Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Sinh viên phải luôn có hoài bão

Gặp gỡ cán bộ, giảng viên, sinh viên Đại học Hải Phòng chiều 8/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn các bạn trẻ luôn có hoài bão, nuôi dưỡng ước mơ và không ngừng rèn luyện.

Mở đầu cuộc gặp gỡ, nói chuyện với gần 500 cán bộ, giáo viên và sinh viên Đại học Hải Phòng chiều 8/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các chính khách lớn trên thế giới có nhiều buổi nói chuyện ở trường đại học, ở Việt Nam chưa có thói quen này. Theo Thủ tướng, những buổi nói chuyện với sinh viên cần được tổ chức nhiều hơn để truyền tải niềm tin và tâm huyết tới thế hệ trẻ.

Chia sẻ những vấn đề cần quan tâm hơn đối với giáo dục nước nhà, Thủ tướng nhấn mạnh giáo dục là quốc sách hàng đầu. Chính giáo dục đào tạo đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước. Nếu năm 2000, tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ có 16% thì nay đã lên 51%, trong đó có sự đóng góp lớn của các trường đại học nói chung, Đại học Hải Phòng nói riêng.

Giao duc dai hoc anh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà lưu niệm cho Đại học Hải Phòng. Ảnh: VGP

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn chỉ ra: Hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam còn nhiều bất cập, tồn tại, vì thế cần sự cố gắng, nỗ lực để chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao.

Chúng ta phải có những định hướng mới, thiết thực trong giáo dục đại học, nâng cao chất lượng cả đầu vào và đầu ra, nâng cao công tác quản lý và chất lượng đội ngũ giảng viên, bổ sung cơ sở vật chất, đổi mới phương pháp giảng dạy, giáo trình đào tạo; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, nhất là với những trường nổi tiếng trên thế giới.

Theo người đứng đầu Chính phủ, 12 trường đại học đã được Thủ tướng phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần, phát huy cao nhất tính chủ động, sáng tạo của người học, bảo đảm chất lượng thực chất, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao.

“Thầy cô giáo phải trang bị cho sinh viên tính năng động sáng tạo, chứ học đại học không phải đọc - chép”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đối với Đại học Hải Phòng, Thủ tướng đề nghị quan tâm xây dựng đội ngũ giảng viên thực sự có chất lượng, có tài, có đức, đồng thời chăm lo đời sống vật chất tinh thần, đảm bảo chế độ đãi ngộ để đội ngũ này yên tâm cống hiến xây dựng trường và đào tạo thế hệ trẻ.

Trường cần đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, đặc biệt những lĩnh vực có thế mạnh, xóa dần khoảng cách từ nhà trường tới thực tiễn cuộc sống...

Chia sẻ với sinh viên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Chúng tôi cũng từng là sinh viên, trưởng thành từ những cán bộ, công dân bình thường. Không phải tất cả đều sẽ trở thành Thủ tướng, nhưng mỗi công dân tốt đều có thể đóng góp cho đất nước mình”.

Thủ tướng khuyên các bạn trẻ: Bên cạnh việc tích cực học tập, các em cần học làm người, rèn luyện đạo đức, trở thành những con ngoan trò giỏi, kính thầy, thương bạn, sống phải có lý tưởng, hoài bão, yêu thương cha mẹ, hăng hái tham gia hoạt động xã hội. Đặc biệt, các em cần có bản lĩnh, tránh để kẻ xấu lợi dụng, kích động. Nhà trường chú trọng chăm lo đời sống tinh thần cho các em, hạn chế không để sinh viên tham gia vào các tệ nạn xã hội.

“Chúc trường luôn là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng của thành phố và đất nước” – Thủ tướng đã viết trong sổ lưu niệm của trường Đại học Hải Phòng, như lời nhắn nhủ về niềm tin vào sự đóng góp cho đổi mới giáo dục của thầy trò nhà trường.

Đại học Hải Phòng thành lập từ năm 1959, có 38 đơn vị trực thuộc, 14 khoa, 1 viện, 800 cán bộ, viên chức với quy mô đào tạo khoảng 12.000 sinh viên.

Từ khi trở thành trường đại học đào tạo đa ngành từ năm 2004 đến nay, Đại học Hải Phòng có bước phát triển nhanh, khẳng định vai trò, vị trí nòng cốt trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung.

Thủ tướng chỉ đạo chấn chỉnh việc đào tạo tiến sĩ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ GD&ĐT có biện pháp tạo chuyển biến chất lượng giáo dục các cấp, đặc biệt là giáo dục đại học và sau đại học, chấn chỉnh việc đào tạo tiến sĩ.





Minh Hằng

Bạn có thể quan tâm