Giáo viên dạy online có thể tiếp cận với học sinh ở nhiều tỉnh, thành khác nhau. Ảnh: Duy Anh. |
Trái ngược với những giáo viên truyền thống, 17h30, cô Kim Anh mới bắt đầu sửa soạn giáo án, bài giảng để chuẩn bị lên lớp lúc 17h45. Thông thường, 21h45, các lớp học sẽ kết thúc.
“Tôi đã duy trì thời gian làm việc như vậy khoảng 3 năm. Thời điểm nghỉ hè hoặc cuối tuần, khung thời gian có thể thay đổi do học sinh được nghỉ học. Không đến trường, không gặp trực tiếp học sinh, nhưng số học sinh tôi từng giảng dạy đã lên tới con số trên 600 em", cô Kim Anh chia sẻ.
Thầy trò đều được lợi khi dạy học online
Tốt nghiệp cử nhân khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), có cơ hội làm việc ngay sau đó tại hệ thống trường tư thục có tiếng ở Hà Nội, cô Kim Anh từ chối lời mời, quyết định trở thành giáo viên tự do, dạy online môn Ngữ văn bậc tiểu học và THCS.
Một trong những lý do khiến cô giáo đưa ra quyết định như vậy là không bị gò bó, có thể linh hoạt về mặt thời gian, công việc. Bên cạnh đó, mức thu nhập từ việc dạy online có phần khá hơn so với dạy trực tiếp tại trường học.
“Tôi vẫn gắn bó với nghề giáo, nhưng theo một cách khác", cô Kim Anh nói.
3 năm gắn bó với nghề dạy học online, cô Kim Anh đã dạy hơn học sinh. Ảnh: NVCC. |
Theo cô giáo, ngoài thu nhập cao, một điểm lợi khác khi dạy online là giáo viên có cơ hội tiếp cận với nhiều học sinh và phụ huynh ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Điều này thúc đẩy tính đa dạng trong lớp học, giúp cô giáo cũng như học sinh hiểu hơn về văn hóa vùng miền khác. Bên cạnh đó, nhờ có thu nhập cao, cô Kim Anh có kinh phí để tham gia các khóa học nâng cao nghiệp vụ, kiến thức, phục vụ tốt hơn trong công việc.
Trong khi cô Kim Anh coi việc dạy online là công việc chính, thầy H.Đ. (Hà Nội) chỉ coi đây là công việc tay trái để kiếm thêm thu nhập.
Ngoài việc dạy học ở một trung tâm tiếng Anh, thầy Đ. mở thêm lớp dạy thêm môn Tiếng Anh tại nhà. Ban đầu, thầy chỉ dạy trực tiếp, sau đó, một số học sinh ở xa ngỏ ý muốn học online để tiết kiệm thời gian đi lại, thầy quyết định mở lớp dạy học qua Zoom.
Nếu so với lớp dạy trực tiếp tại nhà, lớp online của thầy Đ. không quá đông, chỉ dao động trong khoảng 5-7 em/lớp, thậm chí một lớp chỉ có một học sinh vì em này bày tỏ nguyện vọng muốn được học 1:1 để thầy kèm sát sao hơn.
“Tôi thấy dạy online cũng tốt, học sinh đỡ phải đi đường xa, tiết kiệm thời gian đi lại vì nhà tôi ở tận ngoại thành. Hơn nữa, việc học online cũng giúp tôi có thêm tệp học sinh mà tôi chưa ngờ đến, chính là học sinh ở tỉnh khác. Hiện, tôi có một số học sinh sống ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Các em biết đến tôi thông qua người quen hoặc họ hàng giới thiệu”, thầy Đ. thông tin.
Cái khó khi dạy online
Thu nhập cao nhưng để tồn tại ở môi trường dạy online cũng không dễ. Cô Kim Anh kể thời gian đầu, số lượng học sinh rất ít, chỉ khoảng 15-20 em, thu nhập cũng rất bèo bọt.
Chưa kể thời điểm đó, dù có kinh nghiệm từ trước, cô giáo lại chưa từng tham gia giảng dạy tại trường học nào, nhiều phụ huynh không biết đến cô hoặc không tin tưởng, nhất là phụ huynh ở các thành phố lớn.
“Tệp học sinh tôi hướng đến là những em có mục tiêu thi vào trường chuyên, trường/lớp chất lượng cao. Phụ huynh chắc chắn sẽ chọn giáo viên có tiếng, từng dạy các trường tốp thay vì giáo viên trẻ. Sau đó, tôi thay đổi chiến lược, tổ chức dạy một số lớp học miễn phí để học sinh và phụ huynh trải nghiệm thử, dần dần xây dựng thương hiệu”, cô giáo chia sẻ.
Về mặt thời gian, dù được linh hoạt, song cô Kim Anh chia sẻ các giờ học online phần lớn phụ thuộc vào học sinh. Giờ làm việc của cô thường bắt đầu khi giáo viên truyền thống tan làm. Thậm chí vào mùa thi, sau 22h, cô Kim Anh vẫn có lớp dạy hoặc tăng ca vào những ngày cuối tuần, ngày nghỉ - ca dạy gấp đôi ngày thường.
“Có những ngày các ca dạy nối tiếp, đôi khi, giáo viên online cũng rất căng thẳng. Việc ăn uống, sinh hoạt cũng có thể bị ảnh hưởng, không đúng giờ”, cô Kim Anh cho hay.
Ngoài ra, dạy online, cô giáo cũng phải gắn liền với chiếc máy tính hoặc điện thoại, liên tục chia sẻ tài liệu, đề thi, giải đáp kịp thời thắc mắc của phụ huynh, học sinh.
Cái khó của giáo viên dạy online là sẽ phải tiếp xúc với màn hình trong thời gian dài. Ảnh minh họa: ICS. |
Tương tự, thầy Đ. cho biết thầy không gặp khó khăn nào quá lớn, chỉ có một vấn đề nhỏ duy nhất là thị lực kém đi.
Dạy học trong thời đại số, thầy giáo thường xuyên soạn giáo án, chấm bài trên máy tính, iPad, sau đó lại tiếp tục dành nhiều giờ để dạy online. Mỗi ngày, tổng thời gian thầy Đ. “dán mắt” trên màn hình có thể hơn 10 giờ đồng hồ.
“Tôi tiếp xúc với màn hình nhiều thì học sinh cũng giống như vậy. Ngoài học online với tôi, các em còn học online với giáo viên khác nên thời gian nhìn màn hình lại càng nhiều thêm. Thỉnh thoảng khi kết thúc buổi học, tôi cũng nhắc các em tạm nghỉ một lúc cho mắt được ‘nghỉ ngơi’ rồi học tiếp, mắt khỏe thì đầu óc mới khỏe để học tiếp được”, thầy giáo nhấn mạnh.
Dạy online vẫn phải chỉn chu
Tệp học sinh chủ yếu hướng đến những em không có điều kiện học thêm ở trung tâm tiếng Anh đắt đỏ nên thầy Đ. thu học phí ở mức vừa phải, khoảng vài chục nghìn đồng mỗi học sinh cho một buổi học.
Dù là dạy trực tiếp hay trực tuyến, thầy vẫn luôn đảm bảo học sinh được tiếp cận bài giảng, phương pháp học như nhau. Điều khác duy nhất là các học sinh học online chưa được gặp thầy ngoài đời, chỉ tiếp xúc với thầy qua những buổi học qua Zoom và trao đổi thông qua mạng xã hội.
“Học sinh học online, tôi vẫn cho các em luyện đề như bình thường. Khi luyện đề, tôi yêu cầu các em mở camera, cất hết tài liệu và bấm giờ làm bài như thi thật. Dù học từ xa, tôi vẫn muốn các em học tập nghiêm chỉnh để không tốn tiền của phụ huynh”, thầy Đ. chia sẻ.
Tương tự, đó cũng là cách cô Kim Anh áp dụng với học sinh của mình để đảm bảo giờ học nghiêm túc, học sinh học có hiệu quả. Để đảm bảo chất lượng, cứ 10 buổi một lần, cô sẽ yêu cầu học sinh làm bài khảo sát chất lượng và tham gia các kỳ thi thử. Cô giáo cũng có những cách thưởng/phạt rõ ràng để khuyến khích học trò hoặc giúp các em rút kinh nghiệm.
Như những giáo viên truyền thống khác, cô Kim Anh cho hay giáo viên dạy online vẫn phải soạn giáo án, chuẩn bị tài liệu, thiết kế bài giảng… Điều quan trọng là xây dựng phương pháp dạy, dẫn dắt bài giảng sao cho thu hút học trò.
Không tiếp xúc trực tiếp với đồng nghiệp để chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, song cô Kim Anh cũng không ngừng tự học để cập nhật kiến thức mới nhanh nhất.
“Tôi đăng ký học thạc sĩ, tham gia các khóa nghiệp vụ sư phạm, học thêm kỹ năng giảng dạy, truyền đạt, học hỏi kinh nghiệm từ các thầy cô cả dạy online lẫn trực tiếp…”, cô giáo nói.
Cô Kim Anh cũng chia sẻ hiện tại, học sinh học nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau, đồng nghĩa với việc giáo viên online cần tiếp cận, tìm hiểu nội dung trong ngần đó bộ sách. Đây vừa là điểm lợi nhưng cũng là khó khăn với giáo viên online. Không được tập huấn trực tiếp như giáo viên truyền thống, cô giáo tự mày mò tìm hiểu, học qua các bộ sách hướng dẫn dành cho giáo viên.
“Một lớp học sẽ có nhiều học sinh đến từ các tỉnh/thành khác nhau. Thay vì lựa chọn phân lớp để dạy theo từng bộ sách giáo khoa, tôi xây dựng hệ thống các kiến thức theo từng chuyên đề, phù hợp với mọi học sinh, giúp các em học bộ sách nào cũng có thể tư duy. Nhờ phương pháp dạy mới, học sinh của tôi cũng giảm bớt căng thẳng, học tập hiệu quả hơn", cô Kim Anh nói.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.