"Manifest" có thể là một trào lưu, nhưng khát vọng về thành công và hạnh phúc đã luôn tồn tại. Ảnh minh họa: Marc/Pexels. |
Sarah Perl (22 tuổi, Mỹ) tin rằng khoản tiền 5.000 USD cứu trợ Covid-19 cô nhận được từ chính phủ là thành quả của "manifest", việc chủ động tư duy và hành động để biến ước mơ thành hiện thực.
Nhờ sự tự tin này, Gen Z đã thành lập công ty chuyên huấn luyện manifest, và đạt được doanh thu gần 1 triệu USD chỉ trong năm nay, theo Fortune.
Quá trình sức mạnh ý chí bắt đầu từ việc cụ thể hóa mong muốn thông qua việc viết rõ ràng các mục tiêu, lặp lại những khẳng định tích cực như "tôi có thể làm được" hay "tôi xứng đáng có được" mỗi ngày. Tiếp theo, thực hành lòng biết ơn những điều tốt đẹp trong cuộc sống và bắt tay vào hành động từng chút một để đạt được ước mơ.
Trên TikTok, hiện hashtag #manifest đã đạt tới 26 tỷ lượt xem, cho thấy sức hút của phương pháp này đối với giới trẻ. Người theo đuổi "môn phái" này tin rằng họ có thể biến điều ước thành hiện thực bằng cách tập trung năng lượng vào mục tiêu và có hình dung rõ ràng về đích đến thành công.
Sự bùng nổ của trào lưu này được cho là hệ quả từ đại dịch Covid-19. Trong giai đoạn đầy bất ổn, nhiều người trẻ đã tìm đến phương pháp này như một đức tin, một tia hy vọng cho tương lai.
Song, trào lưu này cũng tồn tại nhiều bất cập. Giáo sư Tal Ben-Shahar, chuyên gia đào tạo về hạnh phúc tại ĐH Centenary (Mỹ), cho rằng thay đổi bản thân đòi hỏi nỗ lực thực tế chứ không chỉ từ lòng tin.
Manifest không chỉ là ngồi ước vọng viển vông mà đòi hỏi sự kiên trì, tin tưởng và cả những hành động cụ thể. Ảnh minh họa: Cottonbro/Pexels. |
Sống trong thời đại nhiều kỳ vọng
Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, bất ổn kinh tế xã hội và lo lắng về suy thoái bao trùm, nhiều người lao động cảm thấy kiệt quệ.
"Chúng ta lướt qua tin tức và bị choáng ngợp bởi quá nhiều thông tin, quá nhiều thảm kịch nằm ngoài tầm kiểm soát. Đột nhiên, một triết lý khác xuất hiện, hứa hẹn sự kiểm soát, trái ngược với thực tế thiếu vắng quyền lực", Giáo sư Tal Ben-Shahar nói.
Ông cho rằng chính cảm giác bất lực trước những vấn đề toàn cầu thôi thúc con người tìm kiếm sự kiểm soát trong cuộc sống cá nhân.
Được biết, ít nhất một nửa người lao động Mỹ đang sống bằng đồng lương ít ỏi. Những sinh viên cũng đối mặt với khoản vay học phí khổng lồ, thị trường nhà đất đầy khó khăn, khoản tiền hưu trí đắt đỏ và phải dựa vào sự trợ cấp tài chính từ gia đình.
"Những người tìm đến tôi và những người tin vào manifest, bao gồm cả bản thân tôi, đều không còn gì để mất", Sarah Perl chia sẻ.
"Manifest" không phải là một khái niệm mới. Suốt chiều dài lịch sử, con người đã luôn tìm kiếm những cách thức để đạt được ước muốn của mình, thông qua tôn giáo hay lời cầu nguyện.
Cổ xưa đã có niềm tin rằng con người có thể "vươn lên" bằng ý chí. Phúc Âm Thịnh Vượng, một nhánh của Kitô giáo giảng về việc Chúa sẽ ban thưởng vật chất cho những kẻ mộ đạo, đã xuất hiện từ cuối thế kỷ 19.
Trong cơn bão kỳ vọng của xã hội, manifest như một ngọn hải đăng le lói cho những người hy vọng có một cuộc sống dễ dàng hơn. Ảnh minh họa: Tima Miroshnichenko/Pexels. |
Những ví dụ hiện đại hơn như cuốn sách The Secret của Rhonda Byrne năm 2006, giới thiệu luật hấp dẫn, và xu hướng tập trung vào việc xây dựng sự tự tin để đạt được ước muốn.
Tín niệm về việc con người có thể "chiêu dụ" vận may tốt đẹp bằng suy nghĩ tích cực đã có từ lâu đời. Nhưng trên nền tảng mạng xã hội, phương thức này bị đơn giản hóa thành "muốn là có được".
TikToker Zamaria Thompson (28 tuổi), huấn luyện viên manifest, bày tỏ việc đôi khi trào lưu dùng sức mạnh ý chí trên TikTok trở thành biến thể mới khiến cô khó chịu.
"Không chỉ đơn giản là ước một điều và hy vọng nó sẽ thành sự thật, đây là sự luyện tập tâm trí và hệ thần kinh để tin rằng những giấc mơ có thể trở thành hiện thực", Thompson nói.
A. Raheim White vượt qua khó khăn bằng việc thay đổi tư duy. Ảnh: A. Raheim White. |
Dùng sức mạnh ý chí một cách thực tế
Chuyên gia trị liệu tâm lý A. Raheim White cho rằng manifest không phải giải pháp tức thời, vấn đề sẽ không được giải quyết nếu thiếu đi sự nỗ lực.
Là con cả trong gia đình 14 người, sống tại Chicago (tiểu bang Illinois, Mỹ), White có một tuổi thơ đầy khó khăn. Gia đình nghèo khó, anh có nhiều đêm ngủ nhịn đói, thường xuyên bị bắt nạt và đối mặt với nhiều thử thách khi lớn lên với giới tính thứ ba.
"Tôi phải rất nỗ lực để thoát khỏi tiềm thức nghèo đói, ngừng tranh cãi về những hạn chế của mình. Tôi đã ngừng nhìn nhận màu da của mình và coi giới tính của bản thân là lợi thế thay vì góc nhìn tiêu cực là một thách thức", anh chia sẻ.
Giáo sư Tal Ben-Shahar đồng ý tầm quan trọng của việc thay đổi góc nhìn trong cuộc sống, tuy nhiên ông nhấn mạnh điều quan trọng là phải có tính thực tế.
“Bạn có thể tưởng tượng mình hạnh phúc, nhưng đồng thời, hãy tưởng tượng mình cần làm những gì để thực sự trở nên hạnh phúc hơn. Và nếu sự tượng tưởng thiếu tính thực tế, bạn sẽ không đạt được điều gì kể cả thành công hay hạnh phúc", ông nói.
Trên thực tế, nhiều người dạy về phương pháp này thường vẽ ra những viễn cảnh lý tưởng về cuộc sống, nhưng lại ít đề cập đến những khó khăn và thử thách có thể gặp phải.
Sarah Perl từng sống trong gia đình có thu nhập chỉ 17.000 USD/năm. Thay vì chìm trong tuyệt vọng, cô thừa nhận trong hoàn cảnh khó khăn, thay đổi tư duy là điều duy nhất cô có thể kiểm soát.
Gen Z cho rằng khoản đầu tư cho các khoá học manifest cũng tương tự chi phí đi học đại học. Dù điều này không đảm bảo thành công nhưng có thể xem phương pháp này như công cụ hỗ trợ phát triển bản thân, mang lại những lợi ích nhất định về mặt tinh thần.
Gen Z quan tâm đến thế giới nội tâm nhiều hơn trước
Nguyễn Đoàn Minh Thư, tác giả của cuốn sách Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều là một người trẻ, một Gen Z sinh năm 2000. Cô tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Tâm lý tại Đại học East Anglia và hiện làm thực tập sinh tư vấn tâm lý cho Bộ Y tế Anh (National Health Service). Minh Thư cho biết câu chuyện được viết từ chính trải nghiệm của cô và nhấn mạnh mỗi người chỉ có thể cảm thấy hạnh phúc và bình yên khi hiểu chính mình.