy nghĩ về hình thức xử lý các vi phạm của học sinh. Nhiều em hành động bột phát, trẻ con, thiếu suy nghĩ. Vậy nên trong nội quy nhà trường có điều chỉnh lại, là nếu trong học kỳ đó, học trò có tiến bộ (theo xác nhận của thầy cô chủ nhiệm) thì sẽ được xóa "án" hoặc hạ mức kỷ luật.
Teen Việt Đức trong clip Chào 94 |
- Tức là ngay cả quy định của nhà trường cũng phải cập nhật, thay đổi liên tục theo tình hình mới?
- Đúng vậy. Và theo tôi, trong ngành giáo dục nên có những cảnh báo chung về các vấn đề tâm lý lứa tuổi học sinh hay gặp phải để mỗi trường đỡ phải lần mò tự tìm hiểu thông tin.
Ngoài tư vấn tâm lý cho học sinh thông qua trung tâm tư vấn Vala, mới đây, chúng tôi còn tổ chức một lớp trao đổi với cha mẹ về kinh nghiệm dạy dỗ và quản lý con cái. Phụ huynh rất thích, và đăng ký tham gia lớp cũng khá đông đảo.-
Theo Hoa học trò