Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thế hệ MZ chưa nhiều tiền, thích hàng hiệu ở Hàn Quốc

Mức tiêu thụ đồ xa xỉ tại Hàn Quốc tăng cao do thế hệ MZ ngày càng thể hiện sự yêu thích và am hiểu về hàng hiệu.

Số liệu từ Công ty nghiên cứu toàn cầu Euromonitor International cho thấy thị trường hàng xa xỉ tại Hàn Quốc đã đứng ngoài cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu do đại dịch.

Năm 2020, ngành công nghiệp này đạt tổng giá trị 12,5 tỷ USD, thay đổi rất ít so với mức 12,52 tỷ USD vào năm 2019. Trong khi đó, vào năm 2018, ngành hàng đạt 12,24 tỷ USD.

Theo The Korea Times, tình hình nêu trên hoàn toàn trái ngược với thực tế của thị trường hàng xa xỉ cá nhân trên thế giới với mức giảm 23% từ 318,6 tỷ USD (năm 2019) xuống còn 246 tỷ USD (năm 2020).

The he MZ tai Han Quoc anh 1

Cô gái tại cửa hàng Chanel, khu mua sắm Myeongdong, Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Getty.

Bối cảnh đại dịch cũng chứng kiến sự bùng nổ doanh số bán hàng xa xỉ trên các kênh thương mại điện tử. Hàng loạt nền tảng mới đã xuất hiện, chen chân vào cuộc cạnh tranh bán sản phẩm từ những thương hiệu hàng đầu thế giới.

Theo đó, doanh số bán hàng trực tuyến chiếm khoảng 10,6% trên thị trường hàng xa xỉ, vượt xa con số 8,6% vào năm 2016. Đặc biệt, trong năm 2020, thị trường hàng hóa hàng hiệu trực tuyến đã tăng 11% so với 2019, ước tính đạt 1,6 nghìn tỷ won (1,34 tỷ USD).

Thế hệ MZ

Giáo sư Suh Yong-gu, Đại học Nữ sinh Sookmyung, giải thích sự tăng trưởng của thị trường hàng xa xỉ tại Hàn Quốc được quyết định bởi thế hệ người tiêu dùng MZ - một thuật ngữ được sử dụng mới đây chỉ cả gen Millennials (những người sinh năm 1981-1995) và Gen Z (những người sinh năm 1996-2005).

"Phần lớn người tiêu dùng trên thị trường hàng xa xỉ là thế hệ MZ. Họ chưa có đủ tiềm lực về tài chính, thu nhập để mua hàng hiệu một cách mạnh tay. Tuy nhiên, so với thế hệ cũ, họ chuộng hàng hiệu và sẵn sàng mua sắm nhiều hơn", giáo sư Suh nói trên The Korea Times.

"Thế hệ MZ có thể mua sắm linh hoạt, 'vung tiền' cho hàng hiệu nhiều hơn bởi đã có thể tiết kiệm từ việc không đi du lịch do Covid-19. Đồng thời, đó còn là tâm lý mua sắm trả thù sau đại dịch", ông giải thích thêm.

The he MZ tai Han Quoc anh 2

Khách hàng xếp hàng để vào một trung tâm mua sắm tại Seoul ngày 6/10. Ảnh: The Korea Times.

Để có được một vị trí trong thị trường hàng hiệu đang phát triển, các tập đoàn đang nhanh chóng dồn lực vào các kênh mua sắm trực tuyến của mình.

Lotte Duty Free, công ty con của Tập đoàn Lotte, đã mở nền tảng mua sắm trực tuyến hạng sang đầu tiên mang tên "Sogong 1st Ave" vào đầu tháng 12. Đây là nơi tập trung của khoảng 30 thương hiệu cao cấp như Valentino, Moncler, Alexander McQueen và Fendi.

Những "gã khổng lồ công nghệ" như Naver và Kakao cũng đã và đang bổ sung thêm nhiều thương hiệu cao cấp vào các nền tảng thương mại điện tử của mình.

Naver ra mắt một mục mới dành riêng cho hàng hiệu trên nền tảng mua sắm Naver vào tháng 7, trong khi đó Kakao cũng mở các gian hàng chính hãng như Tiffany & Co., Mulberry trên nền tảng.

Giáo sư Suh lưu ý rằng các kênh bán hàng hiệu đa dạng như trên đã kích hoạt chu kỳ tăng cung và cầu.

"Trước đây, hầu hết mọi người phải đến cửa hàng, đôi khi phải xếp hàng mới có thể mua hàng hiệu. Giờ đây, khi các kênh cung ứng trở nên đa dạng hơn, nhiều người đã gia tăng nhu cầu mua sắm so với trước", ông nói.

Cạnh tranh

Trong bối cảnh cạnh tranh, những nền tảng bán hàng hiệu trực tuyến như Mustit, Trenbe, Balaan và Catch Fashio cũng đang cố gắng thu hút khách hàng nhằm phát triển doanh thu. Cách thức được ưa chuộng đó chính là thuê ngôi sao tên tuổi làm người đại diện thương hiệu.

Mustit bắt đầu chiến dịch quảng cáo với ngôi sao của loạt phim Netflix "Kingdom", Ju Ji-hoon, vào tháng 8. Công ty tiết lộ đã kiếm được 32 tỷ won (27 triệu USD) chỉ một tháng sau khi chiến dịch ra mắt và số lượng người dùng đăng ký mới đã tăng 66% so với tháng trước.

Trong khi đó, Catch Fashion chứng kiến ​​mức tăng vọt đến 183% về lượng người dùng mới sau một tháng hợp tác cùng nam diễn viên Jo In-sung trong chiến dịch quảng cáo vào tháng 9.

Nền tảng Trenbe, do nữ diễn viên Kim Hee-ae làm đại diện, cũng có lượng giao dịch tăng khoảng 4,2 tỷ won so với tháng trước.

The he MZ tai Han Quoc anh 3

Hàng dài khách hàng chờ đợi bên ngoài cửa hàng Louis Vuitton tại Lotte Department Store. Ảnh: The Korea Economic Daily.

Kim, một người thường xuyên mua hàng hiệu trực tuyến, nhận xét hoạt động quảng cáo trên các nền tảng sẽ làm tăng độ tin cậy của khách hàng đối với hàng hóa giá trị cao, thứ mà trước đây mọi người thường thích mua trực tiếp.

"Các nền tảng đảm bảo sản phẩm của mình là hàng thật, cho biết sẽ hoàn tiền nếu có hàng giả. Vì vậy, tôi có thể đặt niềm tin vào các dịch vụ này khi mua hàng.

Mua sắm trực tuyến rất tiện lợi vì tôi không phải xếp hàng chờ đợi, một số nền tảng còn có khuyến mại. Gần đây, tôi có thể dễ dàng tìm thấy hầu hết hàng hóa bán ngoại tuyến trên các nền tảng trực tuyến. Vì vậy, tôi cảm thấy không cần phải mua sắm trực tiếp nữa", Kim nói.

Sự đầu tư vào các nền tảng mua sắm hàng hiệu trực tuyến cũng tăng rất nhanh. Tổng số vốn đầu tư mà bốn nền tảng Mustit, Trenbe, Balaan và Catch Fashion nhận được đã lên tới hơn 150 tỷ won.

Balaan đã huy động được 32,5 tỷ won vào tháng 11, nâng tổng số tiền được đầu tư của mình lên 48,5 tỷ won. Trong khi đó, Trenbe thu về 40 tỷ won, Catch Fashion 38 tỷ won và Mustit 28 tỷ won.

Tuy nhiên, dù việc kinh doanh hàng hiệu đang phát triển, giáo sư Suh vẫn cảnh báo rằng thị trường này có thể phải đối mặt với sự suy thoái hậu đại dịch.

"Khi chúng ta bước vào thế giới hậu đại dịch, mọi người có thể đi du lịch nước ngoài mà không bị hạn chế. Họ có thể vào các cửa hàng để mua sắm trực tiếp, việc kinh doanh trực tuyến nhiều sẽ không còn nhiều ưu thế nữa, trừ khi mức giá rẻ hơn", ông nói.

"Điều này có nghĩa là tốc độ tăng trưởng trong ngành có thể sẽ không còn cao như hiện tại. Tuy vậy, mức tiêu thụ hàng xa xỉ nói chung vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới, do thế hệ MZ ngày càng thể hiện sự yêu thích và am hiểu về hàng hiệu", ông nhận định thêm.

Người dân TP.HCM đi dạo, ngồi uống cà phê trong tiết trời se lạnh

Người dân TP.HCM cảm nhận rõ ràng sự thay đổi nhiệt độ từ đầu năm đến nay. Không khí se se lạnh cùng với làn gió mát khiến họ thích thú.

Thục Hạnh

Bạn có thể quan tâm