Dù có thể đến văn phòng nhiều hơn để học hỏi và giao lưu, Gen Z cũng không ngại nghỉ ốm khi cần thiết. Ảnh minh họa: Chat Work. |
Gen Z đang tạo nên một làn sóng mới trong văn hóa công sở, mạnh dạn ưu tiên sức khỏe thể chất và tinh thần hơn các thế hệ trước. Không chỉ sẵn sàng xin nghỉ ốm khi cần thiết, thế hệ sinh năm 1997-2012 còn chủ động tìm kiếm những khoảng nghỉ dài hơi ngay từ giai đoạn đầu sự nghiệp.
Theo dữ liệu từ nên tảng nhân sự Dayforce, số ngày nghỉ ốm đã tăng 55% vào năm 2023, so với năm 2019, tại một số công ty Mỹ.
Gusto, một nền tảng nhân sự khác, cũng ghi nhận kết quả tương tự, với 30% nhân viên văn phòng đã nghỉ ốm vào năm ngoái, tăng 42% so với năm 2019. Đặc biệt, nhóm tuổi 25-34 có xu hướng nghỉ ốm nhiều hơn các đồng nghiệp lớn tuổi.
Gen Z còn dẫn đầu trong việc xin nghỉ phép dài hạn. Theo Gusto, nhóm 22-26 tuổi có tỷ lệ nghỉ phép dài hơi cao nhất, tiếp theo là nhóm 27-34 tuổi, Business Insider đưa tin.
Sức khoẻ được ưu tiên
Đại dịch Covid-19 là nguyên nhân tác động mạnh mẽ đến nhận thức về sức khỏe của mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Theo Kenneth Matos, Giám đốc nghiên cứu thị trường tại HiBob, điều này cũng phản ánh xu hướng giới trẻ ngày càng quan tâm đến sức khỏe và tránh các hoạt động tiềm ẩn rủi ro.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy số người trẻ tuổi nghỉ việc vì sức khỏe, bao gồm cả sức khỏe tâm thần, đã tăng gấp đôi từ năm 2013. Phân tích từ ComPsych cũng chỉ ra số ngày nghỉ phép liên quan đến sức khỏe tâm thần đã tăng đột biến 300% từ năm 2017 đến 2023.
Chứng kiến nhiều đợt sa thải, Gen Z không còn tin vào việc hy sinh cho công việc sẽ được đền đáp xứng đáng. Ảnh minh họa: Xie Peiying. |
Theo Michelle Quist Ryder, CEO của Quỹ Tâm lý học Mỹ đại dịch đã làm gia tăng đáng kể tình trạng lo âu và kiệt sức, khiến mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, quan tâm hơn đến sức khỏe tinh thần và thể chất.
Bên cạnh đó, Gen Z cũng đang định hình lại mối quan hệ giữa nhân viên và nhà tuyển dụng. Chứng kiến làn sóng sa thải, thế hệ này có xu hướng đặt câu hỏi về giá trị của việc cống hiến hết mình.
"Niềm tin vào việc hy sinh cho công việc sẽ được đền đáp đang giảm dần. Khi ai đó nói 'Tôi sẽ không nghỉ ốm và sẽ làm việc từ xa', họ sẽ tự hỏi 'Tôi sẽ nhận được gì từ việc này?'", Matos nhận định.
Dù có thể đến văn phòng nhiều hơn để học hỏi và giao lưu, Gen Z cũng không ngại nghỉ ốm khi cần thiết. Thậm chí, nhân viên làm việc từ xa còn sử dụng ngày nghỉ ốm nhiều hơn, cho thấy áp lực làm việc tại nhà và đồng thời, một môi trường làm việc có phần thoải mái hơn.
Áp lực nhãn mác "nhân viên lý tưởng"
Brittany Schmaling, chuyên gia phân tích dữ liệu tại Dayforce, nhận định môi trường làm việc linh hoạt có thể khuyến khích nhân viên sử dụng quyền nghỉ phép một cách thoải mái hơn.
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn có được đặc quyền này.
Nhân viên làm việc trực tiếp, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ, thường không được hưởng lương khi nghỉ ốm, khác xa với những người làm việc văn phòng.
Thực tế này cho thấy nhiều doanh nghiệp có thể học hỏi từ Gen Z về việc coi trọng sức khỏe nhân viên. "Chủ nghĩa hiện diện", tức là nhân viên vẫn đi làm khi bị ốm, không chỉ gây hại cho sức khỏe của họ mà còn ảnh hưởng đến năng suất lao động và hiệu quả của cả tổ chức.
Các nhà quản lý thường đánh giá cao sự hiện diện, và tập trung quá nhiều vào sức khỏe tinh thần có thể khiến nhân viên bị đánh giá thấp. Ảnh minh họa: Xie Peiying. |
Việc dành thời gian nghỉ ngơi cần thiết đi ngược lại một số đặc điểm độc hại nhất của văn hóa làm việc Mỹ.
Mọi người thường chọn "kỳ nghỉ yên tĩnh" (quiet vacations) thay vì nghỉ phép thực sự vì sợ bị coi là không đủ tận tụy với công việc. Áp lực trở thành "nhân viên lý tưởng" luôn thường trực, khiến nhiều người hy sinh sức khỏe để đáp ứng kỳ vọng.
Theo Mindy Shoss, giáo sư tâm lý học tại Đại học Central Florida, văn hóa làm việc tại Mỹ thường coi việc làm quá sức là biểu hiện của sự tận tụy. Điều này càng trở nên nghiêm trọng khi người lao động lo sợ mất việc. Những người cảm thấy bất an về công việc thường có xu hướng tiếp tục làm việc ngay cả khi họ bị ốm.
Dù Gen Z đang tạo ra thay đổi tích cực, nhưng không có gì đảm bảo xu hướng này sẽ tồn tại lâu dài. Văn hóa làm việc có thể thay đổi, và các nhà quản lý vẫn coi trọng sự hiện diện. Nhân viên cần cân nhắc giữa việc bảo vệ sức khỏe và duy trì sự nghiệp.
Song, thực tế cho thấy ngay cả những người không thuộc Gen Z cũng đang phải đối mặt với áp lực công việc và bệnh tật. Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần xem xét lại cách chúng ta làm việc và sống, đặt sức khỏe lên vị trí ưu tiên hàng đầu.
Theo Tâm lý học tích cực, khoa học hạnh phúc không phải cái gì cao siêu, to tát. Thực ra, hạnh phúc ở ngay trong bản thân ta, và quanh ta. Lifestyle giới thiệu tác phẩm "100 cách sống hạnh phúc". Cuốn sách là những chỉ dẫn thiết thực để sống hạnh phúc, thông qua thói quen, luyện tập cơ thể, tư tưởng tích cực, hoạch định tương lai và xây dựng các mối quan hệ.