Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Thiếu những triển lãm hoành tráng, các hãng xe có gặp khó?

Không chỉ đến khi đại dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều triển lãm ôtô bị hủy bỏ, xu thế các hãng xe rời bỏ những sự kiện lớn để tìm hướng đi riêng đã xuất hiện vài năm nay.

trien lam oto anh 1

Thông thường, tháng 9 hàng năm là thời điểm rộ lên hàng loạt thông tin đồn đoán về những dòng xe mới có thể ra mắt ở Triển lãm Ôtô Việt Nam (VMS) - sự kiện quan trọng và quy mô hàng đầu của thị trường xe trong nước.

Tuy vậy, với khả năng cao VMS không thể diễn ra năm thứ 2 liên tiếp khi nhiều thương hiệu tỏ ra không mặn mà và muốn rút lui để giảm thiểu rủi ro, vấn đề về tính hiệu quả của những kỳ triển lãm ôtô lại được đặt dấu hỏi.

Xu hướng “ra riêng” xuất hiện từ trước dịch Covid-19

Thực tế, từ trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát và khiến hàng loạt sự kiện lớn của ngành công nghiệp ôtô thế giới cũng như Việt Nam bị hủy bỏ, nhiều hãng sản xuất đã từng bước tách ra riêng, chủ động tổ chức các hoạt động giới thiệu xe mới thay vì góp mặt vào các triển lãm truyền thống.

Lấy ví dụ, Triển lãm Ôtô Bắc Mỹ 2020 trước khi được thông báo không thể tổ chức vì Covid-19 đã có danh sách dài các “ông lớn” rút lui, bao gồm Mercedes-Benz, Audi, BMW, Porsche, Jaguar, Land Rover, MINI hay Volvo.

trien lam oto anh 2

Các kỳ triển lãm ôtô lớn trên thế giới gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19. Ảnh: Carpixx.

Song song với việc rời bỏ những triển lãm ôtô lâu đời có xu hướng nhàm chán hơn và ít thu hút được khách tham quan hơn trước, các hãng xe ngày càng chuộng việc tổ chức sự kiện ra mắt độc lập.

Điều này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí đầu tư cho khâu quảng bá sản phẩm mà còn giúp nhà sản xuất chủ động, có toàn quyền quyết định với hoạt động của mình, thay vì phụ thuộc vào các ban tổ chức và phải chi ra rất nhiều tiền cho vài ngày tham gia triển lãm.

Theo ước tính, một đợt triển lãm ôtô quốc tế có thể tiêu tốn của hãng xe từ 5 đến 10 triệu USD, tùy theo quy mô gian hàng và các hoạt động liên quan. Các khó khăn từ đại dịch Covid-19 thực ra chỉ là tác động bổ sung, góp phần thúc đẩy các hãng xe mở rộng các hoạt động ra mắt riêng lẻ để tối ưu hiệu quả ở nhiều mặt.

Nhiều thương hiệu lớn trong nước không mặn mà với triển lãm lớn

Tại Việt Nam, từ lâu đã có vài thương hiệu “chọn lối đi riêng”, dần rút khỏi các sự kiện lớn hay thậm chí là chưa từng góp mặt ở bất kỳ triển lãm ôtô nào.

Đơn cử có thể kể đến Mazda và Kia, 2 hãng xe do Thaco phân phối từng có gian hàng tương đối hoành tráng tại VMS 2016 với nhiều mẫu xe hot được khách hàng quan tâm. Tuy vậy, đó là lần gần nhất Mazda và Kia đứng chung sân khấu lớn với Toyota, Honda, Ford hay Mitsubishi, những cái tên quen thuộc của các kỳ VMS nhiều năm qua.

Sau đó, Mazda và Kia trung thành với các buổi trình làng xe mới theo phong cách “cây nhà lá vườn” tổ chức ngay tại khuôn viên nhà máy. Dù vậy, các sự kiện dạng này chỉ dành cho những mẫu xe bán tốt và được thị trường quan tâm, trong khi nhiều dòng xe không quá hấp dẫn chỉ được ra mắt trực tuyến.

trien lam oto anh 3

Mazda và Kia nhiều năm liền vắng bóng tại các kỳ VMS dù là các thương hiệu có doanh số tốt hàng đầu tại Việt Nam. Ảnh: Ngọc Tuấn.

Tương tự, BMW và MINI sau khi “về tay” Thaco từ đầu năm 2018 cũng vắng bóng hoàn toàn khỏi các triển lãm ôtô trong nước. Điểm sáng hiếm hoi là 2 thương hiệu thuộc BMW Group có được một sự kiện trình diễn, giới thiệu xe mới khá quy mô ngay trong năm 2018.

Đó có thể xem như là màn chào sân đến khách hàng của nhà phân phối mới BMW và MINI. Còn từ đó đến các mẫu xe mới của 2 hãng xe này vẫn thường xuyên được ra mắt riêng lẻ thông qua các sự kiện tại đại lý. Đáng kể nhất có chăng là lần giới thiệu trực tuyến cùng lúc 10 model BMW mới trong giai đoạn giãn cách hồi tháng 4/2020.

trien lam oto anh 4

Hầu hết dòng xe Hyundai mới tại Việt Nam trong vài năm qua được giới thiệu trực tuyến. Ảnh: TC Motor.

Cái tên điển hình chứng minh cho việc không cần tham gia triển lãm vẫn có thể bán tốt tại là Hyundai. Nếu hãng xe Hàn Quốc khá chăm chỉ tham dự những sự kiện lớn của khu vực và thế giới để xây dựng hình ảnh thì tại Việt Nam, Hyundai vốn là “người lạ” của các kỳ VMS.

Từ khi được phân phối bởi Hyundai Thành Công, nay là TC Motor, xe Hyundai trung thành với việc trình làng tại sự kiện riêng, hay đơn giản là ra mắt online với hình ảnh và video về sản phẩm được đăng tải lên các kênh truyền thông.

Kết hợp với việc mở rộng hệ thống đại lý và các phương thức tiếp thị khác, nhìn chung thương hiệu Hyundai vẫn có được độ phủ tốt tại thị trường Việt Nam dù rằng hãng không xuất hiện những sự kiện quảng bá quy mô.

Triển lãm ôtô truyền thống chưa thể bị thay thế

Dù có dấu hiệu thoái trào, triển lãm ôtô vẫn là một phần thiết yếu và chưa thể thay thế của ngành công nghiệp 4 bánh, ít nhất là ở giai đoạn hiện tại.

Anh Phạm Quang Hải, người có nhiều năm kinh nghiệm trong mảng truyền thông ôtô cho rằng trường hợp Thaco hay TC Motor tổ chức các sự kiện riêng có những mặt tích cực đáng kể.

Sức mạnh truyền thông và quảng bá thương hiệu từ một kỳ triển lãm quy mô toàn quốc cũng sẽ mạnh hơn đáng kể so với các sự kiện riêng lẻ.

Chuyên gia truyền thông ôtô Phạm Quang Hải

Họ có thể tiếp cận được khách hàng sâu sát hơn và phục vụ tốt hơn, tránh được sự so sánh trực tiếp với các hãng đối thủ và có thể chủ động hơn trong các sự kiện riêng của mình.

Tuy nhiên, mặt hạn chế là những thương hiệu chọn sân chơi riêng sẽ không tiếp cận được công chúng rộng rãi bằng so với việc tham dự triển lãm ôtô thường niên, đây là bất lợi thấy rõ nhất.

Ngoài ra, sức mạnh truyền thông và quảng bá thương hiệu từ một kỳ triển lãm quy mô toàn quốc cũng sẽ mạnh hơn đáng kể so với các sự kiện riêng lẻ, anh Hải nhận xét.

trien lam oto anh 5

Sức hút của các kỳ triển lãm ôtô chưa thể bị thay thế một sớm một chiều. Ảnh: Quỳnh Danh.

Cùng với đó, hình thức ra mắt xe trực tuyến “nở rộ” trong khoảng 2 năm vừa qua của ngành ôtô cũng được đánh giá là kém hiệu quả hơn các sự kiện “người thật việc thật”. Vì thế, xu hướng này khó có thể thay thế được hoàn toàn các buổi ra mắt thực tế, hay xa hơn là những triển lãm hoành tráng.

Nhận định thêm về khả năng VMS có thể không diễn ra năm thứ 2 liên tiếp, anh Phạm Quang Hải cho rằng triển lãm năm nay không còn nhiều ý nghĩa và khó mang đến được tác động tích cực đến thị trường, nhất là trong bối cảnh nhu cầu mua xe suy giảm mạnh do dịch bệnh.

Những năm trước, các triển lãm ôtô là cơ hội để hãng xe thúc đẩy doanh số dịp cuối năm. Nhưng trong thời điểm này thị trường cần hơn các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, chẳng hạn tái áp dụng quy định giảm phí trước bạ như năm 2020 thì mới có thể tạo ra được những tín hiệu lạc quan, anh Hải nói.

Các hãng ôtô vượt khó, ra mắt xe mới trong giai đoạn giãn cách

Dù doanh số ôtô giảm mạnh do dịch bệnh, nhiều mẫu xe mới vẫn được giới thiệu trong quý III và chuẩn bị có thêm vài cái tên mới trình làng trước khi tháng 9 kết thúc.

Muôn kiểu bán trang bị tùy chọn cho ôtô tại Việt Nam

Người mua ôtô bình dân thường được giới thiệu lắp thêm phụ kiện trang trí hay trang bị tiện ích, trong khi các hãng xe sang cung cấp nhiều tùy chọn đắt tiền cho khách hàng.

Con dau dau cua Mazda hinh anh

Cơn đau đầu của Mazda

0

Ngoại hình tương đồng của các mẫu SUV thương hiệu Mazda được tiết lộ là kết quả từ những tranh cãi nội bộ trong hãng xe Nhật Bản.

Hoàng Phạm

Bạn có thể quan tâm