Khách quốc tế trở lại Việt Nam sau dịch. Ảnh: Xuân Hoát. |
Từ tháng 11/2021, Việt Nam đã thí điểm đón khách du lịch quốc tế và chính thức mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3/2022. Đây được xem là bước ngoặt quan trọng thúc đẩy du lịch phục hồi mạnh mẽ và sôi động trở lại về cả du lịch nội địa và quốc tế.
Thủ tướng nhận định, đây là những minh chứng cho sự phát triển của du lịch Việt Nam, củng cố niềm tin về phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới.
Chưa tương xứng
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Các lý do đưa ra trong nghị quyết gồm: Hành lang pháp lý cho thu hút đầu tư, phát triển du lịch chưa có đột phá; chiến lược thị trường, chính sách xúc tiến du lịch chưa được kịp thời; sản phẩm du lịch thiếu sự đa dạng; các dịch vụ như lưu trú, thương mại, vận tải,... chưa tạo thành hệ sinh thái kinh tế kết nối, chia sẻ; hệ thống hạ tầng phục vụ nghỉ dưỡng, mua sắm, tổ chức các sự kiện quốc tế về văn hóa, thể thao, hội nghị, hội thảo... còn thiếu, chưa đồng bộ.
Ngoài ra, chính sách thị thực dành cho khách du lịch còn có điểm chưa phù hợp, về thời hạn tạm trú còn ngắn…, công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm còn hạn chế.
Theo nghị quyết, để du lịch phát triển bền vững, gia nhập nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, Thủ tướng yêu cầu Bộ VHTT&DL tiếp tục triển khai đề án về cơ cấu du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, chú trọng cơ cấu thị trường khách du lịch.
Song song, Thủ tướng cũng yêu cầu cơ quan này thúc đẩy phát triển nhanh thị trường du lịch nội địa, khai thác hiệu quả nguồn khách quốc tế. Theo đó, cần chú trọng thị trường có khả năng chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày.
Thủ tướng cũng giao Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp với Bộ VHTT&DL và UBND các tỉnh, thành đề xuất đổi mới cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực nhằm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Du khách check-in bãi biển Nha Trang. Ảnh: Xuân Hoát. |
Nghiên cứu, đề xuất sửa luật nhập cảnh
Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao phát huy vai trò của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong cung cấp thông tin, quảng bá, giới thiệu du lịch, tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.
Ngoài ra, người đứng đầu chính phủ cũng giao Bộ Ngoại giao phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị quyết về mở rộng diện áp dụng miễn thị thực đơn phương.
Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành thúc đẩy đàm phán Hiệp định miễn thị thực với các nước, đặc biệt là các đối tác có trình độ phát triển tương đồng hoặc cao hơn Việt Nam.
Hàn Quốc thực hiện chính sách miễn visa để kéo du khách quốc tế đến du lịch. Ảnh: Xuân Hoát. |
Song song, Thủ tướng cũng giao Bộ Công an hoàn thiện chính sách, tạo thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh, đi lại cho khách du lịch quốc tế. Bộ Quốc phòng ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa quy trình kiểm tra, kiểm soát đảm bảo nhanh chóng, thuận lợi cho các hoạt động xuất, nhập cảnh. Bộ Giao thông vận tải mở rộng các đường bay quốc tế đến Việt Nam. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Ngoài ra, Bộ VHTT&DL cần chủ động đặt hàng cho các trường đại học, cao đẳng… để chủ động trong công tác nhân lực bền vững.