Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thí sinh hối hả nộp, rút hồ sơ xét tuyển

Sau khi nộp hồ sơ, nhiều thí sinh và phụ huynh ở tỉnh xa đã phải thuê nhà trọ, ở nhà người quen… để cập nhật tình hình xét tuyển, rút hồ sơ nộp vào trường khác.

Sáng 5/8, sau khi ĐH Sư phạm TP HCM công bố thống kê sơ bộ số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển của các ngành, nhiều thí sinh đã đến xin rút hồ sơ để chuyển qua trường khác.

Phía Nam: Tất bật vào ra

Sáng 5/8, thí sinh Bùi Thị Thanh Vân (THPT Hòa Đa, tỉnh Bình Thuận) đến ĐH Sư phạm TP HCM rút hồ sơ xét tuyển. Vân chia sẻ: “Em chọn nguyện vọng 1 vào ngành sư phạm địa lý theo tổ hợp các môn Toán, Ngữ văn và Địa lý vì nghĩ rằng tổ hợp mới sẽ ít người đăng ký. Tuy nhiên, tới sáng nay khi tham khảo danh sách đăng ký sơ bộ trên trang web của trường thấy nhiều bạn điểm cao quá nên em quyết định lên trường rút hồ sơ ngay để chuyển qua trường khác”.

Rút hồ sơ nguyện vọng 1 như thế nào?

Khi có nhu cầu, thí sinh phải đến trường đại học, cao đẳng hoặc ủy quyền (bằng văn bản) cho người thân đến trường rút hồ sơ.

Cũng trong sáng 5/8, thí sinh Y Sa Niê (TP Buôn Ma Thuột) đến ĐH Kinh tế TP HCM rút hồ sơ xét tuyển. Niê cho biết, em đón xe đò đến TP HCM từ ngày 3/8, nộp hồ sơ xong về ở nhờ nhà bạn từ đó đến nay. 

“Em được 19,25 điểm trong khi danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển trường công bố trên trang web có điểm quá cao. Em nghĩ khó mà đậu được nên tới rút hồ sơ để nộp vào trường khác”- Y Sa Niê nói.

Tương tự, thí sinh Hoàng Thị Ý Nhi (Đồng Nai), ngày 3/8, lên TP HCM nộp hồ sơ vào ĐH Sài Gòn và trọ lại nhà người quen để theo dõi tình hình. Sau khi trường công bố hồ sơ xét tuyển, sáng 5/8 Nhi quyết định rút hồ sơ rồi tiếp tục nộp vào ĐH Tôn Đức Thắng và về nhà. “Nếu như bên trường này em lại xếp thứ hạng thấp, em sẽ lại chạy lên TP.HCM để rút ra và nộp vào trường khác”- Nhi cho biết.

Thí sinh và phụ huynh đến nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển tại Trường ĐH Sài Gòn sáng 5/8. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Theo ghi nhận, sau khi các trường công bố danh sách thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển, nhiều thí sinh đã đến các trường để rút hồ sơ, nhất là những trường có lượng hồ sơ nhiều.

PGS.TS Nguyễn Minh Hà, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, ĐH Mở TP HCM, cho biết, đến ngày 5/8, khoảng 34 thí sinh rút hồ sơ, trong khi số thí sinh yêu cầu điều chỉnh nguyện vọng sang ngành khác rất nhiều. 

“Trong trường hợp rút hồ sơ, thí sinh ở tỉnh, thành xa sẽ được ưu tiên xử lý hồ sơ trước; thí sinh ở TP HCM sẽ phải chờ đợi nhưng chậm nhất là giải quyết trong một buổi”.

Tại ĐH Công nghiệp TP HCM, tính đến hết ngày 58, 102 thí sinh đến trường rút hồ sơ. Ông Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng Đào tạo của trường, cho biết, thí sinh đến trường rút hồ sơ sẽ được giải quyết nhanh chóng. Ngoài việc trả hồ sơ, dữ liệu về thí sinh trên hệ thống cũng được xóa để thí sinh có thể nhanh chóng nộp hồ sơ xét tuyển vào trường khác.

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Thái, chuyên viên phòng đào tạo, ĐH Kinh tế TP HCM, cho biết, trường có bộ phận trả hồ sơ, khi thí sinh yêu cầu sẽ được giải quyết nhanh chóng. ĐH Sài Gòn bố trí riêng một phòng để thí sinh đến rút hồ sơ. Thí sinh chỉ cần điền thông tin vào đơn xin rút và chờ 5-15 phút đã có thể nhận lại hồ sơ.

Tại ĐH Cần Thơ, ông Nguyễn Hứa Duy Khang, Phó phòng Đào tạo, cho biết, khoảng 7.800 thí sinh đến trường đăng ký xét tuyển, và tính đến ngày 5/8 đã có 140 thí sinh rút hồ sơ chuyển sang trường khác. Có những thí sinh hôm trước rút hồ sơ, hôm sau quay lại trường nộp hồ sơ vào ngành khác. Theo ghi nhận, cán bộ, sinh viên tình nguyện của trường chỉ dẫn rất tận tình nên các thí sinh làm thủ tục rút hồ sơ rất nhanh, chỉ khoảng 10 phút.

Sáng 5/8, thí sinh Huỳnh Phước Lộc (thị trấn An Phú, huyện An Phú, An Giang) đến ĐH Cần Thơ để rút hồ sơ. Lộc đăng ký ngành luật với số điểm 21. Nhưng sau đó khi vào trang tuyển sinh của trường, Lộc thấy thứ hạng của mình cứ tuột dần đến hạng...700, trong khi ngành chỉ lấy chỉ tiêu 300. Thấy vậy, Lộc đã rút hồ sơ để chuyển sang ngành Việt Nam học của Trường ĐH An Giang. 

Lộc cho biết: “Em cũng thích ngành Việt Nam học. Sau khi vào trang web của ĐH An Giang thấy chỉ tiêu 40 nhưng chỉ có 30 bạn đăng ký với phổ điểm từ 17 - 26 điểm, em thấy mình có cửa đậu nên quyết định chọn ngành này”.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng ĐH Cần Thơ, tuy số lượng hồ sơ nộp vào trường khá nhiều nhưng vẫn còn thấp so với chỉ tiêu xét tuyển của trường. Dự kiến chiều 5/8 trường sẽ lọc bớt tên thí sinh đã trúng tuyển ra khỏi các ngành đăng ký còn lại, để danh sách phản ánh sát thực tế hơn, thí sinh có thể dựa vào đây ước đoán khả năng trúng tuyển của mình.

Phía Bắc: Lác đác rút hồ sơ

Trong ngày 5/8, nhiều trường ĐH khu vực phía Bắc tiếp tục nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh. Bên cạnh các thí sinh nộp hồ sơ lần đầu, nhiều trường cho biết đã có lác đác thí sinh tới xin rút hồ sơ. 

Theo thạc sĩ Lê Quốc Hạnh, Trưởng phòng Đào tạo của ĐH Hà Nội, có một số thí sinh đến xin rút hồ sơ ngày hôm nay. “Chủ yếu các em muốn chuyển nguyện vọng từ ngành này sang ngành khác của trường. Chúng tôi đã tạo điều kiện để các thí sinh được đổi nguyện vọng ngay, không phải chờ đợi”, ThS Lê Quốc Hạnh cho biết.

Tại ĐH Thủy lợi, theo GS Trịnh Minh Thụ, Phó hiệu trưởng: “Chúng tôi không đặt ra quy định cứng về thời gian được rút hồ sơ đối với thí sinh, mà sẽ cố gắng giải quyết ngay trong ngày để thí sinh không phải chờ đợi”.

Tại các trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Y Hà Nội, Học viện Báo chí & tuyên truyền..., lãnh đạo nhà trường đều khẳng định “sẽ tạo điều kiện hết mức để thí sinh rút hồ sơ nếu các em muốn thay đổi nguyện vọng trong trường hoặc rút khỏi trường”. 

TS Mai Đức Ngọc, Trưởng ban đào tạo Học viện Báo chí & Tuyên truyền, cũng cho biết: “Học viện mới chỉ nhận được trên 600 hồ sơ và hiện chưa có trường hợp nào xin rút. Tuy nhiên, nếu các em có ý định thay đổi sẽ được tạo điều kiện tối đa”.

Thí sinh nên nộp hồ sơ xét tuyển đại học lúc nào?

Chuyên gia tư vấn Phạm Mạnh Hà gợi ý thí sinh có thể nộp hồ sơ sau 3, 4 ngày kể từ 1/8. Điều này giúp các em có hình dung chung về lượng thí sinh xét tuyển vào trường.

http://tuyensinh.tuoitre.vn/tin/20150806/hoi-ha-nop-rut-ho-so-xet-tuyen/789285.html

Theo nhóm phóng viên/ Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm