Những năm gần đây, thị trường xe máy điện Việt Nam đang dần sôi động với các thương hiệu đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc... Thương hiệu Việt có thể làm gì với lợi thế sân nhà?
Xuất hiện tại Việt Nam từ trước năm 2010, thị trường xe máy điện khi đó chỉ là sân chơi của các mẫu xe trôi nổi, hầu hết xuất xứ từ Trung Quốc. Do đa phần chất lượng kém, dòng xe máy điện không được chú ý dù phương tiện sử dụng năng lượng xanh đang là xu hướng trên thế giới. Tuy nhiên, định kiến về xe máy điện đã thay đổi phần nào khi các hãng xe Việt tham gia vào phân khúc này, trong đó cái tên nổi bật là VinFast.
Có mặt trên thị trường Việt Nam từ hơn 10 năm nay, xe sử dụng năng lượng điện có 2 loại là xe đạp điện và xe máy điện. Xe đạp điện phổ biến hơn do giá thành rẻ và có thể vận hành như xe đạp khi hết năng lượng. Sau đó, xe máy điện nhanh chóng trỗi dậy khi các hãng có nguồn gốc Trung Quốc đẩy mạnh nhóm sản phẩm này.
Ưu điểm của các mẫu xe điện khi đó là kiểu dáng thời trang (đa phần sao chép thiết kế của các mẫu xe tay ga đình đám) và giá tương đối rẻ hơn xe gắn máy 50 cc. Vì vậy, xe máy điện còn được xem là phương tiện thay thế xe 50 cc, phù hợp với nhóm khách hàng học sinh chưa đủ 18 tuổi hoặc người không có giấy phép lái xe máy.
Những năm gần đây, xu hướng sử dụng năng lượng xanh, thân thiện với môi trường được đẩy mạnh trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Tại Việt Nam - đất nước có hơn 46 triệu xe máy, chiếm đến 95% tổng phương tiện đang lưu thông, thị trường xe máy điện bắt đầu nóng trở lại. Hiện tại, cả nước có khoảng 5 triệu chiếc xe đạp điện và xe máy điện đang lưu hành. Tốc độ tăng trưởng của phân khúc này ở mức 30-40%/năm.
Nắm được xu hướng này, xe máy điện Trung Quốc lại ồ ạt vào Việt Nam, đa phần xe máy điện có xuất xứ không rõ ràng hoặc đến từ các hãng không tên tuổi. Tuy nhiên, người tiêu dùng Việt bị thu hút bởi giá thành rẻ và mẫu mã đa dạng cùng thiết kế khá bắt mắt. Ban đầu, nhiều người có suy nghĩ tiết kiệm chi phí khi mua xe máy điện Trung Quốc. Tuy nhiên, phần lớn người dùng xe máy điện trôi nổi đều hối hận sau một thời gian sử dụng.
Chị Mỹ Vân (quận 3, TP.HCM) đã mua chiếc xe máy điện Trung Quốc để di chuyển trong phố vào năm 2017. Chiếc xe sử dụng bình thường trong năm đầu tiên. Đến năm thứ 2, xe bắt đầu gặp hiện tượng hỏng vặt. Bộ phận quan trọng nhất của xe là bình ắc-quy cũng hỏng sau 2 năm sử dụng. Chị Vân phải bỏ ra 3 triệu đồng để thay ắc-quy nhưng ắc-quy mới cũng chỉ sử dụng được một năm. Vì quá ngán ngẩm với xe máy điện Trung Quốc, chị Vân đã bán tháo chiếc xe với giá chỉ bằng 1/10 giá mua xe.
Không riêng chị Vân, nhiều người dùng cũng phàn nàn về tình trạng xuống cấp nhanh của xe máy điện no-name (không rõ nguồn gốc, thương hiệu). Bên cạnh hư hỏng ắc-quy, motor điện của xe cũng xuống cấp dần theo thời gian. Gia tốc và tốc độ tối đa sẽ giảm sau khoảng 2-3 năm sử dụng.
Bên cạnh xe điện kém chất lượng, người tiêu dùng Việt còn lựa chọn các mẫu xe dung tích 50 cc có xuất xứ từ Trung Quốc. Tương tự xe điện, loại xe 50 cc Trung Quốc được lựa chọn vì không yêu cầu bằng lái, phù hợp với học sinh, phục vụ nhu cầu đi lại trong đô thị và kiểu dáng sao chép các mẫu xe máy đình đám.
Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, xe 50 cc Trung Quốc phát sinh nhiều vấn đề như động cơ xuống cấp, thường xuyên bị rỉ dầu, phụ tùng mau hỏng… Ban đầu, các mẫu xe 50 cc này được giới thiệu là tiết kiệm xăng nhưng sau khi động cơ xuống cấp, mức tiêu hao lên đến 3-4 lít/100 km - tương đương các mẫu xe tay ga 150 cc.
Dù tăng trưởng mạnh trong vài năm gần đây, thị trường xe máy điện Việt Nam vắng bóng những thương hiệu nội địa thực thụ. Trước đây, một vài doanh nghiệp có nguồn gốc Việt nhưng sản phẩm lại là xe nhập từ Trung Quốc rồi đóng mác lại.
Từ năm 2018, các thương hiệu Việt tham gia vào cuộc chơi này, giúp thị trường thêm sôi động và người tiêu dùng có nhiều lựa chọn, điển hình như VinFast với chiếc Klara - mẫu xe máy điện chính thống đầu tiên được sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam. Với Klara, VinFast đã tác động không nhỏ đến suy nghĩ của người Việt về xe máy điện. Bên cạnh kiểu dáng hiện đại mang phong cách Italy, mẫu xe máy điện của VinFast còn gây ấn tượng khi sử dụng linh kiện đến từ các hãng danh tiếng như Bosch, Nissin, hay LG.
Dù không phải thương hiệu Việt đầu tiên sản xuất xe máy điện, VinFast mới là hãng tạo ra nhiều dấu ấn. Yếu tố gây dấu ấn đầu tiên là thương hiệu VinFast được đánh giá cao về sự uy tín. Không chỉ truyền thông trong nước, truyền thông thế giới cũng để mắt đến thương hiệu nội địa của Việt Nam.
Hồi đầu năm, cái tên VinFast được đài truyền hình quốc gia Thuỵ Sĩ (RTS) nhắc đến như một ví dụ về sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trước đó, VinFast cũng nhận được những lời khen ngợi từ nhiều trang báo và kênh truyền thông lớn như Nikkei, Bloomberg, Forbes, hay CNN...
Quy trình sản xuất tại nhà máy được tự động hóa tối đa, xe được thực hiện trên dây chuyền hiện đại nhập khẩu từ Nhật Bản. Trong đó, công đoạn hàn và sơn được tự động hoá 95-100% bởi các robot được nhập khẩu từ châu Âu. Hệ thống kiểm tra xe thành phẩm cũng được nhập khẩu từ châu Âu, kết nối với dữ liệu sản xuất được lưu trữ bằng điện toán đám mây để quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm.
Mẫu xe máy điện đầu tiên của VinFast - Klara - có giá bán 30 triệu cho bản sử dụng ắc-quy và 50 triệu cho bản pin lithium-ion. Đây được đánh giá là mức giá hấp dẫn khi xe sử dụng loạt linh kiện đến từ những tên tuổi hàng đầu thế giới.
Sau đó, hãng xe Việt công bố thêm 3 dòng xe mới cùng chính sách cho thuê pin, gồm Ludo (12,9 triệu), Impes (14,9 triệu) và KlaraS (39,9 triệu) - phiên bản nâng cấp của Klara.
Các mẫu xe thế hệ mới của VinFast đều được tích hợp eSIM, kết nối với điện thoại, cung cấp tính năng chống trộm, giám sát hành trình, lịch sử vận hành và có khả năng chống nước… Những tính năng thông minh này được đánh giá cao, hỗ trợ người dùng quản lý xe, giảm thiểu nguy cơ mất trộm, thất lạc.
Chưa hết, hãng xe Việt còn áp dụng hai hình thức bán pin và thuê - đổi pin cho dòng xe máy điện thế hệ mới của hãng, gồm KlaraS, Impes và Ludo. Chính sách linh hoạt giúp người tiêu dùng có thể lựa chọn mua pin và tự sạc tại nhà hoặc thuê pin để giảm giá thành sản phẩm, giảm rủi ro về pin. Nếu khách hàng thuê pin, VinFast sẽ chịu trách nhiệm kiểm soát tình trạng và nguồn pin, tránh xả thải ra môi trường.
Bên cạnh đó, hãng cũng có kế hoạch thiết lập hệ thống trạm đổi pin, sạc pin rộng khắp trên cả nước, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng và đảm bảo sự thuận tiện cho khách hàng.
Chất lượng là tiêu chí đầu tiên các mẫu xe điện VinFast hướng đến. Với sự góp mặt của những thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất linh kiện xe, các mẫu xe của hãng đều đạt chứng nhận chất lượng kiểu loại của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Thậm chí, các mẫu xe này còn vượt qua tiêu chuẩn của quốc tế.
KlaraS, Impes và Ludo đều sử dụng động cơ điện do Bosch cung cấp, pin lithium-ion từ LG. Khung gầm của xe được sản xuất theo tiêu chuẩn Nhật Bản và trải qua 100 giờ thử nghiệm liên tục. Với chuẩn chống nước IP57, IP67, các mẫu xe điện VinFast có thể hoạt động bình thường trong điều kiện ngập nước 0,5 m trong khoảng thời gian 30 phút.
Trong vài năm gần đây, thị trường xe điện trở nên sôi nổi hơn, thu hút sự tham gia của nhiều hãng xe. Bên cạnh những thương hiệu trôi nổi đến từ Trung Quốc, các hãng xe điện chất lượng cao trên thế giới cũng đã đổ bộ vào Việt Nam. Tuy nhiên, với chất lượng đã được kiểm định, giá thành phù hợp, kiểu dáng thời trang, VinFast vẫn đang là hãng xe được đa số người tiêu dùng Việt lựa chọn.
Từ 1/7 đến 30/9, VinFast triển khai chương trình "Kiến tạo tương lai xanh". Theo đó, VinFast dành 50.000 quà tặng là pin xe cho học sinh toàn quốc mua Ludo và Impes. Tổng giá trị quà tặng lên tới 430 tỷ đồng. Qua đó, VinFast mong muốn giúp các em học sinh hình thành lối sống xanh và ý thức bảo vệ môi trường vì một môi trường sống an toàn cho các thế hệ tương lai.