Học sinh hoang mang, thầy giáo lúng túng trước "ma trận" đề thi. |
“Chúng tôi đang ở trong ma trận”
Ông Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng trường THPT Wellspring (Hà Nội) cho biết, với dạng đề như lãnh đạo Bộ nói, Văn có 2 câu, đọc hiểu và bài làm văn.
Ngay bản thân tôi, với phần đọc hiểu, tôi vẫn chưa hiểu là Bộ sẽ làm theo kiểu cũ hay làm theo kiểu khảo sát PISA của Hoa Kỳ. “Nhìn chung, học sinh hoang mang, thầy giáo lúng túng”, ông Đại nói.
Đặc biệt, trong tài liệu hướng dẫn ôn tập môn Văn và Ngoại ngữ mà Bộ vừa đưa ra, chưa thấy thể hiện những đổi mới mà Bộ nói vừa qua.
Ông Đại cho biết: "Năm nay, ngay với môn tiếng Anh, hướng dẫn ôn tập cũng chung chung, chưa thể hiện cái đổi mới như Bộ đã nói - đề thi gồm một phần trắc nghiệm như mọi năm, một phần là viết luận. Theo ông Đại, mọi thứ còn “bùng nhùng hơn cả một ma trận”.
Kết luận vấn đề, ông Đại nêu: “Tôi không phủ nhận có khái niệm ma trận và nói nghe có vẻ rất khoa học nhưng, chắc Thứ trưởng không đến mức nói nghĩa bóng của 2 từ này, chắc ông yên tâm giáo viên biết về ma trận rồi nhưng ông lại không biết rằng có những môn không có ma trận và cũng không biết rằng thầy trò chúng tôi đang ở trong một ma trận khác, không tìm được đường ra”.
Chưa hề yên với đổi mới tuyển sinh
Trong một cuộc hội thảo về đổi mới tuyển sinh do Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG HN) tổ chức, ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó GĐ ĐHQG TPHCM nói: Năm 2013 trong 353 trường ĐH, CĐ có tuyển sinh, hơn 1/3 số trường đạt tỷ lệ nhập học dưới 50% chỉ tiêu, trong đó bậc ĐH có 25 trường và tất cả đều là các trường ngoài công lập (NCL).
Liền sau đó là một cuộc đấu tranh của nhiều trường NCL đòi bỏ điểm sàn tuyển sinh, đòi bỏ thi ba chung, đòi tự tuyển sinh… Kết quả là, từ 3 nhóm tuyển sinh năm 2013 đến năm 2014 Bộ đã đưa ra 5 nhóm tuyển sinh với gần 470 trường ĐH, CĐ.
Ông Nghĩa dẫn ra 5 nhóm: Trường có tổ chức thi chung và chỉ xét tuyển theo kết quả thi chung và nhóm trường không tổ chức thi chỉ xét tuyển theo kết quả thi chung (gần 400 trường); Trường tổ chức xét tuyển hoặc thi tuyển theo tiêu chí riêng, không dùng kết quả thi ba chung (nhóm này chỉ hơn 10 trường); 2 nhóm còn lại chiếm khá lớn là trường có tổ chức thi chung, xét tuyển theo kết quả thi chung và dành một phần chỉ tiêu xét tuyển theo tiêu chí riêng và nhóm trường không tổ chức thi chung, xét tuyển theo kết quả thi chung và dành một phần chỉ tiêu xét tuyển theo tiêu chí riêng (hầu hết đều căn cứ vào kết quả học tập phổ thông và kết quả thi tốt nghiệp - phần lớn cũng là trường NCL).
Một phụ huynh ở Hà Nội, chị Tạ Phương Lan cho biết: Rất lo lắng với những đổi mới hiện nay của ngành GD&ĐT. Chị kể, trước đây, nhà trường cứ cho các bộ đề Văn theo chương trình, học sinh tự luyện, trong khi bộ đề cũng rất nhiều. Bản thân chị cũng sưu tầm các bộ đề của nhiều năm trước, từ 5-7 cuốn, mỗi cuốn dày 5-7 cm, đó là chưa kể đề lấy trên mạng… để cho con ôn tập.
“Nay thay đổi thế này, các cháu lo lắng, phụ huynh thì rất hoang mang”, chị Phương Lan nhận xét. “Tôi nghĩ, các đề thi nên theo một hướng cơ bản và có 1-2 câu thể hiện tài năng. Nếu đưa các con vào “ma trận” như đã nói, thì rõ là đánh đố. Các con không đỗ tốt nghiệp thì sẽ đi đâu?”, chị Phương Lan lo lắng.
Theo ông Nghĩa, sự phức tạp kể trên đòi hỏi thí sinh phải căng ra tham khảo thông tin của từng trường vì sự phân bổ chỉ tiêu để xét tuyển theo kết quả phổ thông và điểm thi tốt nghiệp THPT của các trường là rất khác nhau. Ví dụ, có trường dành 25% -30%, nhưng có trường như ĐH Đà Nẵng dành 50% và ĐH quốc tế Sài Gòn dành tới 60% chỉ tiêu… Xét ở góc độ nào đó, đây dường như cũng là một loại “ma trận”!
Theo ông Nguyễn Đức Nghĩa, trong việc công bố đề án tuyển sinh, có lẽ, bộ phận quản lý còn rất lúng túng. Chứng minh điều này, ông Nghĩa phân tích: Tại hội nghị tổng kết năm học diễn ra tháng 12/2013, Bộ công bố: Trường nào muốn tuyển sinh riêng phải trình đề án trước 10/2/2014 và Bộ sẽ công bố đề án được duyệt trước 10/3. Đến 10/2 có 31 trường nộp hồ sơ và có 25 trường đạt yêu cầu, trong đó có 10 trường đã tuyển sinh riêng từ năm ngoái. Đến 15/3, Bộ công bố 53 trường ĐH, CĐ được xây dựng đề án tuyển sinh riêng, ngày 18/3 bổ sung thêm 9 trường.Không cần quan tâm đến “nạn nhân”
Nhận xét về việc đổi mới trong cách ra đề thi ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, ông Nguyễn Đình Đại, người có bề dày làm quản lý THPT, nói: Bộ làm gấp quá và không nghĩ đến đối tượng phải thực hiện là học trò. Không thể nói chung chung là học sinh đã được học cả năm rồi gặp đề thế nào thì làm thế. Đổi mới thì giáo viên phải biết để dạy, học trò phải được luyện tập.
Nếu thực sự quan tâm và đứng vào vị trí người học thì phải công bố rành mạch từ đầu năm học, hoặc ít nhất là sau Tết âm lịch để người dạy và người học kịp chuyển mình.
Nay đã là giữa tháng 4, đầu tháng 6 thi, trong khi vẫn chưa kịp hiểu, chưa thấy hình hài của “ma trận” đã công bố đâu thì đã bị ném vào một ma trận mới vì chưa tìm cho mình một con đường đi trong ôn tập, và với đầy sự nghi ngờ: 2 môn đã nói rất rõ là sẽ thay đổi nhưng hướng dẫn chả có gì là thay đổi; vậy các môn khác thế nào… Đổi mới không có tính minh bạch thế này khác nào đánh đố cả thầy lẫn trò!