Trước đây, ăn chay được nhắc đến là phương thức ẩm thực của người tu hành. Quan niệm Phật giáo cho rằng, ăn chay để tĩnh tâm, kiêng sát sinh, loại bỏ tham, sân, si và nuôi dưỡng tâm hồn.
Ngày nay, đối tượng ăn chay mở rộng và trở thành thực đơn được ưa chuộng trong văn hóa ẩm thực của người Việt. Trên thực tế, kiến thức của người ăn chay còn hạn chế, nhiều người theo trào lưu, giảm cân, đẹp da.
Hiện nay, món chay có màu sắc bắt mắt, hương vị hấp dẫn cùng tên giả đồ mặn như: đùi gà chiên, gỏi mắm, thịt kho... Nhưng không phải ai cũng biết quy trình làm ra thực phẩm chay ra sao và chúng có ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe người sử dụng.
Nhiều chất phụ gia độc hại
Cuối năm 2014, chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Ngãi tiến hành kiểm tra 11 cơ sở kinh doanh thức ăn chay chế biến sẵn. Đồng thời lấy 23 mẫu thực phẩm chay, gồm 5 mẫu kiểm tra nhanh hàn the và 18 mẫu gửi cơ quan kiểm nghiệm thực phẩm. Kết quả, 3/5 mẫu dương tính với hàn the, 4/18 mẫu còn lại nhiễm vi sinh. Trong đó, có hai mẫu nhiễm tụ cầu vàng là tác nhân gây ngộ độc thực phẩm có thể dẫn đến tử vong.
Tại các cửa hàng chay lớn tại TP HCM, phần lớn các loại hủ tiếu, đậu phụ được sản xuất thủ công trong nước với giá bình dân, phần còn lại là nhập khẩu. Tất cả những món mặn ngoài đời đều có món chay tương tự.
Một số cơ sở vì chạy theo lợi nhuận đã sử dụng các loại phụ gia không được phép dùng trong chế biến thực phẩm hoặc nhập khẩu những sản phẩm không nhãn mác, hạn sử dụng. Những chất này khi vào trong cơ thể sẽ gây kích ứng ruột và gan.
Lâu nay, nhiều người cho rằng, chỉ chất bảo quản mới gây hại. Trên thực tế, nhiều chất khác trong thực phẩm chay như phụ gia tạo hương vị, màu sắc, định hình còn độc hại gấp nhiều lần.
Chia sẻ trong chương trình Ngon và lành (VTC14), BS Nguyễn Phương Anh, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP HCM, cho biết: "Để thực phẩm chay có mùi vị giống thức ăn mặn thông thường, nhà sản xuất buộc phải cho thêm chất hóa học để tạo màu, mùi, vị. Đặc biệt là chất định hình để tạo hình cho giống các loại thịt, cá. Đây là những chất được bán trôi nổi trên thị trường và phần lớn không có nguồn gốc rõ ràng.
Nếu muốn ăn chay, bạn nên sử dụng những thực phẩm tươi như rau, củ và hạn chế thực phẩm giả mặn để tránh được những nguy cơ sức khỏe khó lường trước".
Những đối tượng không nên ăn chay:
- Người có tiền sử rối loạn ăn uống.
- Người suy dinh dưỡng.
- Trẻ em.
- Phụ nữ có thai và cho con bú.
- Người mới ốm dậy.
- Người dị ứng thực phẩm.