Sau cuộc hẹn ăn tối, Trung (26 tuổi) và bạn gái dành nốt thời gian còn lại trong ngày tại một quán pub trên phố Phan Đình Phùng (quận Ba Đình). Họ chọn vị trí ngồi ở cuối quầy bar, vừa thưởng thức đồ uống, vừa trò chuyện vui vẻ.
Trung cho biết anh vốn là người chuộng cuộc sống về đêm. Sau giờ làm việc căng thẳng, anh muốn được “xả hơi” bằng cách ra đường đi chơi tối.
Một quán pub đông khách lúc 21h45. Nhiều người trẻ đang dần lấy lại thói quen đi chơi tối muộn của mình. |
Trước khi dịch bệnh bùng phát, Trung thường ghé qua các quán pub 2 lần/tuần. Tuy nhiên, tần suất này giảm dần, rồi không còn nữa khi thành phố áp dụng quy định đóng cửa hàng quán trước 21h.
“Thật mừng khi quy định này đã được dỡ bỏ. Có lẽ tôi sẽ khôi phục lại thói quen đi chơi tối của mình, bao gồm việc ngồi tại pub”, anh chia sẻ.
Kể từ khi các cơ sở kinh doanh ăn uống được phép hoạt động sau 21h, không khí trở nên nhộn nhịp, sôi động hơn tại nhiều quán bar, pub. Người trẻ đang dần lấy lại cuộc sống về đêm của mình - thứ vốn bị Covid-19 tước mất suốt thời gian dài.
Chờ đợi quá lâu
Minh Nguyễn (25 tuổi) rất mong chờ đến tối 25/3 để đi chơi. Vào thời điểm quy định được bãi bỏ, cô không may mắc Covid-19 nên chưa thể “ăn mừng” sự trở lại của cuộc sống về đêm ở Hà Nội.
“Tôi rất thất vọng khi nhận kết quả test nhanh Covid-19 dương tính vào đúng ngày các quán được mở muộn. Đáng lẽ, tôi đã có thể vi vu cùng bạn bè ngay tối hôm đó”, cô nói.
Do công việc hành chính bận rộn, Minh Nguyễn hầu như chỉ có thể đi chơi vào buổi tối. Cô cho biết mình không phải người thường xuyên đi pub, nhưng có xu hướng dành dịp đặc biệt tại không gian này, chẳng hạn như khỏi Covid-19.
Minh Nguyễn ăn mừng việc khỏi Covid-19 vào tối 25/3. |
Hà (20 tuổi) cũng chọn quán pub để ăn mừng dịp đặc biệt với cô bạn thân. Chia sẻ với Zing, sinh viên năm hai cho biết cô mới trải qua buổi hẹn hò đầu tiên thành công nên tâm trạng rất tốt.
Ngoài ra, Hà nhận thấy quán pub là địa điểm phù hợp để đi chơi sau một tuần học tập, làm việc mệt mỏi.
Trước khi Covid-19 xuất hiện, cô thường khám phá những quán pub mới trong thành phố. Theo cô, mỗi quán có một văn hóa riêng, menu đồ uống và gu nhạc khác biệt.
“Tuy nhiên, sở thích này bị gián đoạn do dịch bệnh. Tôi giảm hẳn hứng thú bởi đi pub mà chỉ ngồi đến 21h thì thật buồn cười”, Hà chia sẻ.
Cô nói thêm: "Hiện tôi cảm thấy không còn cảm thấy bị gò bó hay lo lắng mỗi khi đi chơi tối giống như cả một năm qua. Tôi đã chờ đợi điều này quá lâu".
Thử thách của chủ quán
Càng về khuya, không khí ở Bermuda, một quán pub trên phố Phan Đình Phùng, càng trở nên sôi động. Hầu hết bàn đã kín chỗ với các nhóm khách từ 2-5 người. Quầy bar dường như hoạt động hết công suất vào tối thứ 6 này.
Giang Trần tự tin khi có thêm kinh nghiệm để đối phó trong trường hợp dịch bệnh bùng phát trở lại. |
Giang Trần, chủ quán pub, cho biết đây là cảnh thường thấy tại quán vào cuối tuần hoặc ngày lễ Tết.
Sự nhộn nhịp hiện có thể kéo dài hơn nữa nhờ thành phố dỡ bỏ quy định đóng cửa cơ sở kinh doanh ăn, uống trước 21h. Khách hàng của quán chủ yếu là các bạn trẻ ở độ tuổi 22-30, ưa chuộng cuộc sống về đêm.
“Vì mới khai trương không lâu, quán chưa phải trải qua nhiều thử thách trong 2 năm dịch bệnh vừa qua như những anh em cùng ngành. Hơn nữa, quán có thêm kinh nghiệm để đối phó nếu chẳng may Covid-19 trở lại trong tương lai”, cô chia sẻ.
Hiện vấn đề trước mắt của quán là giá nguyên liệu tăng trong bối cảnh giá xăng dầu lên cao. Tuy nhiên, Giang cho biết quán vẫn giữ nguyên giá đồ uống để khách hàng có trải nghiệm tốt nhất.
Q.A. (36 tuổi), người sáng lập Kumquat Tree, một quán bar theo phong cách speakeasy trên phố Nguyễn Khắc Cần (quận Hoàn Kiếm), cũng có quan điểm tương tự.
“Tuy khó khăn chồng khó khăn, tôi chưa có ý định tăng giá. Thay vào đó, quán sẽ tự cân đối chi phí. Tôi không muốn giảm sức hút với khách hàng ngay khi cuộc sống về đêm của Hà Nội mới trở lại không lâu”, anh chia sẻ.
Đến nay, quán đã hoạt động được 4 năm. Do nằm ở vị trí trung tâm, quán bar thu hút cả khách Việt Nam và nước ngoài. Trước thời điểm dịch bệnh, lượng khách ngoại quốc có thể chiếm tới 60%.
Một DJ kiểm tra thiết bị trước giờ đón khách. |
Trong bối cảnh du lịch quốc tế chưa thể phục hồi ngay lập tức, Q.A. cho biết hiện anh tập trung chủ yếu vào nhóm khách nội địa. Suốt 2 năm qua, doanh thu của quán tập trung vào lượng khách Việt, nhóm có chi tiêu cao hơn hẳn so với khách ngoại quốc, nhưng vẫn “chưa thấm vào đâu”.
“Người dân Hà Nội vốn không có văn hóa afterwork (sau giờ làm), lại thêm lệnh hạn chế cơ sở kinh doanh ăn uống sau 21h nên khách hàng càng ngại ra đường và đến những địa điểm như bar, pub. Việc kinh doanh của tôi gần như tê liệt”, anh nói.
Việc thành phố dỡ bỏ quy định cũng chưa tạo ra những thay đổi đáng kể. Theo chủ quán bar, lượng khách chỉ dồn dập trong 1-2 ngày đầu “như sự dồn nén lâu ngày được giải tỏa”. Ngoài ra, anh và các nhân viên cũng thấp thỏm, lo lắng rằng lỡ đâu tuần tới lại tiếp tục phải đóng cửa trước 21h.
Khách ngồi đông, bàn ghế ở các hàng quán xếp kín dọc lối đi khu Tạ Hiện tối 18/3. Ảnh: Tuấn Anh. |
“Trong khi cuộc sống về đêm ở TP.HCM đã sôi động được một thời gian, Hà Nội lại mở cửa chậm trễ, dè dặt. Điều này không chỉ khiến mọi người e dè trở lại với hoạt động giải trí về đêm, mà còn đẩy những người kinh doanh dịch vụ như tôi vào thế bí”, Q.A. chia sẻ.
Anh nói thêm: “Chẳng hạn, tôi chưa dám thực hiện sự kiện lớn hoặc nhiều chương trình để thu hút khách hàng vì còn lo lắng, không biết mọi thứ đã ổn hẳn chưa”.
Hiện ưu tiên trước mắt của Q.A. là duy trì đội ngũ nhân sự. Chủ quán cho biết hầu hết nhân viên không có nghề tay trái, chỉ trông chờ vào thu nhập từ công việc này.
“Cái khó khăn nhất là vừa giữ lửa nhiệt huyết, vừa đảm bảo công ăn việc làm cho các nhân viên. Tôi cảm thấy mình có trách nhiệm với họ. Hy vọng tôi có thể duy trì quán và giữ chân nhân viên đến thời điểm mọi thứ thực sự trở lại bình thường”.