Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thói quen tưởng đơn giản ở trẻ nhưng gây hậu quả nghiêm trọng

Hội chứng Công chúa tóc mây khiến người mắc có xu hướng thích ăn tóc. Điều nguy hiểm là cơ thể lại không tiêu hóa được khiến số lượng lớn tóc ứ đọng trong dạ dày.

Hội chứng Rapunzel hay Công chúa tóc mây dựa theo nhân vật hư cấu trong truyện với mái tóc dài cùng tên. Không lung linh như truyện cổ tích, hội chứng này ngoài đời thực là một vấn đề rất đáng lưu ý và gây ra biến chứng nguy hiểm như tắc ruột. Người bệnh có xu hướng thèm ăn tóc.

Nhiều trẻ mắc hội chứng Rapunzel

Mới đây, Bệnh Viện Nhi Đồng Thành phố (huyện Bình Chánh, TP.HCM) phẫu thuật ca bệnh mắc hội chứng Rapunzel trong chỉ vài năm gần đây.

Bác sĩ chuyên khoa II Tạ Huy Cần, Phó khoa Ngoại Tổng hợp, chia sẻ bệnh nhi là bé gái 5 tuổi (ngụ quận 8), đến khám do tình trạng đau bụng âm ỉ kéo dài.

Trước đó, bé gái nôn liên tục, tiêu chảy, bụng chướng lên như có dấu hiệu tắc ruột. Các chẩn đoán hình ảnh từ siêu âm, X-quang ủng hộ chẩn đoán tắc ruột do búi tóc. Ngay lập tức, em được nhanh chóng mổ lấy khối tóc gây tắc nghẽn kịp thời.

hoi chung Rapunzel thich an toc anh 1

Búi tóc được lấy ra từ đường ruột của bé gái 5 tuổi. Ảnh: Phương Vũ.

"Tóc không thể tiêu hóa như thực phẩm khi dung nạp, dẫn đến tích tụ thành búi trong dạ dày hoặc trong ruột non và có thể kèm theo 'một cái đuôi tóc dài' nằm dọc theo trong lòng ruột", bác sĩ lưu ý.

Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiếp nhận và điều trị thành công cho bé gái 5 tuổi bị tắc ruột do “búi tóc khổng lồ” vì thói quen nuốt tóc bất thường.

Theo mô tả của người nhà, bé bị đau bụng quặn cơn, âm ỉ trong khoảng 5 ngày trước nhập viện. Tình trạng lúc nhập viện, bé đau bụng cơn dữ dội, bí trung đại tiện kèm theo ói dịch xanh nhiều.

Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Trần Bản, Trưởng kíp trực Ngoại, cùng các cộng sự chẩn đoán bệnh nhi bị tắc ruột nghĩ do búi tóc và cần phẫu thuật khẩn cấp. Kết quả là khi phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy ra búi tóc khổng lồ.

Lưu ý thói quen tưởng ở trẻ

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Quốc Việt, phòng Chỉ Đạo Tuyến, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết hàng năm, bệnh viện thường tiếp nhận các trường hợp tương tự và đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây.

Hầu hết bệnh nhi phải được phẫu thuật để lấy búi tóc khổng lồ ra khỏi đường tiêu hóa. Đặc biệt, tất cả trường hợp bệnh nhi cần phải được theo dõi điều trị tâm lý lâu dài sau đó.

"Hơn ai hết, bố mẹ, người thân và những người trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng bệnh nhi là nhân tố quan trọng để giúp phòng ngừa và tránh lặp lại tình trạng này cho con", tiến sĩ Việt nhấn mạnh.

hoi chung Rapunzel thich an toc anh 2

Phụ huynh nên quan tâm trẻ, chú ý những biểu hiện lạ hay thói quen không tốt và kịp thời điều chỉnh. Ảnh minh họa: Dejournal.

Ngoài chứng thích ăn tóc, thế giới còn ghi nhận hội chứng rối loạn ăn uống (Pica) liên quan việc ăn những món thường không được coi là thực phẩm và không chứa giá trị dinh dưỡng, bao gồm cả tóc, đất, cát, bọt biển, giấy vệ sinh, thạch cao, kim loại, đinh vít,...

Theo Hiệp hội Rối loạn Ăn uống Quốc gia Mỹ, hội chứng này có thể gây ra các biến chứng trầm trọng. Ngoài tác động đường tiêu hóa, trẻ em ăn phải những chất này sẽ có nguy cơ cao bị tổn thương não, khuyết tật khả năng học tập.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Quốc Việt, Bệnh viện Nhi đồng 2, lưu ý phụ huynh nên quan sát kỹ lưỡng khi chăm sóc bé nhằm phát hiện sớm vấn đề, đồng thời tham gia cùng nhân viên y tế trong việc hỗ trợ hạn chế hành vi nuốt tóc và nâng đỡ tinh thần cho con.

Bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cũng chia sẻ sau cuộc mổ, ngoài việc hồi phục sức khỏe, trẻ mắc hội chứng thèm ăn tóc cần điều trị rối loạn về tâm lý lâu dài.

"Hãy theo sát từng hành vi, cử chỉ, tính khí của con trẻ trong độ tuổi này để kịp thời phát hiện những bất thường. Khi phát hiện dấu hiệu hay thói quen ăn uống lạ, cha mẹ nên nhẹ nhàng phân tích để bé hiểu được tác hại", bác sĩ Vũ lưu ý.

Cha mẹ chủ quan với sốt xuất huyết dễ khiến trẻ chuyển nặng

Sốt xuất huyết Dengue có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt bệnh có nguy cơ chuyển biến nặng và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm