Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thức tới sáng, uống thuốc giảm đau để làm hết việc nhà mùa dịch

Vừa phải làm việc online, vừa gánh hết việc nhà, nhiều phụ nữ Ấn Độ rơi vào bế tắc, mệt mỏi trong những ngày phong tỏa.

Zing.vn trích dịch bài đăng từ South China Morning Post, đề cập đến vấn đề phụ nữ Ấn Độ bất đắc dĩ trở thành "người giúp việc tạm thời" ngay tại chính ngôi nhà của mình trong thời gian đất nước phong tỏa vì dịch Covid-19.

Trước khi áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm kiểm soát sự lây lan của Covid-19, các gia đình thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu tại Ấn Độ đều có ít nhất một người giúp việc.

Thực hiện giãn cách xã hội và hạn chế đi lại khiến nhiều người giúp việc không thể đến nhà chủ hoặc họ phải tự cách ly để đảm bảo an toàn cho cộng đồng.

Không có người giúp việc, ngoài thời gian làm việc online, nhiều phụ nữ Ấn Độ phải ưu tiên thời gian còn lại để dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn và chăm sóc gia đình. Khối lượng công việc khổng lồ khiến nhiều người phải thức tới sáng nhưng vì định kiến xã hội, họ không thể nhờ cậy sự giúp đỡ từ chồng con.

Phu nu An Do anh 1
Cuộc sống khi thực hiện lệnh phong tỏa đã gây thêm căng thẳng cho nhiều phụ nữ Ấn Độ. Ảnh: EPA.

Uống thuốc giảm đau để hoàn thành mọi việc

Mỗi buổi sáng, Sagari (35 tuổi, nhân viên tiếp thị) bắt đầu ngày mới bằng việc lau dọn các tầng trong căn hộ của mình, sau đó cô làm bữa sáng cho chồng, cha và cậu con trai 3 tuổi.

Trước khi chuẩn bị bữa trưa, cô tranh thủ làm việc trên máy tính nhưng không thể tập trung vì những yêu cầu liên tiếp từ chồng và con trai. 21h, sau khi nấu xong bữa tối, Sagari mới có thời gian lắng nghe cuộc gọi từ khách hàng. Các cuộc gọi của cô thường kéo dài đến 2h sáng.

Phu nu An Do anh 2Chuẩn bị những bữa ăn cho gia đình chiếm phần lớn thời gian trong ngày. Ảnh: AFP.

Làm việc liên tục, không có thời gian nghỉ ngơi khiến hiệu quả công việc của Sagari ảnh hưởng rất lớn. Cô bị loại khỏi tất cả các dự án quan trọng của công ty vì thiếu chuyên nghiệp và không còn năng lực quản lý mặc dù trước đó từng làm rất tốt.

"Đôi khi tôi uống thuốc giảm đau chỉ để hoàn thành mọi công việc".

Những áp đặt và định kiến đối với phụ nữ tại Ấn Độ đã buộc những người vợ như Sagari phải làm việc không ngừng để lấp đầy khoảng trống do sự vắng mặt của người giúp việc.

Đối với phụ nữ nội trợ toàn thời gian, khi tất cả thành viên trong gia đình đều ở nhà, tình hình cũng không khả quan hơn.

Tương tự Sagari, Shweta Chatkara (41 tuổi, sống ở ngoại ô Mumbai) cảm thấy mình đã dành quá nhiều thời gian cho việc nấu ăn và dọn dẹp nhà cửa. "Trước đó, tôi có thời gian rảnh để ngủ trưa và thậm chí là gặp gỡ bạn bè. Bây giờ công việc liên tục, kể từ khi tôi thức dậy", cô chia sẻ.

Chế độ phụ hệ 'thao túng' phụ nữ Ấn Độ

Sự phân biệt giới tính ở Ấn Độ nặng nề hơn nhiều so với những nước khác. Trung bình phụ nữ nước này dành khoảng 6 giờ để dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái. Còn với nam giới, thời gian làm việc này rất ít, chỉ 52 phút.

Hầu hết đàn ông ở Ấn Độ được dạy rằng công việc của họ là kiếm tiền và phụ nữ chỉ cần ở nhà nội trợ, lo toan nhà cửa. Phụ nữ không có tiếng nói và luôn phải lắng nghe những lời phàn nàn từ chồng của mình, họ không được tôn trọng và bị đối xử bất công.

Một phân tích gần đây của Oxfam cho thấy, nếu phụ nữ được trả mức lương tối thiểu cho thời gian làm công việc nội trợ thì số tiền đó sẽ lên tới 10,9 nghìn tỷ USD mỗi năm, gấp ba lần quy mô của ngành công nghệ thế giới.

Phu nu An Do anh 3

Ở Ấn Độ, 70% trẻ em tin rằng công việc chính của người phụ nữ là làm việc nhà. Ảnh: EPA.

Nhà trị liệu tâm lý Nilofar Sait - người đứng đầu chiến lược cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần tại nhà có trụ sở tại Mumbai - nói: "Mẹ chồng tôi rất buồn nếu thấy những người đàn ông trong nhà làm bất kỳ công việc bếp núc nào. Vì vậy, hiện tại tôi phải tự mình quản lý nó, mặc dù khối lượng công việc của tôi đã tăng gấp ba lần".

Sait cho rằng điều quan trọng là đàn ông và phụ nữ phải "hợp tác" để đạt được sự bình đẳng lớn hơn giữa hai giới.

"Bắt đầu từ việc dạy cho trẻ nhỏ quen dần với việc dọn dẹp nhà ở mức đơn giản và không thể hiện sự phân biệt giới tính giữa những đứa trẻ. Nếu muốn thay đổi định kiến xã hội vốn đã ăn sâu từ trước thì phải điều chỉnh lại các giá trị truyền thống", cô khẳng định.

Mùa dịch, đám cưới xa hoa ở Ấn Độ cũng diễn ra trên mạng

Vì nỗi lo dịch bệnh, những đám cưới hoành tráng với sự tham gia của hàng nghìn khách mời cũng nhường chỗ cho các buổi kết hôn từ xa, nơi cô dâu và chú rể gặp nhau qua màn hình.

Ngọc Ánh

Bạn có thể quan tâm