Thiên nhiên kỳ thú ở đất Tổ Hùng Vương
Núi Nghĩa Lĩnh không chỉ là nơi quy quy tụ những di tích lịch sử quan trọng về những vị vua đầu tiên của dân tộc Việt. Tại đây, du khách còn có thể bắt gặp những cảnh tượng kỳ thú của thiên nhiên.
>> Đền Hùng tràn ngập rác
>> Mưa lớn trong ngày khai hội đền Hùng
>> Ra tay 'chặt chém' du khách ở Đền Hùng
Đền Hùng là tên gọi khái quát của quần thể đền chùa thờ phụng các Vua Hùng và tôn thất của nhà vua trên núi Nghĩa Lĩnh, tỉnh Phú Thọ. Hiện nay, các nhà sử học đều thống nhất rằng nền móng kiến trúc đền Hùng bắt đầu được xây dựng từ thời vua Đinh Tiên Hoàng, thế kỷ 10) trị vì. Đến thời Hậu Lê (thế kỷ 15), đền được xây dựng hoàn chỉnh theo quy mô như hiện tại.
Ngày nay Khu di tích lịch sử đền Hùng bao gồm bốn đền chính là đền Hạ, đền Trung, đền Thượng và đền Giếng. Từ những bậc đầu tiên dưới chân núi, du khách sẽ qua cánh cổng, bước nhiều bậc đá lên thắp hương và thăm thú các đền, cao nhất là đền Thượng trên đỉnh Nghĩa Lĩnh, nơi có lăng mộ vua Hùng thứ 6.
Diễn ra vào ngày 10/3 âm lịch - ngày Giỗ tổ Hùng Vương, Lễ hội đền Hùng là một lễ hội lớn mang tầm vóc quốc gia ở Việt Nam, nhằm tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc. Từ năm 2000, ngày giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành quốc lễ.
Một số hình ảnh ghi nhận trong một chuyến thăm vùng đất Tổ:
Quần thể di tích đền Hùng nằm từ chân núi đến đỉnh ngọn núi Nghĩa Lĩnh cao 175m, thuộc địa phận xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Khu vực đền Hùng ngày nay nằm trong địa phận của kinh đô Phong Châu của quốc gia Văn Lang cổ xưa. |
Di tích đầu tiên mà du khách sẽ đến là cổng đền, nằm ở chân núi. Công trình này được xây dựng vào năm Khải Định thứ 2 (1917). Trên cổng có bốn chữ Hán viết theo lối chữ chân, đại tự "Cao sơn cảnh hành" (Lên núi cao nhìn xa rộng). |
Để đền được các di tích tiếp theo, du khách sẽ vượt qua những đoạn đường dài băng qua núi rừng. |
Phía sau đền Hạ là Chùa Thiên Quang, còn gọi là Thiên quang thiền tự. Chùa được xây theo kiểu nội công ngoại quốc, gồm các nhà tiền đường (5 gian), thiêu hương (2 gian), tam bảo (3 gian) ở phía trước, dãy hành lang, nhà Tổ ở phía sau. |
Ngôi đến đầu tiên là đền Hạ. Tương truyền đây là nơi Âu Cơ sinh hạ bọc trăm trứng, sau nở thành 100 người con. Kiến trúc đền Hạ kiểu chữ nhị gồm hai tòa tiền bái và hậu cung, mỗi toà ba gian, cách nhau 1,5m. |
Nằm cách đền Hạ một quảng là giếng cổ (còn gọi là giếng Rồng). Tương truyền sau khi tổ mẫu Âu Cơ sinh bọc trăm trứng nở thành trăm người con, bà đã dùng nước giếng này tắm cho các con. |
Tiếp tục đi lên phía trên, du khách sẽ đền với đền Trung, tương truyền là nơi các Vua Hùng cùng các Lạc hầu, Lạc tướng du ngoạn Nghĩa Lĩnh ngắm cảnh và họp bàn việc nước. |
Đền Thượng nằm trên đỉnh núi. Theo truyền thuyết, các Vua Hùng thường lên nơi đây tiến hành các nghi lễ, tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp thờ trời đất, thờ thần lúa, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh. Ngoài cổng đền có dòng đại tự: "Nam Việt triều tổ" (tổ tiên của Việt Nam). |
Nằm ở phía đông đền Thượng, lăng Hùng Vương (Hùng Vương lăng) được tương truyền là mộ của Vua Hùng thứ 6. Lăng mộ, mặt quay theo hướng Đông Nam. Xưa đây là một mộ đất, thời Tự Đức năm thứ 27 (năm 1870) đã cho xây mộ dựng lăng. Thời Khải Định (năm 1922) trùng tu lại. |
Từ đến thượng đi ngược xuống chân núi, du khách sẽ đến với đền Giếng. Tương truyền đây là nơi công chúa Tiên Dung và công chúa Ngọc Hoa (con gái của Vua Hùng thứ 18) thường soi gương, vấn tóc khi theo cha đi kinh lý qua vùng này. Đền được xây dựng vào thế kỷ thứ 18 theo dạng hình chữ công. |
Đền Giếng là nơi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói câu nói nổi tiếng "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước" trong chuyến thăm Đền Hùng ngày 19/9/1954 và nói chuyện với Trung đoàn Thủ đô, trước khi trung đoàn về tiếp quản Hà Nội. |
Không chỉ có các di tích lịch sử quan trọng, núi Nghĩa Lĩnh còn là một vùng rừng nguyên sinh được bảo vệ nghiêm ngặt. |
Tại đây, du khách có thể bắt gặp những cảnh tượng kỳ thú của thiên nhiên. |
Theo Đất Việt