Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Thế hệ lạc quan giữa nền kinh tế khó khăn

Báo cáo cho thấy Gen Z (sinh năm 1997-2012) là thế hệ lạc quan nhất về tình hình tài chính cá nhân của họ, ngay cả khi đối mặt với những dấu hiệu của khủng hoảng kinh tế.

Báo cáo cho thấy Gen Z là thế hệ lạc quan nhất, tin rằng tình hình tài chính của họ sẽ tốt hơn trong vòng 6 tháng tới. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Báo cáo Xu hướng Tiêu dùng Tài chính Toàn cầu do GWI, công ty nghiên cứu tại Anh, tổng hợp dựa trên khảo sát trực tuyến với người tiêu dùng toàn cầu. Kết quả cho thấy trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều bất ổn, 50% người tiêu dùng tham gia khảo sát tỏ ra bi quan, lo ngại rằng tình hình kinh tế chung sẽ tác động tiêu cực đến tài chính cá nhân, ngay cả khi họ vẫn có việc làm và thu nhập ổn định.

Tuy nhiên, Gen Z lại cảm thấy lạc quan về tình hình tài chính cá nhân của họ. Theo báo cáo từ GWI, 67% người thuộc thế hệ này tin rằng tình hình tài chính cá nhân của họ sẽ tốt hơn trong vòng 6 tháng tới. Thế hệ Millennials (sinh năm 1981-1996) đứng thứ 2 với 63%, tiếp theo là Gen X (sinh năm 1965-1980) với 52%, trong khi thế hệ Boomers (sinh năm 1944-1964) tỏ ra kém lạc quan nhất với chỉ 29%.

Đáng chú ý, 45% người trong độ tuổi 16-34 có kế hoạch khởi nghiệp. 52% những người lạc quan về tài chính cũng tỏ ra hào hứng với AI, cho thấy họ có xu hướng cởi mở và có tư duy đổi mới.

Dữ liệu khảo sát cho thấy thế hệ cuối 9X, đầu 2K ngày nay thực sự nghiêm túc trong việc tìm hiểu về tài chính cá nhân và đầu tư. Cụ thể, 59% Gen Z thường xuyên cập nhật tin tức kinh tế và thị trường, trong khi 47% đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực tài chính và đầu tư.

Sự quan tâm ngày càng lớn của Gen Z đối với lĩnh vực này giúp họ xây dựng nền tảng tài chính vững chắc hơn. So với năm 2017, Gen Z tại Mỹ và châu Âu đang có xu hướng quản lý tài chính hiệu quả hơn, với tỷ lệ sở hữu tiền mặt và tiền tiết kiệm tăng 11%, trong khi số người sử dụng thẻ tín dụng cũng tăng 21%.

Gen Z,  tai chinh,  ca nhan,  dau tu,  tiet kiem anh 1

Sự quan tâm ngày càng lớn của Gen Z đối với tài chính và đầu tư giúp họ xây dựng nền tảng tài chính vững chắc hơn. Ảnh: ANTONI SHKRABA production/Pexels.

Bên cạnh đó, hành vi đầu tư của thế hệ này cũng có nhiều thay đổi đáng kể. Trong vòng một năm qua, tỷ lệ Gen Z đầu tư vào vàng đã tăng 17%, còn tỷ lệ đầu tư vào cổ phiếu và chứng khoán cũng tăng 12%.

Điều này cho thấy những quan niệm cũ về việc Gen Z chỉ biết tiêu tiền vào trà sữa, matcha latte hay các dịch vụ giải trí trực tuyến là hoàn toàn sai lầm, GWI nhận định.

Khi mối quan tâm về tài chính tăng lên, 38% người tiêu dùng có xu hướng tìm đến các công cụ hỗ trợ tiết kiệm và đầu tư, nhằm đảm bảo tiền được quản lý hiệu quả trước khi họ vô tình “đốt tiền” vào những khoản không cần thiết.

Tỷ lệ này ở Gen Z cao hơn 14% so với mức trung bình, đồng thời nhu cầu tham gia các khóa học tài chính trực tuyến của họ cũng cao hơn 19%. Trong khi đó, Millennials và các thế hệ lớn hơn lại ưu tiên tham gia các hội thảo với chuyên gia tài chính.

Nhìn chung, nhu cầu hỗ trợ tài chính khác nhau phụ thuộc vào mức độ tự tin của mỗi nhóm khách hàng. Tại Anh và Mỹ, thế hệ lớn tuổi có xu hướng tự chủ hơn trong quản lý tiền bạc, với 60% thế hệ Boomers cho biết họ đã có kinh nghiệm và cảm thấy khá tự tin trong việc kiểm soát tài chính của mình.

Ngược lại, chỉ 37% Gen Z đạt được mức độ tự tin này, điều này lý giải vì sao họ có xu hướng tìm kiếm thêm sự hỗ trợ từ ngân hàng và các khóa học trực tuyến.

3 ác mộng tài chính thường trực của người trẻ

Nhiều người trẻ hiện phải đối mặt với 3 vấn đề tài chính chính: thiếu hụt tiền bạc do chi tiêu vượt kế hoạch trước các cám dỗ mua sắm trực tuyến; lâm vào nợ nần vì sử dụng thẻ tín dụng và các hình thức vay tiêu dùng dễ dãi; và làm việc quần quật nhưng không đạt được mục tiêu tài chính đề ra. Để giải quyết những vấn đề này, cuốn sách Làm chủ tiền bạc từ khi còn đi học của TS Vũ Minh Tú cung cấp các phương pháp quản lý tài chính cá nhân hiệu quả, giúp người trẻ kiểm soát chi tiêu, tránh nợ nần và đạt được mục tiêu tài chính.

Khánh An

Bạn có thể quan tâm