Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, việc cộng điểm ưu tiên cho thí sinh thi đại học được Chính phủ quy định từ nhiều năm, Bộ GD&ĐT là đơn vị thực hiện. Việc cộng điểm cho thí sinh vùng núi, vùng sâu, xa còn nhiều khó khăn để đảm bảo công bằng, vì đề thi chung cho mọi học sinh.
Trước những tranh luận gần đây về mức điểm ưu tiên quá cao, Thứ trưởng Ga cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu cụ thể để điều chỉnh phù hợp qua từng mùa tuyển sinh.
Tuy nhiên, ông Ga cũng cho rằng, việc thay đổi điểm ưu tiên không phải do Bộ GD&ĐT quyết định, mà liên quan hệ thống văn bản pháp luật được Chính phủ quy định. Bộ GD&ĐT sẽ phân tích cụ thể tình hình, sau đó trình Chính phủ xem xét.
Chia sẻ vấn đề này, ông Trần Văn Nghĩa, Cục phó Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Bộ GD&ĐT, thông tin, quy định cộng điểm ưu tiên nhằm đảm bảo công bằng cho học sinh, vì những em ở vùng miền núi, nông thôn sẽ không thể có điều kiện học tập tốt như thành phố. Nhiều nước trên thế giới cũng áp dụng chính sách này.
Cũng theo ông Nghĩa, Bộ GD&ĐT chỉ quy định mức điểm cộng chung theo khu vực và đối tượng, còn tuỳ từng trường đại học sẽ có quy định riêng cho những em được giải quốc gia, quốc tế. Theo quy định chung, thí sinh được cộng tối đa 3,5 điểm khu vực và đối tượng.
Tranh cãi
Trước đó, trên mạng Internet diễn ra cuộc tranh luận khá gay gắt về việc điểm ưu vào đại học, cao đẳng. Nhiều bạn trẻ đặt câu hỏi, trong khi thí sinh thi đại học cạnh tranh nhau từng 0,25 điểm, việc một số bạn được cộng nhiều điểm ưu tiên có công bằng?
"Năm nay, nhiều thí sinh được cộng từ 2-3 điểm ưu tiên. Những thí sinh ở thành phố không có điểm cộng, bị đẩy xuống dù đã cố gắng từng 0,25 điểm. Chỉ 0,25 điểm thôi cũng thay đổi cuộc đời cả một con người. Như vậy, bố mẹ giàu cũng là cái tội hay sao?". Đó là tâm sự của một học sinh về chính sách cộng điểm ưu tiên khi thi đại học, được đăng trên trang K54 FTU2 - Hỗ trợ tân sinh viên.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc cộng điểm ưu tiên là đúng vì học sinh vùng núi, nông thôn gặp nhiều khó khăn.
Theo PGS Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, cộng điểm ưu tiên là chủ trương năm nào cũng có của Bộ GD&ĐT, tại sao bây giờ các bạn mới thắc mắc?
"Theo tôi, chế độ cộng điểm ưu tiên là đúng đắn, bởi sự phát triển về văn hóa, kinh tế, xã hội của mỗi vùng khác nhau. Ở các thành phố, ai cũng được đi học và có điều kiện học tập tốt. Tuy nhiên, điều kiện học tập của học sinh nông thôn rất khó khăn...", thầy Cương nói.