Với mục đích hỗ trợ và kích cầu cho nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị quyết 84/NQ-CP, trong đó có quy định giảm 50% lệ phí trước bạ cho ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020.
Tuy vậy, việc vẫn chưa biết chính xác thời điểm chính sách này được áp dụng khiến thị trường ôtô Việt Nam gặp thêm khó khăn khi khách mua xe lưỡng lự và cân nhắc chờ đợi thời điểm thích hợp.
Phần đông khách hàng đều chờ đợi
Theo khảo sát của Zing, trong giai đoạn hơn nửa tháng vừa qua, hầu hết dòng xe lắp ráp trong nước đều gặp phải tình cảnh khách hàng hoãn mua để chờ ưu đãi lệ phí trước bạ.
Một sale xe Hyundai tại quận 4, TP.HCM cho biết lượng người hỏi về giá xe tăng lên đáng kể từ khi có thông tin Chính phủ chuẩn bị giảm 50% lệ phí trước bạ cho ôtô lắp ráp trong nước.
Tuy nhiên, nhóm khách này chủ yếu quan tâm đến số tiền sẽ tiết kiệm được nếu phí trước bạ giảm 50% chứ chưa có ý định mua xe rõ ràng. Thực tế lượng xe bán ra không được cải thiện nhiều trong khoảng nửa tháng vừa qua.
Đây cũng là tình cảnh diễn ra tại một vài showroom xe Kia và Mazda. Liên hệ với nhân viên bán hàng thuộc Kia và Mazda quận 7, TP.HCM thì câu trả lời chung mà Zing nhận được là “Hầu như khách hàng đều chờ”.
Còn theo chia sẻ từ một nhân viên kinh doanh của đại lý Mercedes Haxaco, TP.HCM, có trường hợp khách quan tâm mẫu GLC 200 đời 2020, khi biết tin chưa được ưu đãi lệ phí trước bạ đã tỏ ra hụt hẫng và chọn cách chờ đợi thêm.
Khuyến mãi thay đổi trái chiều
Trong khi đó các ưu đãi của đại lý và nhà sản xuất cũng có những thay đổi trái ngược nhau. Có nơi nối dài chương trình ưu đãi, có nơi cắt giảm nhưng cũng có trường hợp giảm giá nhiều hơn trước.
Đối với Toyota, phiên bản Fortuner 2.4 MT 4x2 và 2.4 AT 4x2 sản xuất trong nước tiếp tục được kéo dài chương trình hỗ trợ 50% phí trước bạ. Mức giảm tương ứng khoảng 51-64 triệu đồng tùy theo địa phương và phiên bản. Hãng xe Nhật đã bắt đầu ưu đãi cho 2 model này từ tháng 2/2020 đến nay.
Trong khi đó, chương trình ưu đãi từ 17 đến 70 triệu đồng trong tháng 5 cho các model lắp ráp trong nước của Kia Việt Nam được một tư vấn bán hàng ở Hà Nội xác nhận sẽ kéo dài đến khi có thông báo mới.
Trên website của Ford Việt Nam, các mức ưu đãi cho EcoSport đã được điều chỉnh lại. Thay vì chỉ thể hiện ngắn gọn số tiền giảm trực tiếp thì nay hãng xe Mỹ bổ sung thêm các gói hỗ trợ vay và cộng với giảm giá. Nhờ đó, mức ưu đãi tổng cộng cao hơn trước.
Đối với VinFast, sau đợt giảm giá sâu trong tháng 5 thì hãng xe Việt Nam tiếp tục mạnh tay kích cầu khi vừa đưa ra chương trình hỗ trợ hoàn toàn phí trước bạ cho 2 dòng xe Lux từ nay đến hết năm 2020.
Cụ thể, trong giai đoạn chờ Nghị quyết 84/NQ-CP được áp dụng, VinFast sẽ giảm trực tiếp 10-12% giá xe cho khách tùy theo nơi đăng ký. Khi Nghị quyết 84/NQ-CP có hiệu lực, người tiêu dùng được giảm 50% lệ phí trước bạ, VinFast sẽ hỗ trợ 50% còn lại của lệ phí trước bạ, tương ứng mức giảm 5-6% giá xe. Hiện tại, Lux A2.0 có giá niêm yết 1,129-1,379 tỷ đồng, còn Lux SA2.0 có giá đề xuất 1,58-1,865 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, một vài đại lý Hyundai ở TP.HCM tiến hành điều chỉnh khuyến mãi cho các dòng xe bán chạy nay đã thấp hơn trước 2-3 lần. Chẳng hạn Hyundai Accent giảm 5 triệu đồng so với giá niêm yết, còn Hyundai SantaFe hiện được ưu đãi 10-15 triệu đồng.
Tương tự, mức chiết khấu cho khách hàng mua xe Mercedes-Benz lắp ráp không còn cao như tháng 5/2020. Đây là thông tin được một nhân viên kinh doanh giấu tên ở Hà Nội xác nhận, tuy nhiên con số thay đổi không được vị này tiết lộ.
Thậm chí, có đại lý Honda tại TP.HCM vẫn chưa đưa ra chương trình khuyến mãi chính thức cho tháng 6, tuy nhiên đại diện bán hàng của đơn vị này cho biết các ưu đãi nhiều khả năng sẽ thay đổi theo hướng ít hơn tháng trước.
Tình cảnh ảm đạm sẽ không kéo dài
Thực tế, vẫn có người dùng quyết định mua xe ngay tại thời điểm này. Anh Phạm Thắng (Quận Bình Tân, TP.HCM) chia sẻ rằng mình đang cần xe gấp, cộng với chiết khấu từ đại lý cũng khá tốt nên đã quyết định xuống tiền mua Mercedes-Benz E 200 Exclusive ngay thay vì chờ thêm khoảng 2 tháng nữa.
Mẫu sedan hạng sang này có giá niêm yết gần 2,3 tỷ đồng và được lắp ráp trong nước, nếu áp dụng giảm 50% phí trước bạ thì chi phí đăng ký sẽ giảm hơn 114 triệu.
Trong khi đó, chị Mai Anh (Quận 3, TP.HCM) sau vài ngày cân nhắc đã mua Ford EcoSport bản 1.5L AT Titanium giá khoảng 650 triệu vào cuối tháng 5 vừa qua. Chị chia sẻ khi đó hãng giảm giá 25 triệu, cộng thêm ưu đãi và quà từ đại lý thì ưu đãi tổng cộng gần 60 triệu, cũng gần bằng số tiền đóng phí trước bạ.
Chị cho biết được tư vấn bán hàng bảo nếu chờ thêm 1-2 tháng nữa khuyến mãi ít hơn, nếu được giảm phí trước bạ thì chênh lệch không nhiều.
Đối với mẫu sedan Honda City, sức mua tại đại lý Honda ở quận 2, TP.HCM ghi nhận thay đổi không đáng kể. Anh Đức Việt, nhân viên kinh doanh xác nhận sau khi được thông tin còn hơn 2 tháng mới áp dụng giảm phí trước bạ đã quyết định mua ngay.
Ghi nhận tại các đại lý ở Hà Nội và TP.HCM, đối thủ đồng hương của City là Toyota Vios cũng duy trì được doanh số ổn định. Vẫn có khách hàng lưỡng lự nhưng số lượng không nhiều.
Nhận xét về tình trạng tiến thoái lưỡng nan của xe lắp ráp trong nước, anh Quang Hải - chuyên viên truyền thông trong lĩnh vực ôtô nói: “Tình hình khách chờ đợi ưu đãi phí trước bạ để mua xe sẽ không kéo dài. Có thể đến cuối tháng 6 thị trường sẽ ấm trở lại vì đa số người mua đã phải hoãn kế hoạch nhiều tháng vì ảnh hưởng của dịch bệnh, nếu có nhu cầu thực sự thì sẽ mua ngay”.
Đồng thời, anh Hải cũng nhận định khi Nghị quyết 84/NQ-CP có hiệu lực thì khả năng cao các đại lý và nhà sản xuất sẽ không giảm giá và cắt các chương trình khuyến mãi. Như vậy, khách mua xe tính lợi hóa ra lại không lợi mà còn tốn thời gian chờ đợi, còn người bán tiếp tục không bán được hàng và ngày càng khó khăn.