Trái cây mùa hè như dưa hấu giúp kiểm soát tốt lượng đường huyết, đồng thời rất giàu dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể. Ảnh: Womenshealth. |
Những gì chúng ta ăn có thể có tác động lâu dài đến sức khỏe tổng thể. Bệnh tiểu đường là một trong những vấn đề cần được kiểm soát tốt để ngăn ngừa nhiều biến chứng của nó.
Thời gian mùa hè có thể đặc biệt khó khăn đối với những người đang chiến đấu với căn bệnh này vì một số loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ mất nước. Không có đủ chất lỏng trong cơ thể có thể khiến lượng đường huyết tăng đột biến, dẫn đến nguy cơ bị tổn thương thần kinh, đau tim, vấn đề về thận và một loạt các biến chứng khác.
Nhiệt độ cao và bệnh tiểu đường
Theo Hindustan Times, những người mắc bệnh tiểu đường có nhiều nguy cơ phải cấp cứu y tế hơn vào mùa hè vì nhiệt độ quá cao có thể tàn phá lượng đường trong máu và tác động xấu đến cách cơ thể chuyển hóa insulin.
"Mùa hè, kèm theo cái nóng như thiêu đốt, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người mắc bệnh tiểu đường. Nó ảnh hưởng đến lượng đường, làn da và sức khỏe tổng thể của họ. Nó thậm chí có thể dẫn đến các trường hợp cấp cứu y tế như kiệt sức vì nóng hoặc say nắng", tiến sĩ Navneet Agrawal, Giám đốc dịch vụ lâm sàng của BeatO (Nền tảng chăm sóc bệnh tiểu đường lớn nhất Ấn Độ), cho biết.
Ngoài ra, một số loại thuốc trị tiểu đường thông thường như thuốc lợi tiểu cũng có thể khiến bạn bị mất nước. Thuốc và insulin nếu không được bảo quản đúng cách có thể mất hiệu lực do nhiệt độ cao đến lượt nó sẽ tác động đến lượng đường trong máu. Do đó, người mắc bệnh tiểu đường cần được chăm sóc đặc biệt hơn trong mùa hè.
Trong khi đó, bác sĩ Anurag Aggarwal, chuyên gia tư vấn Nội khoa, Bệnh viện Fortis Escorts Faridabad (Ấn Độ), chia sẻ nhiệt độ cao khiến bạn đổ mồ hôi quá nhiều, có thể dẫn đến tăng lượng đường trong máu. Điều này làm bệnh nhân phải đi tiểu nhiều hơn, tăng nguy cơ mất nước.
Các biến chứng của bệnh tiểu đường có thể làm hỏng mạch máu và dây thần kinh, ảnh hưởng đến tuyến mồ hôi, khiến cơ thể không thể làm mát hiệu quả. Uống không đủ chất lỏng cũng làm lượng đường huyết tăng cao.
"Nếu tiếp xúc nhiều với nhiệt, cơ thể giải phóng các hormone gây căng thẳng như cortisol và vasopressin, từ đó làm tăng sản xuất glucose vốn có của cơ thể khiến lượng đường tăng đột biến", bác sĩ Aggarwal khuyến cáo.
Nhiệt độ cao của mùa hè có thể tác động xấu đến bệnh nhân tiểu đường. Ảnh: Everydayhealth. |
Chế độ ăn giúp kiểm soát đường huyết
"Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý bệnh tiểu đường, do đó, bạn phải cẩn thận về những gì mình ăn. Trái cây mùa hè là lựa chọn tốt cho những người mắc bệnh tiểu đường. Bạn có thể ăn dưa hấu, cà chua, ớt chuông, rau bina, dưa chuột, cần tây... Ngoài việc thân thiện với bệnh tiểu đường, chúng còn giàu magiê, kali, canxi, vitamin K, A và các chất chống oxy hóa thiết yếu", tiến sĩ Navneet Agarwal nói.
Một số thói quen ăn uống lành mạnh có thể giúp người bệnh tiểu đường kiểm soát lượng đường huyết hiệu quả trong mùa hè:
- Bắt đầu ngày mới với thực phẩm giàu chất xơ: Tiến sĩ Agarwal cho biết bắt đầu ngày mới với bữa sáng giàu chất xơ có thể giúp ngăn ngừa lượng đường tăng đột biến.
- Bổ sung nhiều nước: Nước không có calo và là thức uống ưu tiên cho bệnh nhân tiểu đường. Uống ít nhất 1,5-2 lít nước hoặc chất lỏng mỗi ngày với nước lọc, nước chanh không đường hay nước dừa. Mặc dù nước ép trái cây chứa đường tự nhiên, tốt nhất bệnh nhân tiểu đường nên sử dụng nước ép rau củ.
- Trái cây theo mùa: Các loại trái cây theo mùa như dưa hấu, đu đủ, xoài và trái cây họ cam quýt có thể giúp giữ mức độ hydrat hóa cao.
- Sữa đông và sữa chua: Những thực phẩm giải nhiệt này không chỉ giúp cải thiện cảm giác thèm ăn mà còn kiểm soát lượng đường trong máu.
- Salad: Thêm dưa chuột, lá xà lách và cà chua vào chế độ ăn uống hàng ngày để duy trì lượng chất xơ phù hợp.
Ngoài ra, điều quan trọng là bệnh nhân tiểu đường phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa trong mùa hè, bao gồm:
- Theo dõi mức glucose thường xuyên.
- Giảm uống rượu vì có thể gây mất nước và tăng lượng đường huyết.
- Tránh uống quá nhiều trà và cà phê vì tăng mất nước.
- Giảm lượng đường bổ sung và thực phẩm chế biến.
- Tập thể dục vào thời gian mát mẻ, ít ẩm hơn trong ngày.
“Thế nào là chế độ ăn kiêng tốt nhất?”, “Làm thế nào để tôi ngừng lo lắng về cân nặng và tập trung vào việc sống lành mạnh?”, “Làm thế nào để tôi vẫn giữ được minh mẫn khi già đi?”… Đó là mối quan tâm của nhiều người trong quá trình tìm phương thức để duy trì sức khỏe tốt nhất có thể.
Cuốn sách Ăn lành, tập đủ, nghĩ thông minh có thể giúp người đọc tập trung việc ăn uống lành mạnh, rèn luyện thể chất, giữ tinh thần minh mẫn trong thời buổi bận rộn.