Thời tiết lạnh giá có thể gây nguy hiểm cho trẻ em, dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Khi nhiệt độ giảm xuống, cha mẹ cần biết những nguyên tắc đơn giản dưới đây để giữ an toàn cho con suốt mùa đông.
Bổ sung đủ nước
Theo Parents, trẻ nhỏ thường lười uống nước vào mùa đông. Nhưng đó lại là thứ cơ thể trẻ cần để chống lại nhiễm trùng và bệnh tật. Nước mang chất dinh dưỡng đến các tế bào, đồng thời loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể. Do đó, mất nước làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở trẻ.
Vào mùa đông, bạn có thể cho trẻ uống nước ấm với mật ong và chanh. Đồ uống này có vị ngọt vừa đủ cho trẻ em, đồng thời tăng cường miễn dịch cho các bé trong thời tiết lạnh. Cha mẹ có thể bổ sung thêm các loại trái cây chứa nhiều nước như táo, dứa hoặc lê, ăn kèm sữa chua Hy Lạp.
Đi ngủ sớm
Ngủ đủ giấc được chứng minh là có thể giảm nguy cơ bị cảm lạnh. Trẻ em phải đi ngủ sớm để ngăn ngừa virus, vì vậy, cha mẹ hãy xây dựng thói quen này cho bé, thậm chí cả gia đình. Các nhà khoa học khuyên trẻ nhỏ không nên đi ngủ muộn hơn 20h. Thời gian ngủ cần thiết cho trẻ theo từng độ tuổi là:
- Trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi: 12-18 giờ/đêm.
- Trẻ mới biết đi 1-3 tuổi: 12-14 giờ/đêm.
- Trẻ mẫu giáo 3-5 tuổi: 11-13 giờ/đêm.
- Trẻ em 5-10 tuổi: 11 giờ/đêm.
Trẻ nên uống nhiều nước ấm để tăng cường sức khỏe vào mùa đông. Ảnh: Adventtherapy. |
Nhắc trẻ rửa tay thường xuyên
Rửa tay là nguyên tắc đơn giản nhưng đôi khi, nó lại bị các bậc cha mẹ có con nhỏ bỏ qua. Bàn tay đóng vai trò là cửa ngõ cho vi trùng xâm nhập vào cơ thể trẻ. Vì vậy, chúng càng sạch sẽ, con bạn càng ít có nguy cơ bị nhiễm trùng hoặc mắc bệnh vào mùa đông.
Cha mẹ nên nhắc trẻ rửa tay trước và sau mỗi bữa ăn; sau khi chạm vào bụi bẩn, rác thải, động vật hoặc người khác; sau khi hắt hơi, ho, xì mũi. Đặc biệt, trẻ cần rửa tay bằng xà phòng và nước ít nhất 30 giây.
Cung cấp Vitamin D hàng ngày
Vitamin D là chất chống oxy hóa có thể giúp ngăn ngừa cảm lạnh hoặc làm giảm mức độ nghiêm trọng của chúng. Đặc biệt, vitamin D rất cần thiết trong những tháng mùa đông khi thiếu ánh nắng mặt trời.
Rửa mũi bằng nước muối
Khi thấy trẻ bị cảm lạnh, cha mẹ hãy xịt một chút nước muối sinh lý vào mũi bé, đặc biệt sau khi tắm. Bạn cần đảm bảo trẻ được sử dụng một chai xịt riêng để ngăn ngừa vi khuẩn lây lan. Xịt nước muối cũng hữu ích khi trẻ bị nghẹt mũi nặng.
Hạn chế đường
Nhiều nghiên cứu cho thấy đường và carbohydrate tinh chế làm tăng tình trạng viêm trong cơ thể, dẫn đến sức đề kháng kém. Vì vậy, cha mẹ nên hạn chế cho trẻ tiêu thụ đồ ăn ngọt quá mức.