Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Thí sinh không thể gian lận khi thi trắc nghiệm'

Sáng 16/11, trả lời chất vấn Quốc hội, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định thí sinh không thể học tủ, nhìn bài, nhắc đáp án khi làm bài trắc nghiệm kỳ thi THPT quốc gia 2017.

Sáng 16/11, 48 đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng GD&ĐT. Các câu hỏi liên quan vấn đề lựa chọn thi trắc nghiệm nhiều môn trong kỳ thi 2017, nhiều sinh viên ra trường thất nghiệp, dạy, học thêm...

Thi trắc nghiệm phù hợp đánh giá đại trà 

Liên quan việc thi trắc nghiệm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2017, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng hình thức thi này dễ xảy ra tiêu cực.

"Học sinh thi về nói với tôi chỉ thích trắc nghiệm. Phòng thi của cháu sẽ chọn bạn học giỏi nhất, bôi thật nhiều dầu gió. Cứ phương án 1, bạn ấy ho 1 tiếng, cả phòng tích vào; phương án 2 ho 2 tiếng và trong quy chế thi không ai cấm thí sinh ho. Chỉ cần 1 bạn làm được, cả phòng làm được bài, như vậy có phải phương án ưu việt hay không?”, bà Nga dẫn câu chuyện và hỏi.

Theo nữ đại biểu, kỳ thi trắc nghiệm không phát huy tính tích cực chủ động. Đề thi không rèn được kỹ năng thực hành, gây lãng phí máy móc, phòng thí nghiệm được trang bị để dạy thực hành cho môn Lý, Hóa, Sinh. Kỹ năng nghe - nói tiếng Anh vốn rất kém của học sinh và giáo viên cũng không được khắc phục.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh THPT quốc gia là kỳ thi kiểm tra kiến thức phổ thông, cơ bản, toàn diện cho hàng triệu học sinh, chứ không chỉ tập trung học sinh giỏi. 

Về cơ bản, kỳ thi chỉ thay đổi hình thức, vẫn đảm bảo khách quan, làm căn cứ xét tuyển sinh đại học, cao đẳng. Bộ đã tham khảo rất kỹ ý kiến chuyên gia, lắng nghe nhiều phân tích. Thi trắc nghiệm phù hợp mục đích đánh giá đại trà, đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Việc thi trắc nghiệm linh hoạt, học sinh được trau dồi kiến thức trong quá trình học chứ không phải chỉ tập trung luyện thi. Mỗi thí sinh sẽ có một mã đề, thi riêng, có hệ thống chấm bài trên máy tính nên không có chuyện nhắc bài, ra dấu đáp án hay gian lận. Cách thi này tiết kiệm thời gian của thí sinh, công sức, tiền bạc.

"Đây là hình thức thi minh bạch, không cứng nhắc, máy móc, vận dụng cả những kiến thức xã hội và ngoài cuộc sống. Học sinh học gì thi đó. Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc cũng đã làm như vậy trên nền tảng công nghệ và thành công. Tôi muốn cử tri và đại biểu chia sẻ với ngành giáo dục về sự đổi mới này”, ông Nhạ nói. 

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh kỳ thi THPT quốc gia được xây dựng theo lộ trình, có kế hoạch qua từng năm, năm sau điều chỉnh khắc phục điểm yếu của năm trước. Nhưng về toàn diện, đây là phương án thi phù hợp và ổn định nhất. 

Đau đầu với dạy, học thêm biến tướng

Tại phiên chất vấn, đại biểu Trần Thị Quyết Tâm đưa ý kiến không được cấm dạy và học thêm chính đáng, chỉ cấm lợi dụng để bắt ép học sinh, ví dụ như không dạy hết nội dung ở lớp chính khóa mà mang về nhà dạy, lấy nội dung dạy thêm ra kiểm ra 15 phút.

Về chất lượng đào tạo, chúng tôi xin nhận trách nhiệm, trong nhiều trường hợp có lỗi trong việc để sinh viên ra trường không có việc làm, dù chất lượng còn liên quan nhiều vấn đề, yếu tố. Chúng tôi thành thật nhận trách nhiệm chứ không trốn tránh 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định chỉ cấm dạy và học thêm biến tướng: "Có những trường hợp hợp lý không đặt vấn đề cấm mà quan tâm chấn chỉnh".

Theo ông Nhạ, thời gian sắp tới, Bộ GD&ĐT có hướng dẫn, chỉ thị để uốn nắn việc dạy và học thêm đúng hướng; đồng thời, yêu cầu địa phương và các cơ sở giáo dục kiểm tra sâu sát hơn trong việc kiểm tra các trung tâm dạy thêm, tránh việc ép học sinh.

Trong tương lai, sách giáo khoa sẽ được chỉnh lại, lược bỏ nội dung không phù hợp, trùng lặp để chương trình nhẹ, hợp lý hơn. 

Đại biểu Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội) tranh luận: “Bộ trưởng cho rằng dạy thêm, học thêm đã đi vào ổn định hơn thì xin cho biết rõ thế nào. Bộ trưởng nói đây chưa phải vấn đề gấp, tôi không đồng tình”.

Bà cho biết thêm tại Hà Nội hiện nay, tình trạng dạy, học thêm đang rất bức xúc, nhiều trường hợp xuất phát từ động cơ vụ lợi, ép học sinh học thêm bằng nhiều cách. Không ít cơ sở dạy thêm phát triển tràn lan do quản lý lỏng lẻo.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng các giải pháp bộ trưởng nêu ra để hạn chế tình trạng dạy thêm chưa căn cơ.

“Việc dạy thêm đang được chuyển sang hình thức tự nguyện. Phụ huynh phì cười bảo ai chả tự nguyện, phải ký đơn để được học thêm, trẻ em Việt Nam không có tuổi thơ. Bộ trưởng có giải pháp gì để chấn chỉnh ngay trong nhiệm kỳ này?”.

Liên quan dạy và học thêm, người đứng đầu ngành giáo dục nhận được nhiều chất vấn nhưng phần trả lời chưa làm hài lòng đại biểu, dù nhiều lần nhận trách nhiệm vì chưa sâu sát, mới chỉ đưa ra các thông thư và chỉ thị.

191.000 sinh viên ra trường thất nghiệp

Rất nhiều đại biểu ý kiến về việc sinh viên ra trường thất nghiệp. Đại biểu Hồ Thị Minh (Quảng Trị) đưa số liệu 191.000 sinh viên sau khi tốt nghiệp không có việc làm và mong bộ trưởng cho giải pháp. Bộ trưởng thẳng thắn nhận trách nhiệm về vấn đề này.

"Chương trình giáo dục chưa bám sát yêu cầu thị trường lao động dẫn đến đào tạo không sát, chưa chú trọng kỹ năng và tiếp xúc thực tế. Mở trường phải có ý kiến chuyên môn nhưng thực tế chưa thực hiện được", Bộ trưởng GD&ĐT trả lời.

Theo bộ trưởng, không phải sinh viên nào ra trường cũng có việc làm ngay, cần qua quá trình thực tế, ngay đại học lớn như Harvard cũng vậy. Hiện 80% sinh viên ra trường có việc làm, số này thường rơi vào nhóm trường cấp trên. Số không có việc làm tập trung ở những trường mới thành lập, chất lượng kém.

"Tư lệnh" ngành giáo dục nêu ra một số giải pháp sắp tới bao gồm: Yêu cầu các trường báo cáo sinh viên tốt nghiệp có tỷ lệ việc làm, cấp học bổng cho sinh viên giỏi là người dân tộc thiểu số. Số sinh viên này không nhiều nhưng là hạt nhân để sau này quay về phục vụ địa phương

Ông Nhạ cũng cho biết vừa qua, Thủ tướng ban hành khung hệ thống giáo dục quốc dân, qua đó sẽ bổ sung giáo dục nghề nghiệp, bám sát yêu cầu thị trường lao động, chú trọng kỹ năng, tiếp xúc thực tế.

Đối với phần trả lời này, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) không hài lòng và yêu cầu bộ trưởng mạnh dạn trả lời câu hỏi: Vậy Bộ GD&ĐT có lỗi gì không và dự định đào tạo nhân lực thế nào?

Người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng, đúng là thời gian qua sự phối hợp giữa Bộ GD&ĐT với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội còn hạn chế, tới đây sẽ phối hợp tốt hơn. 

Bộ trưởng GD&ĐT: Đề án ngoại ngữ 9.400 tỷ không đạt mục tiêu

Sáng 16/11, trả lời chất vấn của đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định Đề án ngoại ngữ đến năm 2020 không đạt được mục tiêu.

Ngân Giang

Video: VTV

Bạn có thể quan tâm