Khoảng hai năm nay, tôi được chẩn đoán thoát vị đĩa đệm L4,L5, cảm giác đau thắt lưng lan xuống mông và tê gót chân trái. Thưa bác sĩ, bệnh của tôi có thể chữa dứt điểm được không và phương pháp điều trị thế nào?
Độc giả Thành Trung, TP.HCM
BS.CKI Kim Thành Tri - khoa Thần kinh Cột sống, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh
Điều trị bệnh lý về cột sống, trong đó có thoát vị đĩa đệm, là quá trình dài lâu, kết hợp giữa việc tuân thủ chỉ định bác sĩ và thay đổi lối sống. Ở mức độ nhẹ, thoát vị đĩa đệm có thể khỏi hoàn toàn. Trong trường hợp thoát vị nặng, mảnh rời lớn, chèn ép thần kinh nhiều và không đáp ứng điều trị nội khoa, người bệnh phải phẫu thuật nội soi hoặc mổ mở để điều trị triệt để tổn thương.
Hiện nay, phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm được chia làm 3 nhóm chính, gồm: Điều trị không dùng thuốc, dùng thuốc và điều trị ngoại khoa.
Điều trị không dùng thuốc có các phương pháp như nghỉ ngơi trên giường khoảng 1-2 ngày, tránh tập thể dục hoặc thực hiện hoạt động cần cúi người, nâng vác vật nặng để giảm sưng tấy và giúp tổn thương có thời gian lành lại; vật lý trị liệu theo hướng dẫn của nhân viên y tế, gồm bài tập kéo căng để giữ cơ linh hoạt; tập thể dục nhịp điệu tăng sản xuất endorphin, giúp giảm đau lưng và cải thiện tâm trạng cũng như triệu chứng bệnh; massage giúp giảm đau, tăng tuần hoàn máu, hỗ trợ tăng cường sức khỏe; chườm nóng và chườm lạnh để giảm đau do thoát vị đĩa đệm (nên chườm lạnh trong 24 giờ đầu sau khi cơn đau khởi phát, sau đó chườm nóng hoặc lạnh tùy sở thích); liệu pháp xung điện giúp giảm đau, cải thiện lưu lượng máu, sửa chữa tổn thương, tăng cường sức mạnh cơ bắp.
Phương pháp dùng thuốc gồm: Thuốc theo đường uống, chỉ định tùy tình trạng người bệnh (nếu cơn đau từ nhẹ đến trung bình, bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc giảm đau không kê đơn; thuốc giãn cơ được chỉ định cho người bị co thắt cơ…); tiêm thuốc steroid xung quanh dây thần kinh cột sống trong trường hợp biện pháp nghỉ ngơi, dùng thuốc giảm đau dạng uống và vật lý trị liệu không hiệu quả. Thuốc phát huy công dụng giảm sưng đau và giúp người bệnh đi lại dễ dàng, thực hiện với liệu trình 3 mũi tiêm/đợt (thời gian giữa các mũi là 3-7 ngày).
Với điều trị ngoại khoa, hầu hết trường hợp thoát vị đĩa đệm không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, hướng điều trị này được chỉ định nếu điều trị bảo tồn không giúp cải thiện tình trạng trong 4-6 tuần hoặc triệu chứng trở nên nghiêm trọng. Phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm là thủ thuật ngoại khoa phức tạp. Vì cột sống không chỉ là một đoạn xương khớp, mà là hệ thống có kết cấu tinh vi liên quan trực tiếp đến thần kinh trung ương (não bộ, tủy sống) và thần kinh ngoại biên… Do đó, nhằm tăng hiệu quả điều trị và mức độ an toàn, người bệnh nên lựa chọn cơ sở y tế có đội ngũ y bác sĩ lành nghề và hệ thống trang thiết bị hiện đại như chụp X-quang, máy CT đa lát cắt, cộng hưởng từ.
Bác sĩ Thành Tri (trái) trong một ca phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm tại BVĐK Tâm Anh. |
Hiện nay, ngoài những máy móc xét nghiệm chẩn đoán trên, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh sử dụng thiết bị robot kết hợp phần mềm trí tuệ nhân tạo giúp tính toán chính xác đường mổ, tác động lên cột sống. Nhờ đó, bác sĩ và phẫu thuật viên thao tác hiệu quả cao, tránh tổn thương đến dây thần kinh tinh vi trong cột sống và giảm nguy cơ biến chứng.
Một số phương pháp phẫu thuật phổ biến trong điều trị thoát vị đĩa đệm đang được áp dụng tại bệnh viện gồm: Mổ hở (mở ống sống hoặc giải nén cột sống sau), vi phẫu (loại bỏ phần đĩa đệm gây chèn ép rễ thần kinh, thậm chí có thể lấy cả đĩa đệm hư hại ra ngoài), nội soi (chỉ định cho những người bệnh bị chèn ép thần kinh cấp tính do thoát vị đĩa đệm, điều trị nội khoa thất bại, thoát vị di trú… giúp giải phóng áp lực cho dây thần kinh và tủy sống), hợp nhất cột sống (hợp nhất hai bên đĩa đệm để cố định vĩnh viễn cột sống, ngăn xương di chuyển và giúp người bệnh không còn đau đớn) và thay đĩa đệm nhân tạo (điều trị thoát vị một đĩa đệm ở lưng dưới, đĩa đệm hư được thay bằng đĩa nhân tạo có chất liệu nhựa hoặc kim loại).