Bác sĩ Bùi Thị Yến Nhi, khoa Khám Bệnh, Bệnh viện Đại học Y Dược cơ sở 3, (TP.HCM), cho biết đau bụng trong ngày đèn đỏ hay thống kinh là nỗi ám ảnh của nhiều người. Cơn đau thường xảy ra ở vùng bụng dưới trước hoặc trong chu kỳ kinh nguyệt.
Thủ phạm
Theo bác sĩ Nhi, thống kinh thường được chia thành hai loại, bao gồm nguyên phát và thứ phát. Với dạng nguyên phát, trong 1-2 ngày đầu của kỳ kinh, nồng độ prostaglandin ở nội mạc tử cung tăng lên làm kích hoạt cơn đau. Phụ nữ sẽ cảm thấy cơn đau này giảm dần theo tuổi hoặc sau khi sinh con.
Cơn đau dữ dội, co thắt trong những ngày hành kinh khiến sức khỏe, tâm lý phụ nữ bị ảnh hưởng. Ảnh: NDNR. |
Ở thể thống kinh thứ phát, cơn đau thường xuất hiện muộn sau nhiều chu kỳ kinh, gặp ở độ tuổi 30-40. Cơn đau kéo dài, có thể xuất hiện trước hoặc sau khi hết chu kỳ kinh. Thống kinh thứ phát thường do một số nguyên nhân như phụ nữ mắc viêm vùng chậu, lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, u nang buồng trứng…
Khi mắc dạng thống kinh thứ phát, phụ nữ có thể xuất hiệu nhiều triệu chứng kháng như khí hư nhiều, có mùi, kinh nguyệt không đều, ra máu bất thường.
Ngoài ra, bác sĩ Nhi cho biết thêm theo Đông y, nguyên nhân gây thống kinh là hai mạch Xung Nhâm không điều hòa. Nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này, chia ra hư chứng, thực chứng, nhưng phần nhiều đều do khí huyết ứ trệ, khí cơ điều hành không thư sướng, kinh mạch tắc.
Những bài thuốc như ôn kinh thang, đào hồng tứ vật thang gia giảm, điều can thang, bát trân thang, tuyên uất thông kinh thang có thể áp dụng để hỗ trợ điều trị. Bên cạnh dùng thuốc, các biện pháp châm cứu, xoa ấm vùng bụng và bấm những huyệt như túc tam lý, tam âm giao, tử cung, trung cực, quan nguyên, khí hải, thái xung..., kết hợp cứu ấm (nếu thể hàn) có tác dụng hỗ trợ trị liệu.
Làm gì để giảm cơn đau?
Hiện nay, nhiều bạn gái trẻ lạm dụng uống thuốc giảm đau như paracetamol, NSAIDs và thuốc tránh thai tại nhà. Tuy nhiên, việc tự ý sử dụng mà không tham vấn ý kiến bác sĩ có thể dẫn đến quá liều hay gặp phải tác dụng phụ. Khi sử dụng lâu dài, khả năng sinh sản có thể bị ảnh hưởng.
Bác sĩ Nhi hướng dẫn một số cách đơn giản có thể giúp phái đẹp giảm cơn đau bụng trong ngày có kinh.
Các loại trà ấm giúp giảm cơn đau bụng khi đến ngày hành kinh. Ảnh: Pinterest. |
- Trà thảo mộc: Các loại trà gừng, quế hồng đào…, có thể giúp ức chế một phần cơ thể sản xuất prostaglandin. Trong 2-3 ngày đầu hành kinh, trà thảo mộc sẽ hỗ trợ giảm đau bụng hiệu quả.
- Túi chườm ngải tại nhà: Phương pháp này có thể làm giảm co thắt cơ tử cung. Để thực hiện, bạn lấy tất dày, cho gạo, muối hạt, lá ngải cứu sau đó cột lại, bỏ vào lò vi sóng làm nóng 1-2 phút. Sau đó, bạn lấy túi này ra bọc thêm lớp khăn mỏng phía ngoài rồi chườm ấm vùng bụng dưới và thắt lưng cùng trong 15-20 phút/lần.
"Thống kinh là cơn đau bụng thường gặp ở nhiều phụ nữ khi đến chu kỳ kinh nguyệt. Bạn có thể gặp bác sĩ tư vấn để giúp vượt qua cơn đau này nhẹ nhàng cũng như phát hiện sớm các bệnh lý phụ khoa tiềm ẩn", bác sĩ Nhi chia sẻ.