Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Thế hệ vay tiền để du lịch

25% người Mỹ cho rằng vay nợ để du lịch là việc làm xứng đáng, trong đó thẻ tín dụng là nguồn tiền vay phổ biến nhất, theo nghiên cứu năm 2023 từ trang tài chính WalletHub.

Nhiều người trẻ cho rằng việc vay nợ để phục vụ cho nhu cầu du lịch là điều xứng đáng. Ảnh: Art House Studio/Pexels.

Mặc cho đang thất nghiệp, Lisa Fraser (30 tuổi, người Mỹ) vẫn đến Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), Budapest (Hungary) và New York (Mỹ) trong cùng một năm để du lịch.

"Không có tiền cũng không sao. Tôi không bao giờ từ bỏ những điều mình muốn trong hành trình", cô nói trên CNN.

Fraser cho rằng mình là một "nạn nhân" của FOMO (fear of missing out - hội chứng sợ bỏ lỡ). Cô không muốn bị bỏ lại khi bạn bè nghỉ dưỡng ở đâu đó mà không có mình. Không những vậy, cô cũng không nằm ngoài xu hướng check-in tại những cửa hàng, quán xá, địa điểm "hot trend" trên mạng xã hội.

FOMO

Alex King, người sáng lập trang web tài chính cá nhân Generation Money, dùng cụm từ "doom spending" (tạm dịch: tiêu xài vô nghĩa) để mô tả xu hướng chi tiêu nêu trên của một bộ phận người tiêu dùng.

"Họ cho rằng mình được phép nợ nần và thế hệ của mình đã bị đối xử bất công. Họ không lo sợ về rủi ro thẻ tín dụng. Họ đâu quan tâm nhiều về việc mắc nợ", ông nói.

King còn nhận định chính phương tiện truyền thông xã hội đã thay đổi cách suy nghĩ của nhiều người về du lịch. Dân du mục kỹ thuật số, KOL và content creator tạo cảm giác như việc du lịch khắp nơi sẽ khả thi cho tất cả.

du lich anh 1

Cảnh đông đúc tại một phố Tàu (China Town) ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Faheem Ahamad/Pexels.

Elizabeth Currid-Halkett, giáo sư chuyên ngành Chính Sách Công tại Đại học Nam California, tác giả của cuốn The Sum of Small Things: A Theory of the Aspirational Class (tạm dịch: Tổng hợp những điều nhỏ nhặt: Lý thuyết về thế hệ khát vọng), tin rằng xu hướng du lịch hiện tại chuyển từ "tùy chọn" sang "ưu tiên". Bà nhận định trào lưu này bắt đầu trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2000 và tăng đột biến sau đại dịch Covid-19.

"Chúng ta không thể dự đoán được cách đại dịch ảnh hưởng đến các thế hệ khác nhau. Lối suy nghĩ ‘bạn bè rất quan trọng’, ‘cuộc sống đầy ý nghĩa’, ‘sống một cuộc sống tốt đẹp quan trọng nhường nào’... dẫn đến sự thay đổi trong cách mọi người chi tiêu tiền", bà cho hay.

Trong một phỏng vấn năm 2017, Tim Gurner, ông trùm bất động sản người Australia, từng ngụ ý về Gen Y rằng họ không đủ khả năng cho những khoản chi lớn như mua nhà vì đã "đốt" toàn bộ thu nhập của mình vào tiêu dùng ngắn hạn.

Chia sẻ của Gurner lan truyền rộng rãi, nhưng nhiều người lại cho rằng giá nhà tăng "phi mã" trong khi tiền lương vẫn trì trệ mới thực sự là lý do khiến những người trẻ không đủ khả năng mua nhà, chứ không phải vì đơn đặt hàng bữa brunch của họ.

Currid-Halkett nêu thêm quan điểm: "Phần lớn người trẻ hiện nay tư duy ‘Tôi không thể mua nhà, tôi không chắc mình có đủ khả năng chi trả cho việc học đại học hay sau đại học hay không. Vì vậy, tôi sẽ đến Tây Ban Nha và du lịch bụi. Điều này chẳng thấm vào đâu so với khoản nợ mà tôi phải gánh chịu cho những thứ khác’".

Đi trước, trả sau

Xu hướng "du lịch ngay, trả tiền sau" (travel now, pay later - TNPL) tiếp tục thu hút sự quan tâm của du khách, dẫn đến sự gia tăng đáng kể về mức độ phổ biến của loại hình này trong các công ty lữ hành.

Một trong những dịch vụ TNPL cho phép du khách thanh toán một chuyến bay đắt tiền bằng thẻ tín dụng và trả sau, hay có thể đăng ký các chương trình trả góp thông qua bên thứ ba. Những dịch vụ này được nhiều hãng hàng không chấp nhận và tin rằng đó là cách chi tiêu thông minh.

Rikant Pittie, nhà đồng sáng lập nền tảng du lịch trực tuyến EaseMyTrip, cho biết người dùng có xu hướng lựa chọn hình thức trả góp hàng tháng (EMI) trong khoảng thời gian 12-18 tháng với lãi suất dao động từ 1,25%/tháng đến 12-30%/năm, theo Businesstoday.

du lich anh 2

Mô hình "du lịch ngay, trả tiền sau" được quan tâm ở nhiều công ty lữ hành. Ảnh: Nappy/Pexels.

Đại điện nền tảng này cũng cho hay một tỷ lệ đáng kể người tham gia TNPL là Gen Z, những người có xu hướng mạnh mẽ trong việc khám phá những điểm đến mới.

Tuy nhiên, theo chuyên gia, các chương trình TNPL có liên quan đến lãi suất cao, tiền gửi không hoàn lại và thiếu luật bảo vệ người tiêu dùng. Họ cảnh báo người dùng về các khoản phí ẩn khi thay đổi kế hoạch và các điều khoản, điều kiện khác khi đăng ký các tùy chọn này.

"Khi đặt chuyến đi, nhiều công ty yêu cầu thanh toán trước, thường là một tỷ lệ phần trăm của tổng chi phí, không được hoàn lại. Nếu du khách quyết định không đi chuyến đi hoặc thay đổi kế hoạch của bạn, họ sẽ không được hoàn lại tiền đặt cọc đó. Ngoài ra, họ có thể phải chịu thêm phí hoặc hình phạt cho việc hủy hoặc thay đổi", Pittie từ EaseMyTrip cho biết.

Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.

> Xem thêm: Sách cho người xê dịch

Thái Lan muốn khách ở lâu hơn, chi nhiều hơn

Thái Lan tung ra thị thực 5 năm mới, đồng thời nới lỏng chính sách thị thực cho nhiều quốc gia nhằm thu hút người làm việc từ xa và du khách lưu trú dài hạn.

Cảnh du khách đánh nai gây phẫn nộ ở Nhật Bản

Ngày 21/7, mạng xã hội lan truyền mạnh mẽ đoạn video ghi lại cảnh một du khách có hành vi thô bạo với hươu Nara khiến dư luận bức xúc.

Quỳnh Trang

Bạn có thể quan tâm