Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng công bố kết quả nghiên cứu tất cả ca đột quỵ. Trong số đó, khoảng 62% bắt nguồn từ nguyên nhân thường xuyên ăn quá mặn.
Thạc sĩ, bác sĩ Ngô Thị Hà Phương, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết hiện nay, chúng ta có mô hình ăn uống thay đổi theo chiều hướng tăng tiêu thụ chất béo, đạm, dư thừa muối (9,4 g/ngày, gấp gần hai lần so với khuyến nghị 5 g/ngày của WHO).
Thói quen của người Việt Nam là khi ăn ở nhà, trong mỗi mâm cơm, ngoài các món ăn, đều có bát nước mắm hoặc đĩa muối dùng để chấm; ở các cửa hàng ăn, trên mỗi bàn ăn đều có sẵn các loại gia vị để người dùng tự thêm vào cho hợp khẩu vị.
Theo thạc sĩ Phương, đến nay, nhiều công trình nghiên cứu cho thấy chế độ ăn nhiều muối khiến tần suất mắc bệnh cao huyết áp tăng cao rõ rệt. Người dân ở vùng biển có tỷ lệ mắc bệnh cao huyết áp cao hơn so với những người ở đồng bằng và miền núi.
Chế độ ăn giảm muối theo khuyến nghị từ giai đoạn sớm có thể giúp trẻ ăn uống lành mạnh và giảm tỷ lệ mắc bệnh cao huyết áp.
Mới đây, theo một nghiên cứu trên 500.000 người, được công bố trên Tạp chí Tim mạch châu Âu, những người cho thêm muối vào thức ăn của họ có nguy cơ tử vong sớm cao hơn so với bất kỳ nguyên nhân nào khác.
Những người cho thêm muối vào thức ăn của họ có nguy cơ tử vong sớm cao hơn so với bất kỳ nguyên nhân nào khác. |
So với những người không bao giờ hoặc hiếm khi thêm muối, những người luôn thêm muối vào thức ăn có nguy cơ tử vong sớm tăng 28%. Trong dân số nói chung, cứ một trăm người thì có khoảng ba người trong độ tuổi từ 40 đến 69 chết sớm. Nguy cơ gia tăng từ việc luôn thêm muối vào thức ăn được thấy trong nghiên cứu hiện tại cho thấy cứ một trăm người thì có thêm một người có thể chết sớm ở nhóm tuổi này.
Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy tuổi thọ thấp hơn ở những người luôn thêm muối so với những người không bao giờ, hoặc hiếm khi thêm muối. Ở độ tuổi 50, những người luôn thêm muối vào thức ăn so với những người không bao giờ hoặc hiếm khi làm sẽ giảm tuổi thọ tương ứng là 1,5 tuổi và 2,28 tuổi của phụ nữ và nam giới.
Ngoài việc phát hiện ra rằng luôn thêm muối vào thực phẩm có liên quan đến nguy cơ tử vong sớm cao hơn do mọi nguyên nhân và giảm tuổi thọ, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những nguy cơ này có xu hướng giảm nhẹ ở những người tiêu thụ nhiều trái cây nhất và rau, mặc dù những kết quả này không có ý nghĩa thống kê.
TS Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng quốc gia - cũng cho biết thói quen của người Việt trong ăn uống vô tình đưa muối vào cơ thể. Ví dụ bữa cơm hàng ngày khi luộc rau đã cho muối nhưng vẫn có bát nước mắm hoặc đĩa muối chấm thêm. Hoặc ăn hoa quả cũng chấm muối để ăn ngon hơn nhưng lại vô tình khiến cơ thể thừa muối, tăng áp lực cho huyết áp.
Ngoài ra, TS Hưng cho biết chúng ta không chỉ nên hạn chế muối ăn trực tiếp qua các loại gia vị, mà ngay cả các món ăn hàng ngày cũng cần lưu ý, ví dụ như ăn sáng bằng bún, phở thì không nên dùng hết nước vì như vậy lượng muối nạp vào là rất lớn.
TS Hưng chia sẻ 3 biện pháp để giảm muối, mọi người cần lưu ý những vấn đề sau:
Thứ nhất: Giảm lượng muối nêm vào khi chế biến món ăn - không ướp thực phẩm quá lâu, nên nếm trước thức ăn khi cho thêm muối, luộc rau không nên cho muối để xanh. Đặc biệt, khi ăn hàng đa số các món ăn nấu đã đủ lượng muối, do vậy khi ăn không nên cho thêm gia vị.
Thứ hai: Chấm nhẹ tay, tốt nhất không bày nước chấm nhiều ở trên mặt bàn ăn, hoặc nếu có bày thì nên cho thêm các gia vị chua, cay vào để thay đổi vị, pha loãng nước chấm. Ngoài ra, không chấm sâu thức ăn xuống gia vị nhất là nước mắm; không chấm các thức ăn đã được tẩm ướp, đã mặn; không chấm trái cây bằng muối, gia vị.
Thứ ba: Giảm thực phẩm nhiều muối - hạn chế ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn nhiều muối như giò chả, mỳ ăn liền, dưa muối, cà muối. Khi mua các thực phẩm chế biến sẵn thì cần đọc nhãn trước khi chọn, nhất là các thực phẩm nhiều muối. Đồng thời tăng cường thực phẩm tươi sống.