Thao túng là từ được người trẻ sử dụng nhiều trong năm 2022. Ảnh: Business Mirror. |
Trong thập kỷ qua, nhận thức của công chúng về sức khỏe tâm thần trở nên bùng nổ. Tuy nhiên, 2023 lại được cho rằng là năm đánh dấu sự bão hòa của xu hướng này vì nhiều người bắt đầu nghi ngờ về tính hiệu quả của những điều được gọi là "trị liệu", "chữa lành".
Minh họa cho vấn đề này, Business Insider nêu rằng nhiều TikToker phàn nàn về việc bạn bè họ sử dụng những ngôn ngữ trị liệu như "độc hại", "thao túng". Hay thậm chí những người nổi tiếng như diễn viên Jonah Hill cũng bị chế giễu vì lạm dụng từ "ranh giới".
Nhà tâm lý học lâm sàng Isabelle Morley nói với Business Insider rằng khi mọi người bắt đầu trị liệu tâm lý lần đầu tiên, những thuật ngữ mang tính cảm xúc như "ái kỷ", "thao túng" có thể hữu ích trong việc mô tả sự tổn thương.
Tuy nhiên, những thuật ngữ trị liệu cũng có mặt trái vì nó có thể cản trở quá trình chữa lành cho một cá nhân. Cụ thể, nó ngăn cải mọi người thực hiện những thay đổi quan trọng trong cuộc sống để trở nên tốt hơn.
Nhiều người sử dụng khái niệm "độc hại" theo hướng tiêu cực và áp đặt. Ảnh: Pexels. |
Đừng dùng "độc hại" nữa
Toxic (độc hại) được Từ điển Oxford bình chọn là từ của năm 2018 vì tính phổ biến và khả năng ứng dụng rộng rãi.
Là nhà tâm lý học lâm sàng, bà Isabelle Morley và bà Leah Aguirre nghe thấy những từ này rất nhiều khi làm trị liệu và thậm chí là trong cuộc sống thường ngày. Tuy nhiên, cả hai đều có chung quan điểm là cách dùng của mọi người đang khá mơ hồ và khó hiểu.
“Tôi thấy mọi người sử dụng 'độc hại' theo cách hơi tiêu cực. Họ sẽ áp từ này vào một người và cho rằng người đó xấu xa mà không cần xem xét lại họ có làm gì sai hay không", bà Aguirre nhận định, đồng thời nói thêm rằng cách dùng từ "độc hại" có thể khiến mối quan hệ trở nên rối loạn.
Bà Morley cũng đưa ra quan điểm tương tự. Theo bà, việc gán cho người khác cái danh độc hại tức là bạn đang tìm cách để đổ lỗi hoàn toàn cho người đó và không muốn trao đổi để cùng nhau thay đổi những chuyện chưa tốt.
Thay vì dùng từ "độc hại", các chuyên gia tâm lý đề xuất mọi người sử dụng từ "unhealthy" (không lành mạnh) với hàm ý nhẹ nhàng hơn. Ví dụ bạn có thể nói ai đó đang có hành vi không lành mạnh nên ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của bạn, thay vì nói người đó "độc hại", "hết cứu".
Hãy gạt bỏ sự "thao túng"
Thuật ngữ gaslighting (thao túng) bắt nguồn từ bộ phim Gaslight phát hành năm 1994. Trong phim, người chồng đã thao túng tâm lý vợ mình đến mức cô bắt đầu hoài nghi về sự tỉnh táo của bản thân.
Ngày nay, thao túng trở nên phổ biến đối với mọi người, nhưng các nhà tâm lý học lâm sàng thấy rằng từ này đang bị lạm dụng, hoặc bị sử dụng sai cách.
Theo quan sát của bà Morley, mọi người thường sử dụng từ "thao túng" để chỉ một người nào đó không đồng ý với họ hoặc tình huống thực tế của họ.
"Ai đó có thể không hiểu cảm giác của bạn hoặc những gì bạn đang trải qua, nhưng sự thiếu hiểu biết đó không phải thao túng", bà Morley nhấn mạnh, đồng thời khuyên mọi người nên thành thật về lý do mình bị tổn thương mà không nhất thiết phải đổ lỗi cho hành động của ai đó.
Việc dán nhãn cho người khác bằng những từ như "ái kỷ" hay "tâm thần" cũng không nên. Bà Morley nói rằng không ai, kể cả các chuyên viên tâm lý, cũng không được phép chẩn đoán hay khẳng định một người mắc những vấn đề tâm lý này.
"Việc gọi ai đó là ái kỷ hoặc tâm thần sẽ cắt đứt mọi cơ hội cải thiện mối quan hệ giữa bạn với họ. Chúng ta có thể yêu thương và thông cảm với những người chưa trưởng thành về mặt cảm xúc, nhưng cũng cần cho họ biết cách chịu trách nhiệm", bà Morley khuyên.
Không phải ai cũng là "cờ đỏ"
Red flag (cờ đỏ) là thuật ngữ dùng để xác định những đặc điểm tính cách không tốt ở một người, ví dụ quá yêu bản thân hoặc thích lạm dụng người khác.
Bà Morley nói rằng hiện tại mọi người đang sử dụng "cờ đỏ" theo kiểu đối phó. Nghĩa là một người sẽ thăm dò các mối quan hệ của mình, tìm ra những "mối đe dọa" và gắn cho đối phương cái mác cờ đỏ để tránh qua lại vì sợ bị tổn thương.
Không phải ai cũng là cờ đỏ. Ảnh: Adobe Stock. |
Thực tế, không phải ai cũng là cờ đỏ, những người có tính cách không hợp với bạn không có nghĩa họ là cờ đỏ. Bà Aguirre lấy ví dụ một người không nuôi chó sẽ không phải cờ đỏ, chỉ đơn giản đó không phải sở thích của họ.
"Bạn không thể lúc nào cũng gắn mác cờ đỏ cho người khác. Những người bạn thân thiết sẽ có một lúc nào đó sẽ tổn thương bạn. Ai rồi cũng sẽ có những lúc cư xử không tốt", bà Aguirre nêu quan điểm.
"Tự chăm sóc bản thân" không có nghĩa là tiêu xài hoang phí
Cá nhân bà Aguirre rất thích khái niệm self-care (tự chăm sóc bản thân) nhưng bà cũng lo rằng khái niệm này khi được lan truyền lên mạng sẽ bị sai lệch và gây hiểu lầm.
"Nhiều người có ảnh hưởng nói về việc tự chăm sóc bản thân theo cách tiêu xài tiền bạc và thời gian - thứ mà nhiều người không có. Không phải ai cũng đủ khả năng để mua những gói trị liệu chuyên nghiệp hoặc mua những thực phẩm đắt đỏ", bà nói.
Do đó, thay vì đề cao tự chăm sóc bản thân, bà Aguirre lại thích khái niệm self-compassion (tự trắc ẩn) vì điều này khuyến khích mọi người tử tế và kiên nhẫn hơn với chính mình.
Không phải hành vi nào cũng là "ADHD"
ADHD là viết tắt của Attention deficit hyperactivity disorder (rối loạn tăng động giảm chú ý). Thời gian gần đây, nhiều trang mạng, đặc biệt là TikTok, xuất hiện hàng loạt nội dung nói về ADHD và khiến nhiều người lo lắng.
Bà bà Isabelle Morley và bà Leah Aguirre khuyên mọi người không nên tự chẩn đoán, nhất là xem chẩn đoán qua TikTok vì thuật toán của nền tảng này sẽ "kéo" bạn vào những nội dung tương tự, khiến bạn có suy nghĩ mình thực sự mắc bệnh.
"Nếu bạn xem 5 video về ADHD, bạn sẽ xem thêm 15 video nữa. Điều đó khiến chúng ta thấy mình đang mắc ADHD ở một mức nào đó", bà Aguirre nói, đồng thời khuyên mọi người nên đi kiểm tra ở cơ sở uy tín nếu thực sự nghi ngờ mình có các triệu chứng liên quan.
Bà Morley cũng nêu quan điểm tương tự. Theo bà, một số triệu chứng của ADHD như buồn bã, mất tập trung... đều là điều phổ biến ở con người.
"Xem video nói về triệu chứng có thể nhanh và khiến bạn cảm thấy hữu ích nhưng thực tế nó khiến cuộc sống của bạn khó khăn hơn rất nhiều", bà Morley nêu quan điểm.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.